Nông dân mong muốn có cơ chế tiếp cận đất đai thông thoáng

Theo Yên Chi

Thứ hai, 25/11/2024 - 8:48 (GMT+7)

Tại Diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói", ngày 24/11, nhiều vấn đề liên quan đến đất đai như đấu giá đất, tiếp cận đất đai được đưa ra thảo luận.

Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lắng nghe nông dân nói năm 2024 có chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn"Đây là lần đầu tiên đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì, cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

Diễn đàn được tổ chức tại thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Diễn đàn có sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

"Diễn đàn lần này là dịp để chúng tôi được lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phán ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua; việc quản lý, điều hành,thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, về các giải pháp hướng tới mục tiêu NetZero.

Diễn đàn cũng là tiền đề để lắng nghe, tổng hợp ý kiến của bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân năm 2024", phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đồng chủ trì Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đồng chủ trì Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói.

Nông dân băn khoăn về cơ chế tiếp cận đất đai

Bà Nguyễn Thị Biên, nông dân xuất sắc tỉnh Thanh Hóa mong muốn được hỗ trợ cơ chế tiếp cận đất nuôi thả ngao và các loài nhuyễn thể khác. Hiện Thanh Hóa còn rất nhiều diện tích đất ven biển đang bị bỏ hoang, như khu vực Hoằng Phụ, Hoàng Hóa. Nhưng chưa có cơ chế, chính sách tiếp cận nên không thể khai thác.

"Vấn đề lớn nhất chúng tôi đang đối mặt là thiếu đất nuôi thả, một yếu tố vô cùng quan trọng nhưng lại vô cùng khó khăn để tiếp cận. Tôi kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cùng các bộ ban ngành liên quan, làm sao có chính sách, giải pháp cụ thể, giúp người nông dân tiếp cận được quỹ đất bỏ hoang ven biển để phục vụ phát triển kinh tế biển", bà Biên nói.

Vướng mắc liên quan đến quỹ đất trong ngành nuôi ngao cũng là vấn đề ông Nguyễn Hồ Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đề cập.

"Ngành nuôi ngao và chế biến ngao có phát thải rất thấp, có thể hướng tới mục tiêu Net zero. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang thiếu định hướng quy hoạch cho ngành. Bà con nuôi ngao phải tổ chức đấu thầu bãi nuôi từng năm một", ông Nguyên chỉ ra vướng mắc.

Để xử lý, ông Nguyên kiến nghị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có định hướng quy hoạch ngành nuôi ngao, tạo điều kiện thuê đất nuôi ngao ít nhất 3-5 năm trở lên.

Liên quan đến việc thuê đất, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, hơn 20 năm trước, trong bối cảnh đất cần khai hoang sản xuất, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, các địa phương có chính sách vận động thành lập nông lâm trường để đưa dân đi khai hoang sản xuất, giao khoán trả sản phẩm. Sau khi mô hình này thoái trào, giải thể, chuyển về địa phương quản lý, nông dân vẫn canh tác thì phải trả tiền thuê đất theo quy định.

Hiện nay, theo quy định mới, muốn thuê đất thuộc diện này, nông dân phải thực hiện đấu giá. Nhưng người nông dân đã đầu tư xây dựng đồng ruộng, chỉnh sửa mặt bằng tốn kém, thậm chí bỏ tiền khai hoang từ nhiều năm trước, nên địa phương rất khó thực hiện đấu giá theo quy định. Nếu tiến hành đấu giá, thì phải thực hiện việc thu hồi, chuyển đổi sản xuất cho nông dân.

Do đó, ông Huy kiến nghị, cần tính toán xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp cho từng loại đất (có tính đến yếu tố đất đã cải tạo) để ổn định sản xuất cho nông dân.

Bà Trần Thị Lanh, HTX tiêu biểu năm 2024 (Thái Bình) cho hay, đơn vị đang gặp khó khăn khi thuê đất của người dân để sản xuất quy mô lớn. Vì nông dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên có tâm lý sợ mất ruộng.

"Những nông dân có mong muốn làm đại điền như chúng tôi gặp nhiều khó khăn", bà Lanh chia sẻ. Đồng thời nêu thêm trở ngại của đại điền hiện nay, là việc nông dân chưa có điều kiện thuê đất làm nhà kho, nhà chứa thóc gạo, máy móc, nhà xưởng sấy thóc… Trong khi đó, xu thế hiện nay của nhiều đại điền Thái Bình là vừa canh tác lớn, vừa mở rộng làm dịch vụ nông nghiệp cho các hộ, hợp tác xã khác.

Do vậy, bà Lanh kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường hỗ trợ đại điền có mặt bằng hợp pháp để phát triển hệ thống kho, nhà xưởng phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Bà Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Quang Lanh (Kiến Xương - Thái Bình). Bà Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Quang Lanh (Kiến Xương - Thái Bình).

Trả lời về vấn đề trên, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ cho hay, Luật Đất đai năm 2024 đã có điểm rất mới, đó là cho phép tập trung tích tụ đất nông nghiệp thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vốn.

Riêng với phương thức cho thuê đất nông nghiệp, Nhà nước sẽ có chính sách để hỗ trợ trong việc đo đạc, cấp giấy, chỉnh lý trên hồ sơ địa chính đối với trường hợp dồn điền đổi thửa thì ngân sách nhà nước đảm bảo.

Còn các trình tự, phương án, trong Điều 77 và 78 của Nghị định số 102 ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ phương án sử dụng đất. Trên cơ sở đó, UBND cấp huyện sẽ xác nhận phương án.

Ngoài ra, để có mặt bằng xây dựng kho bãi, bảo quản nông cụ sản xuất, nông sản, bà Mỹ cho hay, tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2024; Điều 4, Điều 5, Điều 6 Nghị định số 102 đã quy định chi tiết phần phân loại đất, trong đó nhóm đất nông nghiệp khác sẽ có một phần diện tích để xây kho, bãi. Đây là những điểm rất mới tại Luật Đất đai năm 2024.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường). Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường).

Cần chính sách dành cho nông dân có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn

Liên quan đến việc thu hồi đất phục vụ Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, dự án Vành đai 4 có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn, nhưng việc thu hồi mặt bằng cho dự án diễn ra rất nhanh. Đến nay việc tái định cư người dân vẫn còn vướng mắc và quỹ đất cho sản xuất còn ít nên bà con rất trăn trở.

Ông Hữu băn khoăn về chính sách nào để thực hiện được chủ trương là nơi tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ? Nhà nước có chính sách hỗ trợ nào cho người dân phải di dời, người dân có được hỗ trợ tiền đào tạo nghề không?

Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Đào Trung Chính. Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Đào Trung Chính.

Theo Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Đào Trung Chính, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho cư dân thuộc diện thu hồi đất được thực hiện theo Luật Đất đai 2024.

Trong đó, Hà Nội đã chốt vị trí tốt nhất để làm khu tái định cư, nhưng theo Luật Đất đai mới, khu tái định cư phải có hạ tầng kỹ thuật bằng chuẩn nông thôn mới; đảm bảo tiếp cận hạ tầng xã hội. Trong việc giao đất tái định cư, giá đất lấy theo bảng giá chứ không chạy theo thị trường và Nhà nước thu hồi đất của người dân ở thời điểm nào thì tính giá ở thời điểm đó.

Ngoài ra, việc hỗ trợ đời sống sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo nghề đã có quy định rất cụ thể.

Vấn đề đấu giá đất cũng được đưa ra thảo luận tại diễn đàn. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, trong phiên thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8, và trả lời trước cử tri cả nước và các đại biểu, ông đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp để khắc phục và chấn chỉnh các hoạt động đấu giá đất. Đồng thời, xử lý nghiêm, cứng rắn với các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để thổi, hưởng lợi.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy.

Giải pháp cụ thể, thứ nhất là các địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định về Luật đấu giá, tài sản của nhà nước, Luật giá, luật Đất đai năm 2024.

Thứ hai, công khai minh bạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nhất là tại khu vực đấu giá.

Thứ ba, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để định giá khi đấu giá đất.

Thứ tư, các địa phương cần tăng cường các giải pháp về nguồn cung đất ở, nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, có giá cả hợp lý để bà con có thể chi trả và mua sử dụng, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu về đất ở, nhà ở...

Thứ năm, trong quy chế đấu giá, có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền đấu giá, đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao bỏ cọc, tránh trường hợp trục lợi.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để khắc phục các tình trạng như các đại biểu vừa phản ánh trong thời gian vừa qua ở vùng ven ngoại thành Hà Nội.

Theo Reatimes