Theo phản ánh của một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng, mặc dù giá đất trên thị trường đã giảm 30-50% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 nhưng giá thuê đất họ phải trả lại tăng cao bất thường.
Suốt từ cuối năm ngoái đến nay, những doanh nghiệp này liên tục gửi đơn kêu cứu về tiền thuê đất nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp trong khi có doanh nghiệp phải vay mượn để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nếu không muốn không bị cơ quan thuế cưỡng chế và phong tỏa tài khoản.
Nguyên nhân được nhiều chủ doanh nghiệp phản ánh là do đơn giá tiền thuê đất tại địa phương này trong thời gian vừa qua đã tăng đột biến, có vị trí tăng 600-700% so với chu kỳ trước đó.
Đầu tư vào Đà Nẵng từ năm 2007 với đơn giá đất 11.000 đồng/m2/năm, Công ty TNHH Sao Việt Non Nước, chủ đầu tư dự án Melia Danang Beach Resort cho biết, giá đất đã không ngừng tăng mạnh sau mỗi chu kỳ 5 năm. Chu kỳ 2012-2016, giá đất tăng gấp đôi, chu kỳ 2017-2021 tăng 4 lần, chu kỳ 2022-2026 tiếp tục tăng hơn 4,5 lần.
Chu kỳ 2017-2021, công ty trả tiền thuê đất 7 tỷ đồng/năm, đến năm 2022 đã lên 28 tỷ đồng/năm và giá đất áp dụng đối với dự án Melia Danang Beach Resort hiện là hơn 369.000 đồng/m2/năm, tăng hơn 33 lần so với thời điểm ban đầu.
Khu du lịch Ariyana của Công ty CP Khách sạn và du lịch Thiên Thai cũng phải trả 120 tỷ tiền thuê đất/năm, tăng hơn 3,4 lần so với năm 2021.
Theo một số doanh nghiệp, tiền thuê đất hàng năm hiện đã tăng từ 30 - 50 lần so với thỏa thuận ban đầu của UBND thành phố với doanh nghiệp là không vượt quá 15%.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư trong nước đang phải nộp tiền thuê đất cao hơn nhà đầu tư nước ngoài 300%. Đây là sự bất công bằng rất lớn, các doanh nghiệp này cho hay.
Sau hơn hai năm dịch bệnh Covid-19, không ít doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoàn toàn, không có nguồn thu, nhưng vẫn phải cố gắng xoay sở, vay mượn để duy trì sự sống còn. Doanh nghiệp như người "bệnh nặng" chưa hồi phục, thì nay cục thuế lại phong tỏa tài khoản và hóa đơn do chưa thanh toán tiền thuê đất của những năm đại dịch. Chủ trương tăng giá cho thuê đất lên nhiều lần đã và đang gây khó khăn và áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp bị Cục thuế Đà Nẵng cưỡng chế tài khoản vì nợ thuế như như Công ty CP Phát triển đô thị du lịch Quảng An Đà Nẵng, chủ đầu tư khu du lịch biển The Song nợ 65,3 tỷ đồng; Công ty CP Mỹ Phát, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Olalani Resort and Condotel nợ 26,9 tỷ đồng; Công ty CP Biển Tiên Sa nợ 12,9 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước nợ 10 tỷ đồng.
Thế buộc phải "làm đúng" của cơ quan quản lý nhà nước
TS. Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, nếu làm đúng các quy định về tiền thuê đất theo quy định trong Nghị định 46 của Chính phủ như Đà Nẵng đang làm thì "chẳng khác nào đang triệt hạ, làm phá sản những doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu "tiền lẻ" từ dịch vụ du lịch."
"Bên cạnh đó, điều này cũng làm phá vỡ cam kết ban đầu của chính quyền Đà Nẵng khi trải thảm đỏ kêu gọi thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi về tiền thuê đất cho doanh nghiệp", ông Cường nói.
Theo ông Cường, khi đầu tư vào địa phương, doanh nghiệp hoàn không biết trước giá đất sẽ tăng bao nhiêu mỗi năm và sau chu kỳ 5 năm, giá đất sẽ biến động như thế nào. Nếu biết trước và có thể tính toán được mức giá cao như hiện nay, có thể họ đã không đầu tư hoặc sẽ chọn danh mục đầu tư kinh doanh khác phù hợp, để không bị rơi vào tình cảnh chết lâm sàng tại khi "mọi sự đã rồi".
Vì thế, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan", hoạt động đầu tư đã triển khai, trong khi giá đất tăng chóng mặt, doanh nghiệp không đủ sức chi trả.
Theo ông Cường, doanh nghiệp đang trông chờ rất lớn vào "tâm và tầm" của lãnh đạo địa phương để có giải pháp hỗ trợ. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, lãnh đạo địa phương cần báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để có giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Cường đề xuất lãnh đạo Đà Nẵng ngồi lại với các doanh nghiệp, chuyên gia để cùng trao đổi, sớm tìm hướng giải quyết tháo gỡ bất cập, nhất là việc tăng tiền thuê đất.
"Doanh nghiệp cần những việc làm và giải pháp hỗ trợ cụ thể chứ không phải là những thông điệp truyền thông "nói suông" sẽ đồng hành, hỗ trợ mà trước đó lãnh đạo địa phương đã cam kết", ông Cường nói.
Theo ông Cường, việc tăng giá tiền thuê đất nên có lộ trình hợp lý và chính quyền địa phương phải thông báo cho doanh nghiệp về mức tăng cụ thể ngay từ khi doanh nghiệp xin chủ trương, cấp chủ trương đầu tư dự án và phải được nêu rõ trong hợp đồng thuê đất để doanh nghiệp "tự lượng sức mình" trước khi quyết định đầu tư.
Mặt khác, việc tăng giá tiền thuê đất phải tùy thuộc vào từng phân khúc cụ thể để điều chỉnh hài hòa. Tăng giá tiền thuê đất cần phụ thuộc vào thị trường, do đó, có những sản phẩm bất động sản du lịch kinh doanh khó khăn, giá trên thị trường giảm, nguồn thu phụ thuộc vào lượng khách du lịch, thì tiền thuê đất không thể điều chỉnh tăng mà cần được giảm xuống tương ứng.
Đơn cử như bất động sản thương mại, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, trong thời điểm dịch bệnh và suy giảm kinh tế, khách du lịch giảm sút, nhiều khu nghỉ dưỡng đã rơi vào tình cảnh ế ẩm, không có doanh thu, hoạt động kém hiệu quả, giá thuê đất cần được giảm để bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, ông Cường nhấn mạnh.
Trước đó, TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO cũng cho rằng, trong trường hợp áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm cho dự án kinh doanh bất động sản du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung rõ quy định chu kỳ tăng giá, quy định tỷ lệ tăng giá tương đương chỉ số CPI.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể dự đoán được chi phí tiền thuê đất để đánh giá khả thi, dự án có thể phát triển ổn định, doanh nghiệp thuê đất yên tâm đầu tư, kinh doanh.
Các địa phương được phép quyết định tiền thuê đất hàng năm theo hướng dẫn, nhưng tốc độ tăng tối đa không quá một hoặc hai lần tốc độ lạm phát. Như vậy, Nhà nước vẫn có thể tăng tiền thuê đất trong trường hợp cần thiết, nhưng không đẩy hết rủi ro cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại diện các doanh nghiệp tại Đà Nẵng cũng kiến nghị thành phố cho phép một cơ chế đặc thù riêng để họ có thời gian ổn định, tập trung kinh doanh tăng nguồn thu để trả dần nợ thuế.
Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị thành phố tạm dừng việc điều chỉnh tăng giá đất, giảm tiền thuê đất, không cưỡng chế, không phong tỏa tài khoản, không tính lãi chậm nộp.
Trong giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp cần được địa phương tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để giãn thuế, giảm thuế và phân kỳ trả dần nợ thuế. Lãnh đạo địa phương không nên “phòng thủ làm đúng”, áp dụng đúng chính sách siết chặt, cưỡng chế tiền thuế, đẩy
doanh nghiệp vào con đường phải đóng cửa, phá sản.