Kinh tế Việt Nam 2024 sẽ ra sao nếu toàn cầu suy thoái?

Theo Theleader.vn

Thứ năm, 21/12/2023 - 8:39 (GMT+7)

Kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, tăng trưởng chậm sẽ khiến thị trường xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp, tăng chậm lại.

Xuất khẩu vẫn là một động lực tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Hoàng Anh.

Thế giới đối diện nhiều khó khăn bất định

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục đối diện nhiều khó khăn thách thức.

Ông Lực đánh giá, kinh tế thế giới năm 2024 tiếp tục gặp khó, thậm chí có thể suy giảm hơn năm nay, với mức tăng trưởng nhiều khả năng sẽ đạt khoảng 2,4 - 2,9%. Trước đó, thế giới đã giảm đà tăng trưởng xuống mức 3% từ mức 3 - 3,5% của năm 2022

Vốn là một nền kinh tế có độ mở lớn, các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. World Bank dự báo tăng trưởng ở mức 5,5%, IMF dự báo ở mức 5,8%, OECD ở mức 5,9%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra của Quốc hội là 6 - 6,5%.

Theo ông Lực, mức dự báo thấp của các tổ chức nghiên cứu quốc tế dành cho Việt Nam là điều dễ hiểu bởi những thách thức rất lớn của kinh tế toàn cầu trong năm tới.

Thứ nhất là xung đột địa chính trị phức tạp và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Chiến tranh tiếp tục kéo dài khiến gia tăng bất ổn về an ninh năng lượng, lương thực trên toàn cầu. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu, chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Thứ hai là sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ cùng với nợ công và nợ tư tăng khiến rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu và rủi ro nợ xấu, vỡ nợ gia tăng.

Thứ ba là giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao. Lạm phát năm tới dự báo ở mức 3,5%, giảm từ mức 8,4% năm 2022 và 5,5% năm 2023.

Bên cạnh đó, các rủi ro tài chính – tiền tệ cũng gia tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế thế giới trở nên mong manh hơn. Điều này đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

Việc kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, tăng trưởng chậm sẽ khiến thị trường xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp, tăng chậm lại, ông Lực nhìn nhận.

Ngoài các rủi ro từ thế giới tác động tiêu cực đến tình hình trong nước, theo ông Lực, tình hình trong nước năm 2024 cũng tồn tại rất nhiều khó khăn.

Mặt bằng lãi suất hiện đã giảm nhưng còn cao. Cùng với đó là các rủi ro trên thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế tăng, tác động tiêu cực đến Việt Nam.

Trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn rất lớn về hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn hàng, dòng tiền, thủ tục pháp lý.

Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức; nợ xấu gia tăng.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước giảm, khiến dư địa chính sách tài khóa bị thu hẹp. Việc giải ngân chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023 còn chậm và giải ngân đầu tư công không đồng đều, hạn chế những tác động tích cực lan toả đến đà phục hồi kinh tế.

Mặt khác, một số thị trường lớn của kinh tế Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn. Điển hình như rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản rất lớn, cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa. Điều này đã khiến tăng trưởng kinh tế gặp thách thức rất lớn.

Cơ hội của tăng trưởng

Tuy nhiên, khi đưa ra nhận định cho tăng trưởng kinh tế 2024, ông ông Lực cho rằng, năm 2024, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5% như mục tiêu đặt ra của Quốc hội.

Bên cạnh những khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, ông Lực cho rằng, nền kinh tế sẽ có một số những cơ hội nhất định để đón đầu đà phục hồi tăng trưởng.

Các động lực tăng trưởng đến từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1/2023. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chính vì vậy, sự hồi phục của thị trường này sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó là cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu, làn song FDI thứ tư vào Việt Nam.

Tại trong nước, nền tảng vĩ mô, quản trị rủi ro được tích lũy tốt; rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn.

Lạm phát và lãi suất đang giảm. Trong năm tới, lạm phát được ông Lực dự báo ở mức 3,5 - 4%. Bên cạnh đó, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Cùng với sự hồi phục của kinh tế, lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm nhưng khá khả quan.

Đáng chú ý, nhiều tín hiệu phục hồi kinh tế từ tháng 6/2023 đến nay khá là rõ nét, ông Lực nhấn mạnh và cho rằng kinh tế trong nước đang phục hồi quý sau cao hơn quý trước, dịch vụ, bán lẻ phục hồi tốt gần bằng trước dịch.

Đặc biệt là xuất khẩu đã phục hồi từ tháng 5/2024. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 291 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ hiệu ứng cơ sở thuận lợi trong hai tháng cuối năm.

Đây là tín hiệu cho sự phục hồi được mong đợi trong lĩnh vực thương mại, góp phần đạt mức tăng trưởng kinh tế 6-6,5% năm 2024.

Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER

(https://theleader.vn/kinh-te-viet-nam-2024-se-ra-sao-neu-toan-cau-suy-thoai-1702774340768.htm)