Nguồn cung căn hộ Hà Nội thấp nhất một thập kỷ

TheLEADER

Thứ tư, 1/11/2023 - 8:30 (GMT+7)

Nguồn cung suy giảm liên tục và chủ đầu tư tăng giá bán đã đẩy mặt bằng giá căn hộ lên tầm cao mới.

Các quận nội thành hầu như vắng bóng dự án căn hộ chào bán mới. Ảnh: Hoàng Anh

Với khoảng 4.500 căn hộ dự kiến mở bán mới từ nay đến hết năm, công ty tư vấn CBRE dự báo nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội cả năm nay chỉ đạt 11.400 căn.

Đây sẽ là năm thứ năm liên tiếp thị trường căn hộ Hà Nội ghi nhận sụt giảm nguồn cung mới và tổng nguồn cung năm nay dự kiến ghi nhận ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Dữ liệu từ công ty tư vấn này cho thấy nguồn cung căn hộ ở Thủ đô đã sụt giảm liên tiếp trong năm năm trở lại đây, từ mức đỉnh 36.000 căn chào bán trong năm 2019 xuống còn 15.100 căn vào năm ngoái và khoảng 17.000 căn trong năm 2021.

Nguồn cung căn hộ sôi động nhất từ năm 2015 đến năm 2019, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 35.000 căn mở bán mới, cao hơn hai lần con số trung bình trong giai đoạn 2010 - 2014 là 14.800 căn.

Hai năm nay, thị trường thiếu vắng nguồn cung mới từ những nhà phát triển dự án lớn như TNR Holdings, MIK Group và Sunshines Group. Phần lớn các căn hộ chào bán đều thuộc các đại đô thị ở phía Đông và phía Tây thành phố do Vinhomes hoặc các nhà đầu tư thứ cấp của công ty này như Masterise Homes phát triển.

Vướng mắc pháp lý Nguyên nhân thiếu vắng nguồn cung mới một phần là do một số doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền do vướng nợ trái phiếu hoặc doanh nghiệp chấp nhận co cụm lại trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân sâu xa không thể không nhắc tới là vướng mắc về pháp lý.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng mới đây nói tại thảo luận ở tổ trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra rằng, trên địa bàn thành phố có 712 dự án bất động sản chậm triển khai nhiều năm, trong đó có những dự án ‘đắp chiếu’ từ 10 - 20 năm.

Tuy nhiên, để triển khai tiếp được những dự án này là rất khó do chưa có hướng tháo gỡ vướng mắc về pháp lý. Các dự án này trước đây được giao đất cho doanh nghiệp thực hiện không qua đấu thầu, đấu giá và chiểu theo quy định pháp luật hiện nay, việc giao đất cho doanh nghiệp như vậy không đúng.

Ông Dũng cho rằng, vừa qua Chính phủ đã có nhiều quyết sách, chủ trương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản nhưng hiệu quả thực chất vẫn còn hạn chế do gặp phải những vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Giá tăng liên tục Nguồn cung mới suy giảm, lại chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp, khiến cho mặt bằng giá căn hộ tăng lên liên tục.

Theo CBRE, bất chấp thị trường bất động sản trầm lắng và bối cảnh kinh tế khó khăn, giá bán căn hộ chung cư tại thị trường sơ cấp trong quý III vừa qua tăng 14% theo năm và đạt mức bình quân 50,8 triêu đồng/m2.

Một số chủ đầu tư điều chỉnh tăng giá và mở bán thêm quỹ hàng ở các tầng cao hơn cũng góp phần đẩy giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng mạnh.

Ở thị trường mua bán lại, giá bán trung bình vẫn duy trì đà tăng từ quý trước, đạt xấp xỉ 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% theo quý và 0,8% theo năm.

Theo vị trí, tất cả các quận đều ghi nhận giá bán thứ cấp tăng so với quý trước. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thứ cấp của chung cư tại Hoài Đức và Bắc Từ Liêm ghi nhận mức tăng cao nhất, lần lượt là 8% và 5%.

Đáng chú ý, mặc dù giá căn hộ tăng cao nhưng thanh khoản vẫn được giữ ở mức khả quan. Tỷ lệ hấp thụ đã cải thiện với 3.640 căn hộ bán được trong quý vừa qua, tăng hơn gấp rưỡi và gần bằng với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, có gần 8.000 căn hộ chung cư đã bán được tại Hà Nội, cao hơn tổng nguồn cung mới.