Thị trường địa ốc kỳ vọng đón dòng vốn lớn từ kiều hối

Diệu Hoa

Thứ hai, 24/6/2024 - 13:52 (GMT+7)

Với các quy định thông thoáng hơn về sở hữu nhà ở đối với Việt kiều, lượng kiều hối, ước tính hàng tỷ USD mỗi năm được kỳ vọng sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới.

Kiều hối sẽ là dòng vốn quan trọng trên thị trường địa ốc.

Đón đầu dòng kiều hối

Mới đây, Tập đoàn Danh Khôi vừa chính thức ký kết hợp tác chiến lược với đối tác Knightsbridge Partners với kỳ vọng đưa các sản phẩm thuộc dự án Khu Phức hợp thương mại và Căn hộ cao cấp Astral City ra nước ngoài.

Theo thông tin từ đại diện Tập đoàn Danh Khôi, việc ký kết hợp tác chiến lược với Knightsbridge Partners nhằm đẩy mạnh các hoạt động phân phối sản phẩm và phát triển dự án tại quốc tế.

Trong khi đó, chia sẻ tại Diễn đàn “Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư" vừa qua, ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch Đông Tây Group cũng cho biết tại Đông Tây group, trong đầu năm nay, các nhà Việt kiều đã quay trở lại Việt Nam mua gấp ba lần so với các năm trước. Các nhà đầu tư Việt kiều chủ yếu đang định cư ở Úc, Canada, Mỹ, châu Âu.

Thực tế là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, xung đột địa chính trị phức tạp, nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn liên tục tăng và đạt mức kỷ lục mới.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Trong đó, năm 2022 đạt hơn 18 tỷ USD và năm 2023 phá kỷ lục với gần 19 tỷ USD - nằm trong Top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới, theo báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện.

Đáng chú ý, thống kê mới đây cũng cho thấy lượng kiều hối này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong năm 2024. Trong đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, quý I/2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,87 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước đó và tăng 35,4% so với cùng kỳ trước, là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây.

Theo các chuyên gia, việc kiều hối tăng trưởng mạnh là do trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh, cũng như chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân, đó là thủ tục liên quan đến kiều bào, kiều hối đã thông thoáng; có những phản hồi, hỗ trợ cho kiều bào ở nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước.

Đặc biệt, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua hồi đầu năm nay đã cho phép Việt kiều được đầu tư, kinh doanh và sở hữu bất động sản như công dân trong nước. Điều này được đánh giá là điểm tích cực, không chỉ góp phần duy trì đà tăng của dòng kiều hối mà còn giúp thị trường hồi phục sau thời gian “ngủ Đông” kéo dài vừa qua.

Những lưu ý quan trọng

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”, dòng kiều hối được kỳ vọng sẽ phần nào vực dậy tình hình và làm sôi động thị trường bởi tỷ lệ không nhỏ lượng kiều hối chảy vào bất động sản.

Dòng kiều hối à một nguồn lực đặc biệt quan trọng và không hề thua kém khi so với lượng vốn FDI giải ngân. Ảnh: DH

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, ngành địa ốc Việt Nam đi sau khá nhiều so với các thị trường châu Á khác, chỉ mới phát triển trong vòng 20 năm trở lại đây và đang trong giai đoạn “vàng”, cần trân trọng mọi cơ hội để đẩy nhanh phát triển. Trong đó, kiều hối là một nguồn lực đặc biệt quan trọng và không hề thua kém khi so với lượng vốn FDI giải ngân.

Còn theo ông Troy Griffiths, hành lang pháp lý mới sẽ giải quyết vấn đề này, với các quy định rõ ràng và cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt kiều đầu tư, sở hữu nhà tại Việt Nam. Dòng kiều hối theo đó sẽ đổ vào thị trường địa ốc.

Song, trao đổi riêng với DĐDN, để đón làn sóng kiều hồi này, các chuyên gia của VARS lưu ý rằng các chủ thể trên thị trường cần có những động thái rõ ràng.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, viễn thông và các dịch vụ công cộng khác; thiết lập các chính sách thuế ưu đãi như giảm thuế hoặc miễn thuế đối với người Việt kiều đầu tư vào bất động sản; đảm bảo, hệ thống thông tin, pháp luật liên quan đến bất động sản minh bạch, dễ hiểu và bảo vệ quyền lợi của người đầu tư, bao gồm cả Việt kiều.

Doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu, xây dựng các dự án bất động sản đạt tiêu chuẩn cao về thiết kế, chất lượng xây dựng và tiện ích để đón dòng kiều hối. Doanh nghiệp cần phác thảo rõ chân dung khách hàng, sử dụng các kênh truyền thông đa dạng để quảng bá về dự án bất động sản.

Bên cạnh đó, hỗ trợ khách hàng Kiều bào về các thủ tục pháp lý, thuế và các vấn đề liên quan đến việc mua bán, cho thuê bất động sản. Việc tìm kiếm, hợp tác với các đại lý bất động sản và môi giới có uy tín trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng cũng là điều mà doanh nghiệp cần chú trọng.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 

https://diendandoanhnghiep.vn/thi-truong-dia-oc-ky-vong-lon-tu-kieu-hoi-265332.html