Tỷ giá có thể tăng ngay từ quý I/2025

Theo Diễm Ngọc

Thứ bảy, 28/12/2024 - 9:02 (GMT+7)

Theo chuyên gia, việc tỷ giá tăng ngay từ đầu năm sẽ tạo dư địa điều chỉnh cho toàn bộ những quý còn lại của năm 2025, với mức tăng khoảng 1-2% có khả năng xảy ra ngay vào quý I.

Tỷ giá sớm tăng

Một lộ trình giảm lãi suất “thận trọng hơn” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gây ra biến động lớn tại hàng loạt thị trường.

Tỷ giá năm 2025 sẽ là một biến số mà chúng ta cần phải theo dõi, đặc biệt ngay trong quý I tới Tỷ giá năm 2025 sẽ là một biến số mà chúng ta cần phải theo dõi, đặc biệt ngay trong quý I tới
Mặc dù mọi người mong muốn lãi suất Mỹ sẽ hạ nhanh, nhưng tại cuộc họp ngày 19/12 vừa qua, Fed đã phát đi tín hiệu thận trọng về tương lai trong bối cảnh lạm phát vẫn đang cao hơn mục tiêu và tăng trưởng kinh tế duy trì đà vững chắc. Đây đều những yếu tố không song hành với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Dự kiến Fed sẽ chỉ hạ lãi suất hai lần trong năm 2025 và giảm một nửa so với dự báo hồi tháng 9.

Điều này được cho là gây sức ép đáng kể đến tỷ giá của Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital phân tích, bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 12/2024, chỉ số DXY luôn ở mức cao từ 103 - 105 điểm, cho thấy việc giữ USD ở thị trường nước ngoài đang là lợi thế với các nhà đầu tư ngoại.

“Theo quan điểm của tôi, tỷ giá năm 2025 sẽ là một biến số mà chúng ta cần phải theo dõi, đặc biệt ngay trong quý I tới. Bởi vì tỷ giá tại Việt Nam thường có một khung thay đổi trong năm và nếu tỷ giá thay đổi quá lớn sẽ tác động đến yếu tố rất quan trọng là lạm phát.

Việc VND mất giá ngay từ đầu năm sẽ tạo dư địa điều chỉnh cho toàn bộ những quý còn lại. Tôi cho rằng việc điều chỉnh tăng tỷ giá khoảng 1-2% có khả năng xảy ra vào quý I”, ông Nguyễn Minh Tuấn dự báo.

Những yếu tố cần lưu ý

Vị CEO của AFA cho rằng với các nhà đầu tư theo dõi thị trường tài chính, khi quan sát tỷ giá chúng ta thường tập trung vào hai cấu phần gồm:

Thứ nhất, chênh lệch lãi suất giữa thị trường Việt Nam so với Mỹ. Có thể thấy bắt đầu từ tháng 10 cho đến nay, NHNN đã liên tục bơm - hút ròng trên thị trường mở để điều chỉnh và giữ lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức 4%, một mặt nhằm tránh gây áp lực đến tỷ giá, mặt khác không gây áp lực đến lãi suất huy động.

Tại cuộc họp gần đây nhất, Fed đã hạ lãi suất 0,25%. Chủ tịch Fed trong họp báo sau cuộc họp cho biết Fed vẫn sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu xuất hiện rủi ro Tại cuộc họp gần đây nhất, Fed đã hạ lãi suất 0,25%. Chủ tịch Fed trong họp báo sau cuộc họp cho biết Fed vẫn sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu xuất hiện rủi ro
Với mục tiêu năm 2025 tăng trưởng GDP 8% thì tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ phải đẩy lên khoảng 17-18% khiến các ngân hàng gặp áp lực về việc huy động vốn. Đây là nguyên nhân giúp chúng ta thấy sự vận động rất nhịp nhàng của NHNN gần đây.

Khi lãi suất liên ngân hàng đã về mức 4%, vấn đề thanh khoản, chênh lệch lãi suất không còn quá lớn với thị trường này. Tuy nhiên sang năm 2025, nếu Fed thực sự chỉ có hai đợt hạ lãi suất, thì chúng ta rất khó kỳ vọng lãi suất của thị trường liên ngân hàng có thể hạ. Trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ eo hẹp, trừ khi có ý chí mạnh mẽ từ cơ quan điều hành mới có thể ép lãi suất giảm.

Còn về dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất điều hành thì xác suất này cũng thấp, vì chúng ta vẫn đang trong chu kỳ nới lỏng và mục tiêu lớn nhất là tăng trưởng GDP.

Thứ hai, là về lượng thông qua cán cân xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư FDI, FII. Cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam cũng cần phải cân đối giữa các đối tác thương mại, trong đó có các đồng tiền của Đài Loan, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều mất giá từ 4 - 5%. Vì vậy việc mất giá của VND trong năm nay cũng là một thành công dù vẫn có sức ép. Nếu giải quyết được vấn đề này sớm thì chúng ta sẽ có nhiều dư địa hơn.

Nhìn sang các đồng tiền lớn trong rổ DXY sẽ thấy sự mất giá tối thiểu của các đồng tiền đều ở mức 5% từ đầu năm đến nay, như đồng Euro mất giá 6%, yên Nhật mất giá 11,47%... Cá biệt có đồng bảng Anh duy trì ở mức 1,49%.

Một điểm đáng lo ngại là cán cân thanh toán, khi cán cân thanh toán bị âm thì NHNN phải lấy dự trữ ngoại hối để bù vào. Vừa qua, cán cân tài chính và cán cân vãng lai âm khiến NHNN đã phải đưa USD bù đắp cho trạng thái của các ngân hàng.

Nhìn ở góc độ số liệu, trong 11 tháng năm 2024, con số tổng xuất siêu là 24,31 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đang khá nhanh là 16,4% còn xuất khẩu chỉ đạt 14,4%. Điều này dễ dẫn đến cán cân thương mại ở kỳ 1 của các tháng thường âm, gây ra cán cân thương mại thực sự hỗ trợ cho tỷ giá bị yếu.

“Qua số liệu chúng tôi thu thập được cho thấy năm nay NHNN đã bán ra khoảng 8 tỷ USD và gần đây có lượng bán khá lớn với những phiên lên tới gần 1 tỷ USD cho các ngân hàng có trạng thái âm trên thị trường. Theo thông tin của các công ty chứng khoán tổng hợp, hiện tại Việt Nam còn một lượng dự trữ ngoại hối tương đương khoảng 2,4 tháng nhập khẩu, so với quy định của Quỹ tiền tệ Quốc tế là đang bị thiếu.

Chúng tôi cho rằng có hai trường hợp xảy ra, một là người quản lý trạng thái của NHNN đã nhìn thấy nguồn bù đắp ngoại tệ trong tương lai nên chủ động bán ra; hai là chúng ta cũng đang gặp rủi ro khi bị thiếu USD trong dự trữ ngoại hối”, CEO AFA Capital nói.

Tương tự, PGS TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong những năm qua tỷ giá của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam với thế giới thâm hụt thương mại.

Đặc biệt gần đây, việc chênh lệch lãi suất được xem như một yếu tố góp phần gây bất ổn tỷ giá do hiện tượng dòng vốn bị rút ra khỏi thị trường. Vì vậy nhà điều hành cần theo dõi sát sao chênh lệch lãi suất giữa VND và USD để có giải pháp can thiệp kịp thời.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp