Lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2024: Nhóm tư nhân bứt phá

Theo Trần Anh

Thứ hai, 12/8/2024 - 14:01 (GMT+7)

Lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý II vượt qua đỉnh lịch sử của quý I hai năm trước, nhờ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng tư nhân.

Vượt đỉnh lịch sử

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết ngân hàng thương mại đều đã công bố báo cáo tài chính quý II và sáu tháng đầu năm 2024.

Thống kê từ FiinGroup cho thấy, lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết đạt gần 61 nghìn tỷ đồng trong quý II, vượt qua mức đỉnh lịch sử của quý trước.

Lợi nhuận sau thuế toàn ngành tăng cao, tới 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập lãi thuần tăng thấp trong bối cảnh tín dụng tăng chậm và biên lãi thuần (NIM) duy trì ở vùng đáy giai đoạn hậu Covid-19.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khi nhóm này tăng 28,2% so với cùng kỳ, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh tăng 10%.

Lợi nhuận ngân hàng giai đoạn 2020 - 2024

Điều này cũng tác động đáng kể tới bảng xếp hạng 10 ngân hàng lãi lớn nhất trong nửa đầu năm nay.

Theo đó, trong sáu tháng đầu năm, Vietcombank vẫn duy trì vị trí số 1 ngành khi dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế với con số 20.835 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank đến từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro trong khi các nguồn thu chính đều sụt giảm. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý II đã giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi vị trí dẫn đầu không đổi, vị trí thứ hai bất ngờ thuộc về một ngân hàng tư nhân là Techcombank khi ghi nhận hơn 15.600 tỷ đồng tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về giá trị tuyệt đối, Techcombank cũng là ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận nhiều nhất khi tăng thêm gần 4.400 tỷ đồng.

Sự phục hồi từ các nguồn thu nhập chính kết hợp doanh thu ngoài lãi giúp Techcombank vượt qua nhiều ngân hàng quốc doanh khác để có mặt ở vị trí thứ hai trong nhóm 10 ngân hàng lãi lớn nhất nửa đầu năm nay.

BIDV mất vị trí thứ hai vào tay Techcombank và tụt xuống vị trí thứ ba với lãi trước thuế bán niên đạt hơn 15.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Ngân hàng MB xếp ở vị trí thứ tư với lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt 13.428 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Điểm mạnh của MB nằm ở việc duy trì kết quả kinh doanh tốt trong khi chất lượng tài sản được đảm bảo. Nợ xấu hợp nhất của ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,64% và ngân hàng riêng lẻ chỉ ở mức 1,42%.

Nhóm bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất bị tụt hạng lợi nhuận khi Agribank chỉ xếp ở vị trí thứ năm với lãi trước thế đạt 13.269 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận Agribank sụt giảm do ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng tín dụng.

Kế tiếp là VietinBank đứng thứ sáu với lợi nhuận trước thuế đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

ACB bứt phát lên vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng với lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2024 đạt gần 10.491 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, VPBank cũng ghi nhận lợi nhuận cải thiện mạnh mẽ khi tăng mạnh gần 70%, đạt 8.665 tỷ đồng, xếp ở vị trí thứ tám. Lợi nhuận VPBank tăng mạnh chủ yếu là do so sánh với mức nền thấp của nửa đầu năm ngoái. Mức lợi nhuận của VPBank vẫn còn chưa đạt kỳ vọng nếu so sánh với quy mô ngân hàng.

Một ngân hàng TMCP tầm trung là HDBank bất ngờ ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian qua khi ghi nhận lợi nhuận 8.165 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Kết quả này có được nhờ sự nâng cao hiệu quả hoạt động của HDBank, cùng với việc thực hiện các sáng kiến ​​chuyển đổi kỹ thuật số.

Kết quả này giúp HDBank vượt qua SHB – ngân hàng lớn hơn nhiều nếu so sánh về quy mô tài sản. SHB kết thúc sáu tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6.860 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và xếp ở vị trí thứ 10.

Triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng nửa cuối năm

Theo FiinGroup, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khả quan trong quý tiếp theo nhờ vào nền so sánh quý III năm ngoái là mức đáy trong sáu quý trở lại đây.

Mặt khác, xu hướng phục hồi đang diễn ra khá tích cực ở nhiều ngành thuộc nhóm phi tài chính, đây sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Cuối cùng, FiinGroup cho rằng mặt bằng lợi nhuận ở nhóm tài chính sẽ tiếp tục được duy trì ổn định.

Các yếu tố hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ là những “bệ đỡ” quan trọng nhất giúp các ngân hàng tiếp tục vượt qua khó khăn, đạt lợi nhuận khả quan.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giúp các ngân hàng có điều kiện mở rộng tín dụng và cải thiện lợi nhuận.

Công ty chứng khoán VPBankS cũng kỳ vọng, sự phục hồi của ngành ngân hàng sẽ diễn ra rõ rệt trong nửa cuối năm nay.

Với giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất điều hành trong năm nay và các ngân hàng lớn đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm, lợi nhuận ngành ngân hàng trước thuế cả năm có khả năng tăng trưởng 15% so với năm trước đó, tương đương 293.650 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa trong bức tranh tăng trưởng chung. Những ngân hàng nhóm đầu, quy mô vốn lớn, lợi nhuận sẽ tăng trưởng cao so với năm trước, tỷ lệ nợ xấu trong vòng kiểm soát.

Nhóm ngân hàng quy mô vốn trung bình có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Với quy mô vốn nhỏ, một số ngân hàng còn lại có thể sẽ chỉ cán mốc 70-80% lợi nhuận hoặc thấp hơn.

Bên cạnh đó, quy mô và chất lượng lợi nhuận của các ngân hàng còn cần được đánh giá trên góc độ nợ xấu.

Theo FiinGroup, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng niêm yết được báo cáo tại thời điểm cuối tháng 6/2024 là 2,21%, đã tăng tiệm cận vùng đỉnh lịch sử là 2,24%.

Tỷ lệ nợ xấu tăng ở nhiều ngân hàng lớn như Vietinbank, Techcombank, VPBank và Sacombank.

Nợ xấu tăng lên trong khi chi phí dự phòng ở mức vừa phải nhờ việc gia hạn Thông tư 02 khiến bộ đệm dự phòng tiếp tục mỏng đi, hạn chế khả năng xử lý nợ trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của toàn ngành đã giảm về 81,5% trong quý II vừa qua, mức thấp nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện và cách khá xa so với mức đỉnh 143,2% trong quý III/2022.

Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, áp lực trích lập dự phòng rủi ro sẽ tăng lên nhằm củng cố lại bộ đệm, chuẩn bị cho công cuộc xử lý nợ giai đoạn 2025-2026.

Nhìn chung, tiềm ẩn nợ xấu vẫn còn hiện hữu khi mức độ hồi phục của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự như kỳ vọng.

Theo The Leader,

(https://theleader.vn/loi-nhuan-ngan-hang-nhom-tu-nhan-but-pha-d36436.html)