Khánh Hòa chấn chỉnh công tác đấu giá đất

Theo Đan Thanh

Thứ hai, 30/12/2024 - 9:52 (GMT+7)

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các cơ quan liên quan tiến hành rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Ảnh: LV Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Ảnh: LV
Tổ chức công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại khu vực tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và các khu vực lân cận; có biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà ở, đất ở phù hợp với khả năng tiếp cận và thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường bất động sản.

Các đơn vị trước khi xác định giá khởi điểm theo bảng giá đất phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất phải tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung giá đất tương ứng trong bảng giá đất tại khu vực, vị trí tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai, bảo đảm giá khởi điểm đưa ra đấu giá phải phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng đã đầu tư và mặt bằng giá đất thực tế tại khu vực tổ chức đấu giá.

Xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải bảo đảm chặt chẽ, khoa học, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, tránh tình trạng lợi dụng việc đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, trong đó, lưu ý về quy định rút ngắn thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, xác định mức tiền phải nộp lần đầu phù hợp để hạn chế tình trạng bỏ cọc; chỉ đạo đơn vị được giao tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lựa chọn hình thức, phương thức đấu giá phù hợp để hạn chế hành vi thông đồng, dìm giá hoặc thổi giá.

Được biết từ đầu năm 2024 đến nay, hiện tượng một số cá nhân tham gia đấu giá đất trả giá rất cao, thậm chí cao gấp hàng trăm lần người khác đã khiến phiên đấu giá không thành công xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận.

Ðiểm chung của các phiên đấu giá này là hiện tượng sốt ảo với giá trúng kỷ lục rồi bỏ cọc hoặc không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Giá đất trúng đấu giá đã bị các đối tượng đầu cơ “thổi” lên quá cao so với giá trị thật, tạo ra mặt bằng giá ảo nhằm trục lợi.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 134/CĐ-TTg ngày 14/12/2024yêu cầu: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa thu về hơn 10 tỷ đồng từ đấu giá đất. Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa thu về hơn 10 tỷ đồng từ đấu giá đất.
Xung quanh các lo ngại trong việc trục lợi, lũng loạn đấu giá đất, trả lời mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết đã có kiến nghị Chính phủ, các địa phương chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính khả thi, cứng rắn. Cụ thể, Bộ đề nghị địa phương thực hiện nghiêm quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá, Luật Đất đai; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại các khu vực có đất đấu giá.

"Các địa phương cần điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất để làm cơ sở tính giá khởi điểm. Thực tế đã xảy ra tình trạng những khu đất đầu tư đồng bộ về hạ tầng nhưng địa phương vẫn lấy giá đất khi chưa đầu tư để làm giá khởi điểm, khiến nhiều đối tượng muốn trúng đấu giá để bán lại kiếm lời", ông Duy cho hay.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, cần có chính sách đảm bảo nguồn cung về đất ở, nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân và phù hợp với nhu cầu chi trả. Khi cung - cầu không gặp nhau, đương nhiên giá sẽ bị đẩy lên cao.

"Đề nghị quy chế đấu giá đất có thể phải rút ngắn thời gian nộp đủ tiền trúng đấu giá, đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc để hạn chế việc lợi dụng đấu giá trục lợi", ông Duy nói và đề nghị tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp