Cánh cửa dẫn đến tương lai của ngân hàng

TheLEADER

Thứ năm, 15/2/2024 - 9:43 (GMT+7)

Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng, một kế hoạch huy động 15,5 tỷ USD trong vòng 3 – 5 năm cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam đã được Nhóm đối tác quốc tế (IPG) gồm nhiều quốc gia phát triển thông qua ngay tại hội nghị. Các khoản vốn này được IPG cam kết huy động với điều kiện vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ tư nhân thông qua các khoản đầu tư.

Bắt đầu từ hội nghị COP 26 năm 2021, Việt Nam dù là quốc gia đi sau nhưng thực sự có quyết tâm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

World Bank ước tính, Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon.

Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới, trong đó vai trò của đơn vị cung cấp nguồn vốn như các ngân hàng là không thể thiếu.

Nỗ lực chuyển đổi

Với đặc thù cho vay tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm khoảng 67% tổng dư nợ, Agribank cũng đang là một trong những ngân hàng đi đầu về cấp tín dụng xanh tại Việt Nam. Giai đoạn 2018 - 2020, dư nợ tín dụng xanh của Agribank tăng trưởng mức 100 - 380%/năm.

Ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, với lãi suất cho vay giảm từ 0,5 - 1,5%/năm. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank hiện đạt hơn 12.000 tỷ đồng, với gần 42.000 khách hàng, tập trung vào lâm nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo.

Những con số trên thể hiện nỗ lực của Agribank nhưng 12.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng xanh nếu so với tổng dư nợ hơn 1,5 triệu tỷ đồng của nhà băng này thì vẫn còn khá nhỏ bé.

“Một trong những lý do quan trọng khiến ngân hàng chưa thể đẩy mạnh cấp tín dụng xanh là sự thiếu vắng của một bộ tiêu chuẩn chung”, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank chia sẻ.

Đối với các ngân hàng, khó khăn đầu tiên phải đối mặt lại mang tính cơ bản nhất: thế nào là một dự án xanh? Việc thiếu đi một tiêu chuẩn chung không chỉ là vấn đề của các ngân hàng Việt Nam mà ngay cả những định chế tài chính lớn nhất thế giới cũng phải đối mặt.

Trong vài năm trở lại đây, những ngân hàng hàng đầu như Morgan Stanley, HSCB, Goldman Sachs hay JPMorgan đã công bố sẽ đầu tư 750 - 2.500 tỷ USD cho tài chính bền vững đến năm 2030.

Mặc dù vậy, mỗi ngân hàng lại có một định nghĩa khác nhau thế nào là bền vững, khiến việc hạch toán các khoản đầu tư cũng như lợi nhuận vào lĩnh vực này khác biệt. Tính thiếu nhất quán này làm dấy lên lo sợ dòng chảy tín dụng vào “greenwashing” – thuật ngữ dùng để chỉ những dự án phóng đại về phát triển bền vững để gọi vốn mà thiếu đi cơ sở thực tế.

Tín dụng xanh đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, và để dòng vốn thực sự chảy vào các dự án xanh, thúc đẩy phát triển bền vững đòi hỏi các nhà băng phải có một bộ tiêu chuẩn chất lượng. Đó cũng là lý do nhiều nhà băng chuyển hướng sang phát triển các chính sách quản trị rủi ro, môi trường và xã hội (ESG).

“Agribank coi việc đẩy mạnh thực hành ESG và xây dựng bộ tiêu chuẩn cho riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 2023-2025”, bà Bình cho biết.

Một báo cáo của hãng kiểm toán PwC đánh giá, việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước rất quan trọng, bởi thông qua việc thực hành ESG, các ngân hàng sẽ hình thành tầm nhìn, xây dựng và triển khai chiến lược đúng theo lộ trình bền vững.

Tháng 10/2023, ACB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững. Báo cáo cho thấy nỗ lực của ACB trong việc công bố thông tin về phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, dựa trên quy tắc được Ủy ban tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu (GSSB) thiết lập và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Báo cáo ghi nhận các dự án, cải tiến hệ thống, sản phẩm dịch vụ xét trên các khía cạnh môi trường và xã hội có thể nâng cao hiệu quả, mang đến lợi ích cho hoạt động kinh doanh của ACB. Bên cạnh những nỗ lực cắt giảm carbon tự thân, ACB cũng nhấn mạnh vào việc giảm thiểu cho vay các dự án có tác động xấu tới môi trường.

Ông Tăng Hoàng Quốc Thái, Giám đốc truyền thông và thương hiệu của ACB cho biết, một phần quan trọng trong quá trình thực thi ESG của nhà băng là xây dựng khung tài trợ xanh, để khi triển khai các sản phẩm hoặc chương trình tín dụng xanh sẽ có một “tấm lưới xanh” để sàng lọc.

Chẳng hạn, trong tấm lưới sẽ có các dự án được đánh giá “xanh dương”, hướng tới việc đầu tư vào các dự án sử dụng nước bền vững, xử lý nước thải... hay các dự án được đánh giá “xanh lá” sẽ liên quan đến năng lượng tái tạo, giao thông sạch, tòa nhà xanh, quản lý sử dụng tài nguyên hiệu quả… Tùy theo mức độ xanh, các dự án sẽ được tài trợ ở quy mô khác nhau.

“Đầu năm 2024, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tín dụng xanh để gia tăng tỷ trọng giải ngân cấp vốn cho các doanh nghiệp có tác động tốt với môi trường”, ông Thái cho biết.

Cánh cửa tiếp cận dòng vốn quốc tế

“Nhu cầu với nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam là rất rõ ràng nhưng mức cầu này cũng phụ thuộc vào độ hấp dẫn của tín dụng xanh”, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chia sẻ.

Là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, đồng thời phải đối mặt với những áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải…

Ước tính gần đây của IFC cho rằng, đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế có vai trò rất quan trọng, tạo đà cho phát triển thị trường. Để các nguồn vốn quốc tế tiếp cận tới các dự án tại Việt Nam, vai trò của các nhà băng trong nước rất quan trọng. Việc xây dựng bộ khung ESG đáp ứng tiêu chuẩn trở thành cơ sở để tiếp cận các nguồn lực quốc tế.

Với ngân hàng SHB, kể từ năm 2021 đến nay, nhà băng đã xây dựng bộ khung quản trị rủi ro ESG và áp dụng trên phạm vi toàn hệ thống. Trong đó, ngân hàng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số để tối ưu quy trình.

Xây dựng và triển khai thành công khung quản trị ESG đã giúp SHB thu hút thành công hàng trăm triệu USD vốn xanh từ các tổ chức quốc tế như World Bank, IFC, ADB, KfW…

Ngân hàng cũng đóng vai trò trung gian để đẩy dòng vốn quốc tế vào các doanh nghiệp trong nước. Điển hình có thể kể tới dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, thông qua World Bank với quy mô 86,3 triệu USD.

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc SHB cho biết trong giai đoạn 2022-2027, ngân hàng sẽ tập trung tài trợ vốn cho các dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh, trong đó dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu ở các ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, công nghiệp xanh. Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại SHB đang có xu hướng tăng trưởng nhanh, trung bình 10% mỗi năm.

Tính riêng từ năm 2018 cho tới nay, số dư tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng là 70%.

“Thực thi ESG còn giúp các ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại”, bà Đinh Hồng Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam nhận định. PwC đánh giá, thông qua thực thi ESG trong danh mục sản phẩm cho vay, các ngân hàng trong nước đang thể hiện hình ảnh của mình trong mắt nhà đầu tư ngoại. ESG sẽ ngày càng ảnh hưởng đến chiến lược M&A ngành tài chính khi các nhà đầu tư sử dụng các tiêu chí này để đánh giá rủi ro và xác định các cơ hội đầu tư.

Với cam kết về giảm phát thải carbon của nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư tư nhân, nguồn vốn gia tăng sẽ được huy động đầu tư cho quá trình chuyển đổi sang những mô hình kinh doanh xanh và có trách nhiệm với xã hội hơn.

Vẫn còn rất nhiều thách thức mà ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải giải quyết trong quá trình áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh. Nó đòi hỏi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong các hoạt động ESG, một định hướng rõ ràng về chiến lược và khả năng đánh giá rủi ro để đề ra các phương án giải quyết phù hợp.

Chính sự mới mẻ của ESG khiến việc quản trị tại các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc. Song ở chiều ngược lại, thực thi ESG cũng đem lại cơ hội to lớn về điều phối vốn cho các ngân hàng.

Những cam kết và thực thi ESG mang tới thông điệp rằng ngân hàng đang thực hiện các bước đi cần thiết để gia tăng tính khả thi và sinh lời trong dài hạn. Đây cũng chính là điều mà các nhà đầu tư muốn nhìn thấy trong danh mục đầu tư của mình.