Nhiều người mua biệt thự lãi hàng chục tỷ đồng

Theo Linh Giang

Thứ năm, 31/10/2024 - 10:14 (GMT+7)

Sự phát triển về hạ tầng giao thộng cộng hưởng với sự co hẹp về quỹ đất trong nội thành đã khiến giá biệt thự Hà Nội tăng chóng mặt, nhiều chủ biệt thự lãi "đậm".

Người mua biệt thự lãi đậm

Năm 2013, anh Nguyễn Hưng mua một căn biệt thự xây thô tại Khu đô thị Geleximco Hà Nội với mức giá 14 triệu đồng/m2. Đến năm 2020, căn biệt thự này được trả giá lên tới 70 triệu đồng/m2. Lãi gấp hơn 5 lần sau với thời điểm mua, anh Nguyễn Hưng quyết định chốt lời bán. Sau đó, nhà đầu tư bỏ tiền đổ vào 2 căn biệt thự tại một khu đô thị nằm dọc trục đường 32 (Hoài Đức) với giá 40 triệu đồng/m2. Hiện, giá của mỗi căn biệt thự gần gấp 3 lần chỉ sau 3 năm. Theo nhẩm tính của anh Hưng, so với thời điểm mua, chủ của căn biệt thự này lãi khoảng hơn 30 tỷ đồng.

Theo anh Hưng, căn biệt thự cũ tại Khu đô thị Geleximco trước đó giờ tăng giá gấp đôi, ước tính 130 - 140 triệu đồng/m2. Nếu giữ lại, nhà đầu tư thừa nhận tiếp tục lãi lớn.

Những căn biệt thự dù chưa có người ở nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng. Những căn biệt thự dù chưa có người ở nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng.

Tương tự như anh Nguyễn Hưng, 9 năm trước, ông Trần Bảy từng mua một căn biệt thự ở Vinhomes Riverside Long Biên. Khi đó, giá căn biệt thự này được chào bán 15 tỷ đồng. Ông Bảy kể, thời điểm mua biệt thự, nhiều người thân phản đối vì với số tiền lớn như vậy lại mua một căn biệt thự ở vùng xa xôi hẻo lánh, xung quanh còn nhiều cánh đồng. Thế nhưng, đến năm 2020, căn biệt thự của ông Bảy được môi giới gọi chào mua 63 tỷ đồng. 4 năm sau, giá căn biệt thự này lên tới gần 80 tỷ đồng.

"Không ai có thể nghĩ giá biệt thự ở Hà Nội lại tăng chóng mặt đến như vậy", ông Bảy cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đức Ngọc, CEO sàn môi giới bất động sản ở Hà Nội cho biết, 10 năm qua, giá biệt thự tăng rất mạnh, tính bằng lần. "Người mua biệt thự chỉ cần để trung bình 3 năm đều lãi đậm. Mức lãi có thể lên tới hàng chục tỷ đồng", ông Ngọc nói.

Vị này nêu một số ví dụ về tốc độ tăng của căn biệt thự. Đơn cử như căn biệt thự song lập ở Khu đô thị Nam Cường từng được rao bán với giá khoảng 10-11 tỷ đồng thì đến năm 2023, giá tăng hơn gấp đôi, tương đương 30 tỷ đồng.

Tương tự, đầu năm 2020, giá biệt thự ở khu đô thị Bảo Sơn chỉ dao động khoảng 35 triệu đồng/m2 thì đến năm 2024, mức giá này tăng tới 120 - 130 triệu đồng/m2.

Nhiều người mua biệt thự lãi hàng chục tỷ đồng- Ảnh 2. Nhiều người mua biệt thự lãi hàng chục tỷ đồng- Ảnh 2.

"Đắt đỏ" nhất có thể kể tới các căn biệt thự nằm ở khu vực trung tâm Hà Nội. Như một số căn biệt thự tại Vinhomes Green Bay sở hữu mức giá lên tới gần 1 tỷ đồng/m2. Mức giá này cũng đã bao gồm chi phí hoàn thiện biệt thự và nội thất.

Tại khu vực Mỹ Đình hay Thanh Xuân, giá biệt thự đang chào bán ước tính 300 - 400 triệu đồng/m2. Với diện tích lớn, giá một căn biệt thự lên tới 130 - 150 tỷ đồng. Thậm chí, có những căn biệt thự trị giá lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Giá biệt thự còn tăng?

Một khảo sát của Savills cũng từng ghi nhận, tại một khu đô thị ở quận Nam Từ Liêm, vào năm 2017, giá biệt thự trung bình 27 tỷ đồng một căn, tương đương 140 triệu đồng/m2. Đến năm 2023, mức giá đã tăng lên 82 tỷ một căn, tăng trung bình 20% một năm, trong 5 năm liên tục. Mức giá mới tương đương 430 triệu đồng/m2. Với những căn có vị trí đẹp, mức tăng còn lớn hơn.

Đơn vị này cũng cho biết, trước đây, giá khoảng 200 triệu đồng/m2 đối với căn biệt thự chỉ ghi nhận ở quận trung tâm. Đơn cử như căn biệt thự liền kề ở Tây Hồ Tây, diện tích 100 m2, năm 2020 được rao bán khoảng 20 tỷ đồng. Sau ba năm, mức giá này đã tăng 2 - 2,5 lần. Đến hiện tại, nhiều căn biệt thự có giá hơn triệu USD xuất hiện ở một số dự án lớn xung quanh Hà Nội.

Lý giải điều này, những đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng, sự phát triển về hạ tầng giao thộng cộng hưởng với sự co hẹp về quỹ đất trong nội thành đã khiến giá biệt thự tăng chóng mặt.

Ông Nguyễn Đức Ngọc cho biết, đối với những căn biệt thự trong trung tâm, phần lớn người mua đều có nhu cầu ở thực. Đây là những khu vực đắc địa, nguồn cung rất khan hiếm. Thế nên, những giao dịch biệt thự chủ yếu diễn ra ngầm.

Còn đối với những dự án vùng ven Hà Nội, người mua chủ yếu là nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông, tỷ lệ dân cư lấp đầy cũng khiến cho người mua biệt thự ở vùng ven hướng tới nhu cầu ở thực.

Theo ông Ngọc, vì giá tiền căn biệt thự lớn nên thanh khoản sẽ chậm. Bởi lẽ, phân khúc này chỉ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận nhỏ người có tiền.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, giá loại hình bất động sản thấp tầng đặc biệt là biệt thự tăng mạnh. Mặc dù cầu không lớn song theo sóng thị trường, giá biệt thự leo thang. Chuyên gia này cũng cho rằng, theo luật mới giá đền bù đất sẽ theo giá thị trường, do đó giá sơ cấp có thể đẩy lên rất cao. Ngoài ra, luật mới cũng cởi mở hơn với quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ kéo theo một nguồn tiền kiều hối đổ về nhiều hơn, thúc đẩy nhu cầu tăng cao. Do đó, giá bán, biệt thự có thể tiếp tục tăng cao nhưng cần thời gian lâu hơn./.

Theo Reatimes