Hơn 54.000 bất động sản tồn kho tại TP.HCM

Theo Tuệ Minh

Thứ hai, 23/12/2024 - 8:43 (GMT+7)

TP.HCM đang có 86 dự án với hơn 54.000 bất động sản tồn kho, trong đó có 46.986 căn hộ và 7.065 nhà thấp tầng.

Trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, giai đoạn từ 2015 - 2023, thành phố có 138 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư. Song, thực tế chỉ 52 dự án đang triển khai xây dựng, quy mô 35.556 căn hộ và 6.081 nhà thấp tầng.

Như vậy, TP.HCM còn 86 dự án nhà thương mại đã được chấp nhận chủ trương đầu tư nhưng chưa thi công hoặc ngừng thi công (tồn kho). Trong đó, 30 dự án ngừng thi công, với 21.676 căn nhà, quy mô sử dụng đất trên 210ha; 56 dự án còn lại chưa khởi công xây dựng, quy mô đất trên 754ha với 32.375 căn.

Tổng cộng, TP.HCM đang có hơn 54.000 căn (gồm 46.986 căn hộ và 7.065 nhà thấp tầng) tồn kho, theo HoREA.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, việc tồn kho lượng lớn dự án tại TP.HCM chủ yếu là do vướng mắc pháp lý. Nhưng hiện nay với hệ thống các luật và văn bản dưới luật vừa ban hành, thực tế này có cơ hội sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

Dẫu vậy, lãnh đạo HoREA vẫn nhấn mạnh, việc có 86 dự án với hơn 54.000 căn tồn kho trong giai đoạn 2015 - 2023 đã để lại nhiều hệ quả tiêu cực.

Thứ nhất là tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai do vi phạm nguyên tắc "sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả" của Luật Đất đai.

Thứ hai là làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, gây mất cân đối cung - cầu. Việc này dẫn đến thành phố nhiều năm nay lệch pha giữa các phân khúc nhà ở: thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tăng liên tục, vượt quá sức mua của người thu nhập trung bình, thấp trong xã hội.

Thứ ba là tổng số 86 dự án tồn kho này dẫn đến hệ quả là có đến hàng chục chủ đầu tư rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan", bị mất cơ hội kinh doanh, bị "chôn vốn" mà nguồn lực của doanh nghiệp cũng là nguồn lực của nền kinh tế, của xã hội.

Vì vậy, để giải phóng nhanh hàng tồn kho trên địa bàn thành phố, HoREA kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư. Chẳng hạn, Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn thi hành Nghị quyết 171/2024/QH15 "về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất" để các địa phương có căn cứ ban hành Nghị quyết, Quyết định theo thẩm quyền nhằm triển khai thực hiện kể từ ngày 01/04/2025.

Hay sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết "Cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hoà" để sớm giải quyết các dự án bị vướng mắc pháp lý trong nhiều năm qua tại 3 địa phương.

Cũng theo HoREA, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm chỉ đạo xây dựng Bảng giá đất lần đầu theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và phù hợp với thực tiễn của địa phương để áp dụng kể từ ngày 01/01/2026.

Ngoài ra, với tinh thần thực sự cầu thị, "sai đâu sửa đó, sai của cấp nào thì cấp đó sửa", Hiệp hội đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi một số quy định bất cập hoặc chưa sát với thực tiễn của Luật, văn bản dưới luậtđể xây dựng và phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản luôn luôn hành động trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, tôn trọng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và nỗ lực tối đa để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm bất động sản, nhà ở thương mại hướng đến nhu cầu thực, kéo giảm giá nhà về mức hợp lý và tích cực tham gia Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030./.

Theo Reatimes