Chuyên gia gợi ý giải pháp giảm đà tăng giá bất động sản

Theo Hà Thương

Chủ nhật, 29/12/2024 - 9:19 (GMT+7)

Tháo gỡ nhanh chóng những dự án bất động sản, đất đai đang vướng mắc, bỏ hoang là một trong những giải pháp quan trọng được giới chuyên gia đề xuất để giảm giá nhà.

"Giá nhà trung bình tại Việt Nam tương đương khoảng 60 năm thu nhập"

Chia sẻ tại diễn đàn "Thị trường Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới" chiều 27/12, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo, giá nhà trung bình cho người lao động trong xã hội không được cao quá 30 năm thu nhập của họ. Nếu quá mức này, dấu hiệu bong bóng bất động sản sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, ở Việt Nam, giá nhà trung bình đâu đó đã tương đương khoảng 60 năm.

"Việt Nam là một nước đông dân, mật độ dân số (số người/km2) rất cao, gấp đôi Trung Quốc. Do vậy, việc để giá nhà tăng chóng mặt thực sự là điều đáng buồn", TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.

Nói về nguyên nhân khiến giá nhà tại Việt Nam tăng mạnh, chuyên gia cho biết xuất phát từ 2 lý do. Thứ nhất là do nguồn cung hạn hẹp. Thứ hai là do lượng lớn dòng tiền đang đổ vào bất động sản để đầu tư.

Phân tích cụ thể nguyên nhân thứ hai, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, tổng cung tiền của Việt Nam hằng năm tăng cao hơn mức tăng của GDP cộng với lạm phát. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam 7% cộng với lạm phát 3% là khoảng 10%, nhưng cung tiền mỗi năm tăng khoảng 14 - 15%. Giả định vòng quay của tiền không đổi, thì chứng tỏ, một lượng lớn dòng tiền đang đổ vào chứng khoán, tiền ảo và bất động sản.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia phát biểu tại diễn đàn. TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia phát biểu tại diễn đàn.

Bàn về câu chuyện giá nhà, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng đồng tình, giá nhà ở tại Việt Nam đang tăng với tốc độ nhanh chóng.

"Chỉ số tăng giá bất động sản từ năm 2019 đến nay của Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực, ở mức khoảng 60 - 75%", TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm.

Còn theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá nhà ở trên cả nước đã tăng trưởng bình quân hai chữ số mỗi năm trong suốt một thập kỷ qua. Đặc biệt, kể từ năm 2018 đến nay, khi chính sách liên quan đến nguồn vốn cùng công tác quản lý thị trường bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn, đã khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm nghiêm trọng trong khi nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng. Thực tế này kéo giá bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm,  vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân.

Với mặt bằng giá nhà ở thương mại hiện tại, VARS cho rằng, ngay cả khi giá nhà giảm một nửa, nhiều người thuộc nhóm thu nhập trung bình và thu nhập thấp vẫn khó có khả năng sở hữu.

Kéo giảm giá nhà bằng cách nào?

Bàn về giải pháp giúp giá nhà tại Việt Nam giảm xuống, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần lưu ý đến việc tăng cung.

"Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ sớm đưa ra gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đã đề nghị, bước đầu khoảng 60.000 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương là 30.000 tỷ đồng, chủ yếu dưới dạng phát hành trái phiếu Chính phủ; còn địa phương khoảng 30.000 tỷ đồng", ông Lực cho biết.

Cùng với hỗ trợ nguồn vốn để cải thiện nguồn cung, chuyên gia cho rằng, chính quyền các cấp cũng cần tháo gỡ nhanh chóng những dự án bất động sản, đất đai còn vướng mắc và bỏ hoang trong nhiều năm qua. Nếu giải quyết được vấn đề này, lượng cung bất động sản sẽ cực lớn. Ước tính sơ bộ sẽ khoảng hàng chục tỷ USD.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia phát biểu tại diễn đàn. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia phát biểu tại diễn đàn.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, giá bất động sản thời gian tới có khả năng sẽ phù hợp hơn cho người mua do Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã yêu cầu Nhà nước phải can thiệp nếu giá bất động sản tăng 20% trong một quý. Vừa rồi, giá đã tăng nhiều hơn 20% nên thời gian tới, Nhà nước chắc chắn sẽ can thiệp mạnh mẽ để giá bất động sản được đảm bảo ở mức phù hợp và ổn định.

Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thời gian qua đã có một cuộc khảo sát ý kiến các chuyên gia về vấn đề giá nhà ở tại Việt Nam sẽ tăng hay giảm trong giai đoạn tới. Một nửa trong số các chuyên gia khảo sát cho rằng, giá nhà ở tại Việt Nam không thể đi xuống mà sẽ tiếp tục tăng. Một nửa số chuyên gia lạc quan hơn, nếu nguồn cung tăng lên mạnh mẽ, giá nhà ở có thể tăng chậm lại, thậm chí giảm.

Về phía mình, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc giảm giá nhà thực sự là một nhiệm vụ khó đối với Việt Nam. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng vào kỷ nguyên mới, Việt Nam sẽ có những hành động phi thường, mạnh mẽ, quyết liệt để kéo giá nhà ở đi xuống, đáp ứng được đại đa số nhu cầu về chỗ ở của người dân./.

Theo Reatimes