Rủi ro khi ủy thác tài khoản chứng khoán cho môi giới

TheLEADER

Thứ ba, 17/10/2023 - 16:42 (GMT+7)

Thay vì ủy thác tài khoản chứng khoán cho các môi giới ẩn chứa nhiều rủi ro, nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm (F0) nên mua chứng chỉ quỹ có uy tín hay ủy thác cho các công ty quản lý quỹ lớn được cấp phép.

Những năm qua, thị trường chứng khoán bùng nổ với số đông “nhà đầu tư F0” sẵn sàng rót hàng tỷ đồng vốn tích góp vào thị trường. Nhưng điểm chung của những nhà đầu tư này là “thiếu và yếu” về nền tảng kiến thức chuyên môn – điều kiện kiên quyết để có thể kiếm được lợi nhuận và tồn tại trên thị trường.

Trong bối cảnh nhu cầu lớn về tư vấn đầu tư, những room tư vấn, hội, nhóm phím hàng, … mọc lên như nấm thì các “chuyên gia ủy thác đầu tư” cũng xuất hiện hàng loạt dưới nhiều hình thức. Chủ yếu người nhận ủy thác là các môi giới chứng khoán, bất chấp các điều khoản hạn chế từ pháp luật đối với loại hình này.

Ủy thác tài khoản cho môi giới tiềm ẩn rủi ro

Mặc dù Thông tư 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định công ty chứng khoán, nhân viên công ty chứng khoán không được thực hiện đầu tư thay cho khách hàng, tuy nhiên đã xuất hiện không ít lời mời chào từ các môi giới về dịch vụ uỷ thác đầu tư trong giai đoạn bùng nổ thị trường.

Theo đó, tỷ lệ chia lãi, chịu lỗ cũng rất đa dạng tùy theo khẩu vị rủi ro. Theo chia sẻ của 1 số môi giới chứng khoán, nhiều nhân viên môi giới sẵn sàng chia một nửa số lãi/lỗ cùng khách hàng, hoặc linh động ở mức 3/7 hay 4/6.

Trường hợp khác, để đánh thêm vào “lòng tham” của các F0, nhiều môi giới chỉ nhận chia thưởng với tỷ lệ 10-15% tổng số lãi nhưng đi kèm là bên giao vốn sẽ chịu hoàn toàn số lỗ nếu có.

Cũng có trường hợp, môi giới/người nhận ủy thác đầu tư chỉ tính phí quản lý, nhà đầu tư “lời ăn, lỗ chịu”. Tuy nhiên, trường hợp này có thể khiến các môi giới giảm động lực kiếm lời nên không quá phổ biến trên thị trường.

Thực tế, đây là những thỏa thuận dân sự giữa môi giới và nhà đầu tư, không liên quan tới các công ty chứng khoán mà các môi giới đang làm việc. Thậm chí, có những thỏa thuận chỉ qua “lời nói” hay vài tin nhắn mà không có sự ký kết bất kỳ hay được xác nhận nào từ các pháp nhân.

Do vậy, khi thị trường đảo chiều giảm mạnh trong năm 2022 đã “đánh sập” nhiều tài khoản và làm lộ ra nhiều thương vụ ủy thác thất bại. Từ đó xuất hiện nhiều vụ kiện cáo, tranh chấp, mà ở đó, bài học về sự mất mát thuộc về chính những nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường.

Theo đó, do giao toàn quyền kiểm soát việc sử dụng vốn và đầu tư cho các môi giới nên kể cả trong trường hợp đầu tư có lãi, nhiều người cũng không thể thu về được đầy đủ số tiền gốc và lãi được nhận.

Ngoài ra, nếu thương vụ không may thua lỗ, nhiều cá nhân nhận uỷ thác sẵn sàng từ chối thanh toán và đẩy toàn bộ trách nhiệm sang bên ủy thác.

Cá biệt, nhiều trường hợp bên môi giới nhận ủy thác mất luôn khả năng thanh toán, bởi những đối tượng này cũng có nền tảng tài chính yếu nên mới chủ động tìm kiếm những nguồn vốn nhàn rỗi và “dễ dãi” khác để đầu tư.

Lúc này, các nhà đầu tư F0 cũng có rất ít cơ hội để khởi kiện, thắng kiện do các thỏa thuận ủy thác hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý hoặc không có đủ bằng chứng thuyết phục.

Mua chứng chỉ quỹ đầu tư là xu hướng tất yếu

Vậy câu hỏi được đặt ra là nếu chưa thể tự đầu tư, tại sao các nhà đầu tư F0 không mua các chứng chỉ quỹ có uy tín hay ủy thác cho các công ty quản lý quỹ được cấp phép?

Các quỹ đầu tư lớn nhận ủy thác thường được biết đến với độ ổn định cao thay vì biên lợi nhuận vượt trội. Thậm chí, ở các giai đoạn thị trường bùng nổ thì mức lợi nhuận đạt được thường quanh 20%-30%/năm, dù gấp 2-3 lần lãi suất tiết kiệm nhưng chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư F0 tham gia.

Trong khi đó, mức tỷ suất lợi nhuận được các môi giới nhận uỷ thác “hứa hẹn” rất cao, có thể tới hàng chục hay hàng trăm % mỗi năm, là mức khó có phương thức kinh doanh thông thường nào đạt được.

Thêm nữa, trong thời kỳ bùng nổ của chứng khoán, mức tăng 300%-500% về giá của nhiều cổ phiếu được ghi nhận càng làm tăng niềm tin dễ “ăn bằng lần” và khiến các nhà đầu tư F0 dễ dàng lọt vào cạm bẫy “ủy thác đầu tư” trên thị trường.

Ở các thị trường phát triển, ủy thác đầu tư thông qua việc mua chứng chỉ quỹ đầu tư là xu thế tất yếu với đại đa số người dân. Việc đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu chiếm tỷ trọng thấp và chỉ dành cho các chuyên gia chuyên nghiệp.

Trong 10 năm qua tại Việt Nam, tổng tài sản được các quỹ quản lý tăng 18%/năm, từ 100.000 tỷ đồng năm 2014 lên 584.000 tỷ đồng đầu năm 2023, tương ứng gần 2,5% GDP - thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (27,93% năm 2017), Malaysia (31,57% năm 2017), Trung Quốc (10,7% năm 2020), Ấn Độ (15,4% năm 2021).

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam hiện có hơn 7,6 triệu tài khoản chứng khoán (khoảng 7,6% dân số) mà đa phần là nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, số tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở mới khoảng 1,3 triệu tài khoản, tương ứng khoảng 1,3% dân số.

Điều này cho thấy, đa phần các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang lựa chọn tự đầu tư, thay vì uỷ thác đầu tư thông qua các quỹ.

Có thể thấy, nhà đầu tư các nhân tại Việt Nam vẫn chưa quen thuộc với hình thức ủy thác qua các chứng chỉ quỹ. Do vậy, cần có những chính sách phù hợp để khơi thông tiềm năng phát triển cho các quỹ đầu tư nói chung và kênh đầu tư chứng chỉ quỹ nói riêng, góp phần đa dạng hóa và lành mạnh hóa thị trường.

Tuy nhiên, bản thân mỗi cá nhân cần trang bị đầy đủ kiến thức cũng như dành thời gian để theo dõi quản lý danh mục của mình. Mỗi quyết định về đầu tư hay ủy thác cần được xem xét, đánh giá kỹ càng trên cơ sở đánh giá rủi ro.