Ngân hàng Thế giới: Những yếu tố bất lợi Việt Nam cần lưu ý
Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục chậm, biến động tăng giá, cùng các điều kiện bên ngoài khác, đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ và các giải pháp trong thời gian tới.Ngân hàng Thế giới trong đánh giá mới nhất về kinh tế Việt Nam nhận định, sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể đã chạm đáy, và tiêu dùng trong nước vẫn ổn định.Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu. Trong tháng 8, tăng trưởng tín dụng cán mốc 9,4% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức được ghi nhận trong những năm gần đây.Bên cạnh đó, những biến động tăng giá gần đây của năng lượng toàn cầu đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ lạm phát. Điều này cũng có thể ngăn cản Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.Theo Ngân hàng Thế giới, việc tiếp tục duy trì trạng thái thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy, cần đảm bảo việc quản lý ngoại hối linh hoạt, để ứng phó với các điều kiện bên ngoài.Tổ chức này nhấn mạnh, việc tăng tốc hơn nữa giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đồng thời, tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi ưu tiên, cũng như đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn.Tháng trước, trong báo cáo “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”, Ngân hàng Thế giới nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro gia tăng trong nước và bên ngoài.Cụ thể, nhìn từ bên ngoài, tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể tiếp tục làm giảm sức cầu bên ngoài đối với khu vực xuất khẩu của Việt Nam – có quy mô ước bằng khoảng 50% GDP.Cùng với đó, những bất định kéo dài trên thị trường tài chính toàn cầu có khả năng lại làm dấy lên căng thẳng trong khu vực ngân hàng trên toàn cầu. Điều này càng khiến cho các nhà đầu tư né tránh rủi ro và không khuyến khích đầu tư – bao gồm cả đầu tư vốn FDI vào Việt Nam.Không chỉ vậy, chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế phát triển quy mô lớn, nhằm chống lạm phát kéo dài, có thể nới rộng chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế. Điều này có thể gây áp lực về tỷ giá đối với đồng nội tệ.Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị leo thang và thiên tai liên quan đến khí hậu có thể làm gia tăng rủi ro theo hướng không khả quan cho Việt Nam, thông qua giá lương thực thực phẩm và nhiên liệu tăng lên.Nhìn vào trong nước, theo Ngân hàng Thế giới, khu vực tài chính đang đối mặt với những rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương ngày càng lớn, đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ và tiến hành đổi mới.Tổ chức này dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 4,7% trong năm nay, giảm mạnh so với con số 8% của năm ngoái, sau đó tăng dần lên mức 5,5% vào năm 2024, và đạt 6,0% vào năm 2025.