Cách VPS vượt mặt SSI, VNDirect trong ‘cuộc chiến’ thị phần môi giới chứng khoán

TheLEADER

Thứ hai, 9/10/2023 - 8:59 (GMT+7)

VPS đã ghi nhận 11 quý liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn HOSE với khoảng cách ngày càng được nới rộng so với đối thủ xếp sau như SSI, VNDirect hay HSC.

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã công bố Công ty CP Chứng khoán VPS (VPS) tiếp tục giữ vững vị trí số 1 với lượng thị phần môi giới quý III với tỷ lệ gần 20%, gần gấp đôi Công ty Chứng khoán SSI.

Trong ngành chứng khoán, thị phần môi giới là một trong những thước đo quan trọng của một công ty chứng khoán thành viên. Thị phần lớn đồng nghĩa việc công ty có thể quản lý và khai thác được lượng thông tin khổng lồ của các nhà đầu tư.

Trước đây, các “ông lớn” như SSI, HSC,VCSC hay VNDirect luôn duy trì được vị trí trong top đầu nhờ vị thế vững chắc trên thị trường. Nhưng sự trỗi dậy mạnh mẽ của VPS đã xoay chuyển toàn bộ mảng dịch vụ chứng khoán trong 3 năm qua.

Bước ngoặt diễn ra vào đầu năm 2021 khi VPS chính thức vươn lên đứng số 1 về thị phần môi giới sau khi vượt qua SSI. Đây cũng là giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 và thị trường chứng khoán chuẩn bị bước vào giai đoạn bùng nổ nhất.

"Chúc mừng VPS là công ty chứng khoán thứ ba sau MBS năm 2009 và HCM năm 2012 có thị phần môi giới một quý trên HSX vượt SSI" – ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch của SSI, đăng trên trang cá nhân vào đầu tháng 4/2021.

Việc dành lời chúc mừng cho đối thủ trực tiếp cho thấy sự quan tâm không nhỏ của ông Hưng về thị phần môi giới. Nhưng cũng là lời khẳng định ngầm rằng SSI sẽ chiếm lại ngôi đầu một cách nhanh chóng như cách từng xảy ra với MBS hay HSC.

Tuy nhiên, kịch bản này đã không lặp lại. Theo đó, VPS đã ghi nhận 11 quý liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn HOSE với khoảng cách ngày càng được nới rộng so với đối thủ xếp sau.

Chìa khóa eKYC trong bối cảnh Covid

Đóng góp lớn nhất vào sự bứt phá của VPS được giới chuyên môn cho là đến từ khả năng tận dụng các yếu tố “thiên thời” trong giai đoạn đại dịch Covid 19 – thời điểm người dân được yêu cầu hạn chế di chuyển, hạn chế tiếp xúc và đại đa số người dân đều chuyển sang hình thức làm việc từ xa.

Trong bối cảnh giãn cách, thành công của VPS đạt được phần lớn nhờ sự hỗ trợ với nền tảng công nghệ được chú trọng như là “mũi nhọn” trong mục tiêu chinh phục thị trường.

Định hướng một trong các công ty đi đầu trong triển khai eKYC (xác thực thông tin khách hàng online) là “chìa khóa” quan trọng giúp VPS đơn giản hóa các thao tác mở tài khoản, giúp các nhà đầu tư cá nhân dễ dàng tiếp cận với thị trường. Nhờ đó, VPS đón đầu làn sóng ồ ạt các nhà đầu tư cá nhân F0 gia nhập thị trường trong giai đoạn bùng nổ năm 2020-2022.

Bên cạnh đó, là công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần, VPS phải quản lý hàng trăm nghìn giao dịch thông qua một nền tảng hệ thống công nghệ đáp ứng đa dạng các nhu cầu đầu tư, quản lý tài sản và dịch vụ thanh toán.

Do đó, nhu cầu về hiệu suất cao, tính sẵn sàng và bảo mật hàng đầu để xử lý khối lượng công việc phức tạp đã được VPS chú trọng và đầu tư các dự án công nghệ nhằm phục vụ tốt nhất cho trải nghiệm của khách hàng.

Năm ngoái, chia sẻ trong buổi công bố hợp tác với hãng công nghệ hàng đầu IBM để nâng cấp hệ thống máy chủ với bộ vi xử lý thế hệ mới, ông Mai Tất Thắng, Giám đốc Công nghệ của VPS cho biết dự án đảm bảo việc hệ thống quản lý và tính toán dữ liệu giao dịch của VPS mang lại hiệu suất vượt trội nhất, cho phép sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Việc thay đổi sang bộ vi xử lý giúp VPS nâng cấp công nghệ hiện sử dụng để vận hành các quy trình phụ trợ trong công ty. Công ty đã chứng kiến khả năng xử lý tính toán đáp ứng phục vụ khách hàng lớn hơn​​ tăng gấp hai lần, nguy cơ hệ thống lỗi hay quá tải giảm mạnh tạo nên những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, là yếu tố giúp thúc đẩy sự trung thành của khách hàng và tăng lợi nhuận cho VPS.

Lối đi riêng về nhân sự tư vấn đầu tư

Quan trọng không kém, VPS đã chủ động đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển cả bề rộng và chiều sâu cho nguồn nhân lực, đặc biệt cho những chuyên gia tư vấn đầu tư (môi giới), bao gồm cả việc đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhất thị trường cho đội ngũ này.

Nhìn chung, khi tên tuổi trong ngành như SSI, HSC hay VCSC đều có xu hướng tập trung vào việc thu hút và giữ chân những khách hàng lớn, giảm bớt chi phí hoạt động bằng việc thu hẹp số lượng nhân viên môi giới, chi hoa hồng hạn chế, thì VPS lại chọn cho mình một “lối đi riêng” khi đặt đội ngũ tư vấn, môi giới ở vai trò trung tâm.

Theo đó, mức hoa hồng mà VPS áp dụng dành cho các môi giới viên có thể lên tới trên 80% đã tạo sức hút và động lực tăng trưởng khách hàng mạnh mẽ đối với nhóm nhân sự kinh doanh chủ lực này.

Trên thực tế, hiếm có công ty chứng khoán nào chấp nhận dành gần như toàn bộ nguồn thu từ phí giao dịch để chia sẻ cho đội ngũ chuyên gia tư vấn, môi giới như VPS.

Cũng nhờ chính sách đãi ngộ đặc biệt này, VPS đã “lôi kéo” được rất nhiều những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn đầu tư bên cạnh đội ngũ đông đảo đội ngũ nhân sự trẻ đầy nhiệt huyết, sáng tạo, tham gia đầu quân.

Bên cạnh đó, nếu nhà đầu tư lên youtube có thể thấy luôn có sự xuất hiện tư vấn của ít nhất một nhân viên VPS đang livestream về thị trường, từ 7h sáng tới 12h tối, điều này cũng cho thấy nhiệt huyết cũng như sự bao phủ của đội ngũ nhân sự công ty.

Kỳ vọng tiến xa hơn trong mảng dịch vụ chứng khoán

Về nguồn lực tài chính, trong số các công ty chứng khoán hàng đầu về thị phần, với số vốn điều lệ hơn 5.700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 8.000 tỷ đồng nội lực của VPS chỉ đứng sau SSI và VND cùng ông lớn đến từ Hàn Quốc là Mirae Asset.

Nhờ đó, VPS hoàn toàn có thể chủ động tập trung nguồn lực tài chính dành để cho vay ký quỹ với lãi suất cạnh tranh, miễn phí giao dịch một số sản phẩm trong giai đoạn đầu, qua đó, đánh đúng và trúng nhu cầu hàng triệu nhà đầu tư cá nhân F0 mới tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, VPS còn đưa ra các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng như miễn, giảm phí giao dịch trong thời gian đầu cho những người mở mới tài khoản; hạ lãi vay margin; tổ chức giải đấu với giải thưởng hàng tỷ đồng…

Trên thực tế, ngoài nền tảng sẵn có về vốn góp, mô hình này của VPS phát sinh rất nhiều chi phí hoạt động, việc này được so sánh giống như các start-up trong ngành thương mại điện tử, cổ đông VPS đang phải “đốt tiền” để giành lấy thị phần môi giới đang ngày càng cạnh tranh.

Dù chiếm vị trí quán quân thị phần môi giới nhưng tỷ suất sinh lời ROS chỉ ở mức thấp quanh 10% cho thấy biên lợi nhuận rất “mỏng”, hay có thể nói VPS “đánh đổi” khá lớn cho việc mở rộng thị phần. Trong dài hạn, đây có lẽ là “bài toán” mà VPS vẫn phải tìm cách giải quyết để giữ vững "ngôi vương" về thị phần của mình.

Dự báo, với kỳ vọng vào chu kỳ hồi phục trở lại của thị trường trong môi trường lãi suất giảm, cuộc đua thị phần sắp tới sẽ còn tăng tốc hơn khi vẫn chưa có dấu hiệu hạ sốt. Và với vị thế sẵn có cùng nguồn lực dồi dào, VPS sẽ còn tiến xa hơn trong mảng dịch vụ môi giới chứng khoán trong vài năm tới.