Việc tiếp cận dòng vốn để hoạt động và phát triển vẫn đang là gánh nặng “đè lên vai” các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Mặc dù thị trường bất động sản đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực về mặt pháp lý, song tình hình “sức khoẻ” tài chính của nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn chưa mấy khả quan.Gánh nặng về dòng tiềnDựa trên khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, hơn 70% số doanh nghiệp bất động sản phản ánh các cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy tác dụng đối với doanh nghiệp. Dù đã có các chính sách ưu đãi lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước, nhưng trên thực tế để tiếp cận dòng vốn rẻ là điều không dễ dàng.Như chia sẻ của nhiều doanh nghiệp địa ốc, họ chưa tiếp cận được mức lãi suất thấp như kì vọng. Hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn hạn chế hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cũng như thêm nhiều điều kiện khắt khe hơn để có thể cấp vốn.Trong bối cảnh khó thu xếp nguồn tài chính, áp lực trả nợ cũ hoặc đáo hạn trái phiếu là một thách thức khác mà doanh nghiệp trong ngành phải đối diện.
Theo FiinRatings, áp lực thanh toán hiện hữu với nhóm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ngành bất động sản trong quý 3/2024 khi đạt giá trị 37.000 tỷ đồng và chiếm 64% tổng giá trị TPDN đáo hạn. Xa hơn, trong quý 4 của năm và 2025, rủi ro quá hạn và nợ xấu trái phiếu của ngành địa ốc vẫn được đánh giá là cao hơn so với trung bình thị trường.Chia sẻ tại một toạ đàm mới đây, ông Lê Hồng Khang - Giám đốc phân tích và xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản về cơ bản vẫn thấp so với trung bình 5 năm trở lại đây. Các doanh nghiệp trong ngành hiện phải đối mặt và xử lý bài toán rất lớn, là khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước.Theo ông Khang, trước đây các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng và linh hoạt. Họ có thể huy động vốn từ các hợp đồng hợp tác đầu tư, từ người mua nhà, trái phiếu, vay ngân hàng… Tuy nhiên, đến nay các kênh này đến nay đều gặp nhiều khó khăn, kể cả với kênh vay vốn ngân hàng.Gỡ nút thắt về vốnTheo các chuyên gia, tháo gỡ các nút thắt về vốn sẽ là yêu cầu thiết yếu của các doanh nghiệp bất động sản trước bối cảnh môi trường pháp lý đã phần nào được củng cố nhờ 3 bộ luật mới có hiệu lực.
TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, nguồn vốn sẽ còn là áp lực đối với hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành. Nếu vấn đề về nguồn vốn không được giải quyết sớm thì nhịp phục hồi của thị trường sẽ bị ảnh hưởng, dù nút thắt về pháp lý đã có hướng giải quyết theo các bộ luật mới có hiệu lực.Để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho thị trường địa ốc, ông Đính cho rằng các cơ quan liên quan cần sớm ban hành các văn bản, Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ba bộ luật vừa mới được thông qua. Từ đó, đảm bảo tính “tương thích” giữa ba bộ luật cả về mặt phạm vi, đối tượng, thời gian và không gian.Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội chia sẻ, để tháo gỡ một cách kịp thời, Chính phủ có thể xem xét việc lập quỹ bảo lãnh, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp gặp khó khăn do không đủ điều kiện vay ngân hàng.Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings nhận định, việc áp dụng các chính sách mới sẽ cần thời gian. Để giải quyết vấn đề hiện nay của tín dụng bất động sản hay trái phiếu bất động sản sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc tháo gỡ pháp lý các dự án cụ thể đã được triển khai theo các quy định cũ hoặc hiện hành để dự án đó có thể được tiếp cận vốn tín dụng, triển khai và mở bán ra thị trường.