3 yếu tố để tiếp cận tín dụng xanh từ ngân hàng ngoại

Theo LÊ MỸ

Thứ năm, 16/5/2024 - 11:40 (GMT+7)

"Một doanh nghiệp tốt, một dự án khả thi, một mục tiêu bền vững thực sự - đó là ba yếu tố mà chúng tôi tìm kiếm" - Chia sẻ của ông LIM Dyi Chang, Ngân hàng UOB Việt Nam với DĐDN.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỉ USD, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, cho lộ trình chống chịu và lộ trình phát thải ròng bằng 0. Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành để thúc đẩy, khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh, góp phần vào tốc độ tăng trưởng dư nợ của lĩnh vực này đạt khoảng 26%/năm, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh là 4,5%.

Xu thế tín dụng đang trở thành nguồn vốn đóng góp cho sự thúc đẩy kinh tế xanh, hướng về mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong xu thế này, việc tìm kiếm các doanh nghiệp đạt tiêu chí để cấp vốn từ phía ngân hàng; hay việc doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh của TCTD, thực tế vẫn có sự chọn lọc và không dễ dàng. Đầu tháng 4/2024, Ngân hàng UOB Việt Nam đã có ký kết thỏa thuận tài trợ thương mại xanh với Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex). Nhìn lại hoạt động cung cấp vốn xanh tại Việt Nam, ông LIM Dyi Chang - Giám đốc Cấp cao Khối Khách Hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, trao đổi cùng Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ông LIM Dyi Chang - Giám đốc Cấp cao Khối Khách Hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam

- Thưa ông, UOB vừa có một khoản vay cấp vốn xanh cho Betrimex ở Bến Tre. Ông có thể chia sẻ về hoạt động cung cấp vốn xanh của UOB tại Việt Nam từ trước đây cho đến khoản vay này?

Khoản tín dụng xanh lần này cho Betrimex ghi dấu nỗ lực của UOB Việt Nam trong việc hỗ trợ đa dạng cho các lĩnh vực khác nhau trong toàn bộ nền kinh tế. Trước đó, UOB Việt Nam đã từng cấp tín dụng cho 17 dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cùng với 7 dự án công nghiệp xanh, tính đến quý 4 năm 2023.

Trên toàn khu vực, danh mục tài trợ thương mại xanh của UOB đã đạt quy mô 44,5 tỷ SGD tính đến cuối năm 2023, vượt mục tiêu 30 tỷ SGD tài trợ thương mại xanh và bền vững vào năm 2025 mà ngân hàng đã đặt ra trước đó.

Với UOB Việt Nam, chúng tôi đang ở chặng đường đầu tiên trên hành trình tài chính bền vững, nhưng chúng tôi cam kết sẽ làm nhiều hơn, đồng hành cùng tập đoàn cũng như các mục tiêu của Chính phủ, và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác và dự án phù hợp để tiếp sức.

- Thông qua “nhìn lại”, thưa ông, có sự thay đổi hoặc tiến triển về khả năng tiếp cận tín dụng xanh nhìn từ phía doanh nghiệp Việt Nam hay không? Có những rào cản nào đối với tiếp cận vốn xanh nhìn từ phía doanh nghiệp  và ông có thể nêu các tiêu chí để tiếp cận được tín dụng xanh của UOB ?

Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp của UOB năm 2024 chỉ ra rằng sự thiếu hụt các giải pháp tài chính xanh như một rào cản đáng kể cho các doanh nghiệp để thực hành bền vững (theo phản hồi của 50% các doanh nghiệp tham gia khảo sát). Các khoản vay truyền thống có thể không phù hợp cho các dự án xanh dài hạn với thời gian trả nợ kéo dài.

Tuy nhiên, những xu hướng tích cực cũng bắt đầu xuất hiện. Các doanh nghiệp đang ngày càng tìm kiếm những ưu đãi về thuế và tiếp cận dễ dàng hơn với các giải pháp tài chính xanh, phù hợp với các nỗ lực bền vững đang diễn ra trên toàn cầu.

Về phía tổ chức tín dụng như UOB, tiêu chí để cấp tín dụng vẫn dựa theo các tiêu chí cơ bản, dù là cho khoản vay xanh và khoảy vay thông thường, chúng tôi đều phải đảm bảo mức tín nhiệm của doanh nghiệp, mức độ khả thi của dự án, sự tích cực của dòng tiền trong thời gian dự án. Sau đó, nếu doanh nghiệp và dự án có tính xanh, chúng tôi có thể cung cấp vốn nhiều hơn với lãi suất ưu đãi hơn. Ví dụ, sau quy trình đánh giá tín nhiệm, chúng tôi có thể tài trợ 60% vốn cho các dự án thông thương. Với các dự án xanh có các mục tiêu bền vững phù hợp với định hướng của UOB, chúng tôi có thể tài trợ lên đến 70%, 75% hay có thể nhiều hơn nữa. Sẽ có những ưu đãi nhất định nhưng sẽ chỉ đến sau khi hoàn tất các quy trình đánh giá đầu vào. Chúng tôi muốn đảm bảo sự hỗ trợ của chúng tôi có thể đến với đúng các doanh nghiệp đang thực hành xanh, các dự án mang tính bền vững thay vì các doanh nghiệp “tẩy xanh”. Một doanh nghiệp tốt, một dự án khả thi, một mục tiêu bền vững thực sự - đó là ba yếu tố mà chúng tôi tìm kiếm.

- Mặt khác, định hướng về tín dụng xanh của UOB tại Việt Nam từ những khoản vay đầu tiên, cho đến nay liệu có gì thay đổi? UOB đặt mục tiêu như thế nào đối với chiến lược hỗ trợ tăng trưởng xanh, cấp vốn xanh và ESG tại Việt Nam? Và ông có thể cho biết cụ thể các lĩnh vực UOB Việt Nam hướng tới để xanh hóa dòng tín dụng?

Tại UOB, chúng tôi cam kết hỗ trợ một tương lai bền vững cho khách hàng và khu vực. Chúng tôi ưu tiên tài trợ cho sáu lĩnh vực chính – năng lượng, bất động sản, xây dựng, thép, điện và ô tô – những lĩnh vực này chiếm một phần đáng kể trong hoạt động cho vay và lượng khí thải toàn cầu của chúng tôi. Tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm này cho phép chúng tôi vận hành các nguồn lực của mình để đạt được hiệu quả tối đa.

Trong các ngành này thì chúng tôi cũng tập trung vào các lĩnh vực mà có thể mang lại tác động lớn chẳng hạn như: năng lượng tái tạo, xe điện và phát triển cơ sở hạ tầng xanh. Chúng tôi cũng đang giúp các doanh nghiệp giảm tác động đến môi trường thông qua các chương trình đặc biệt liên quan đến việc sử dụng năng lượng mặt trời và xây dựng các đô thị thông minh.

Tại Việt Nam, chúng tôi dự kiến sẽ sớm triển khai các chương trình này, nhằm hỗ trợ cho các chương trình quốc gia phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam đang đặt mục tiêu rất lớn về chuyển đổi xanh và kinh tế số. Sự vận động của nền kinh tế cũng đang thu hút các dòng vốn quốc tế tới đầu tư, đặc biệt là các dòng vốn tiêu chuẩn xanh. Đây được xem là cơ hội của doanh nghiệp và nền kinh tế, những cũng là một thị trường cạnh tranh với các ngân hàng đang tham gia cấp vốn. Ông có thể chia sẻ quan điểm và tầm nhìn của UOB Việt Nam đối với vấn đề này?

Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang phù hợp với xu hướng toàn cầu, đặc biệt là trong các nền kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh. Sự thay đổi chiến lược của Chính phủ Việt Nam là mình chứng rõ ràng: các chính sách thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng 40% kể từ năm 2020 và các báo cáo cho thấy lượng vốn FDI hướng vào các dự án năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể. Các công ty công nghệ lớn thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam càng thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với nền kinh tế kỹ thuật số.

Mặc dù có tiến bộ đáng kể nhưng tỷ lệ FDI hiện tại trong lĩnh vực kỹ thuật số và lĩnh vực xanh có thể không phản ánh đầy đủ tầm quan trọng toàn cầu của chúng. Để tăng cường điều này, việc đơn giản hóa các quy định và thiết lập khung pháp lý minh bạch sẽ khuyến khích đầu tư hơn nữa vào các lĩnh vực mang tính chuyển đổi này.

Chiến lược của UOB đang đi theo xu hướng toàn cầu về tính bền vững, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và loại bỏ than nhiệt vào năm 2040. Việc ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất xe điện, phát triển cơ sở hạ tầng xanh và tài trợ thương mại bền vững thể hiện cách tiếp cận chủ động để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Với việc sắp ra mắt các chương trình xanh sắp tới tại Việt Nam, UOB sẵn sàng đóng góp đáng kể vào hành trình phát triển bền vững của đất nước, phù hợp với chương trình ESG của chính phủ và thúc đẩy các sáng kiến tài chính xanh.

Trân trọng cảm ơn Ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

(https://diendandoanhnghiep.vn/3-yeu-to-de-tiep-can-tin-dung-xanh-tu-ngan-hang-ngoai-263378.html)