Chủ tịch VNREA: Nỗ lực "khơi thông" các điểm nghẽn, phục hồi bền vững thị trường bất động sản

Theo Nguyên Hà

Thứ bảy, 16/11/2024 - 8:21 (GMT+7)

Với vai trò là đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, VNREA sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý, cung cấp thông tin thị trường chính xác và kịp thời. Đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thiết thực "gỡ rối" cho doanh nghiệp bằng cách tập trung vào những vấn đề thực tiễn phát sinh, những "điểm nghẽn" mà pháp luật hiện hành chưa kịp điều chỉnh; giúp doanh nghiệp tháo gỡ rào cản, vận hành trơn tru và phát triển bền vững.

Sáng 15/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ 5, nhiệm kỳ V (2022 - 2027), nhằm tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động năm 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Khôi đã nhấn mạnh đóng góp hiệu quả của Hiệp hội trong việc phản biện chính sách, góp ý cho công tác xây dựng và hoàn thiện các luật, nghị định có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản; góp phần tháo gỡ khó khăn, khơi thông nhiều điểm nghẽn trên thị trường. Theo Chủ tịch VNREA, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm nhất để phục hồi và phát triển thị trường theo hướng lành mạnh, bền vững.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tùng Dương) Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tùng Dương)

Hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm nhất để phát triển thị trường bất động sản

TS. Nguyễn Văn Khôi nhìn nhận, sự chững lại của thị trường bất động sản trong giai đoạn từ nửa cuối năm 2022 đến năm 2024 cùng những vướng mắc về pháp lý, quy trình thủ tục triển khai dự án… trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Nhấn mạnh vai trò của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế, TS. Nguyễn Văn Khôi cho rằng, sự hồi phục và phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường trên cơ sở tăng trưởng nguồn cung và cân đối về cơ cấu sản phẩm có tác động lớn tới sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản; khơi thông điểm nghẽn để gỡ vướng cho các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường; phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp…

Trên tinh thần đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò vững chắc, là một điểm tựa đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp. Với sứ mệnh đồng hành, lắng nghe và sẻ chia, VNREA không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp, kiến nghị tháo gỡ những nút thắt, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững.

"Các luật sửa đổi liên quan đến thị trường bất động sản đã được thông qua và có hiệu lực sớm. Kết quả này có ghi nhận nỗ lực, đóng góp của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong đó, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội, thành viên Ban Pháp chế đã tích cực tham gia góp ý, phản biện chính sách một cách hiệu quả”, TS. Nguyễn Văn Khôi đánh giá.

TS. Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh đóng góp hiệu quả của Hiệp hội trong việc phản biện chính sách, góp ý cho công tác xây dựng và hoàn thiện các luật, nghị định có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản. (Ảnh: Tùng Dương) TS. Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh đóng góp hiệu quả của Hiệp hội trong việc phản biện chính sách, góp ý cho công tác xây dựng và hoàn thiện các luật, nghị định có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản. (Ảnh: Tùng Dương)

Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã chủ động tham gia góp ý sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bất động sản ngay từ giai đoạn soạn thảo. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường, Hiệp hội đã đóng góp những ý kiến thiết thực, tham mưu với Chính phủ về các chính sách cho thị trường bất động sản một cách đúng đắn, hợp lý và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hiệp hội thường xuyên được Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương tin tưởng đề nghị cử nhân sự tham gia vào các Ban soạn thảo, Tổ công tác xây dựng và hoàn thiện luật. Hiệp hội đã cử cán bộ tham gia vào Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Ban soạn thảo và Tổ biên tập các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu; tham gia Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Thông tư về chuẩn mực thẩm định giá bất động sản…

Không chỉ tham gia vào các Ban soạn thảo, Hiệp hội còn tích cực tham gia đầy đủ và đóng góp ý kiến tại các cuộc họp, hội nghị do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các ủy ban Quốc hội chủ trì. Những ý kiến đóng góp của Hiệp hội luôn tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, thủ tục hành chính.

“Nhiều kiến nghị tâm huyết của Hiệp hội đã được tiếp thu, sửa đổi trong các luật và văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tạo nên một môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Với tinh thần trách nhiệm cao, Hiệp hội sẽ tiếp tục nỗ lực, tìm kiếm các giải pháp về cơ chế chính sách nhằm giải quyết những bất cập của thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Song song với công tác góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng chủ động tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo ra các diễn đàn mở để hội viên, thành viên Hiệp hội kết nối, trao đổi thông tin và đề xuất hướng giải quyết cho những vấn đề nóng của thị trường”, TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết thêm, hiện nay Hiệp hội đang tham gia tích cực vào việc xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quy hoạch phát triển đô thị, đồng thời tiếp tục đóng góp ý kiến vào các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu... Hiệp hội cũng đặc biệt quan tâm góp ý đối với các dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại chung cư, phát triển và quản lý nhà ở xã hội, tính giá đất, tiền sử dụng đất, đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản…

Cùng với đó, thực hiện Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, VNREA đã triển khai Đề án truyền thông nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Đề án bao gồm các hoạt động đa dạng như hội nghị đối thoại, chương trình giao lưu trực tuyến, tuyên truyền trên báo chí và ấn phẩm cẩm nang.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự bao gồm thành viên Ban Thường vụ, các hiệp hội bất động sản địa phương, doanh nghiệp hội viên cũng đánh giá, công tác tư vấn, giám định và phản biện xã hội của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc định hình khung pháp lý minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản.

“Trong năm 2024, VNREA đã hoạt động "đều tay" và gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tiếng nói của Hiệp hội đã đến được với các cơ quan soạn thảo luật. Nhiều ý kiến đóng góp đã được ghi nhận vào các luật mới. Đây là một điều rất phấn khởi”, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Constrexim nói.

Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Constrexim phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tùng Dương) Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Constrexim phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tùng Dương)

Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế và sức lan tỏa

Theo TS. Nguyễn Văn Khôi, việc 3 bộ luật mới: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 cùng với những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế thế giới và trong nước đã thúc đẩy nhanh hơn sự phục hồi của thị trường bất động sản. Những tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cũng đã từng bước nỗ lực, chủ động tìm giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn khốc liệt của thị trường.

"Điều đáng mừng là thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp. Đây là bước tiến đáng ghi nhận, mở ra những triển vọng mới cho ngành trong thời gian tới", TS. Nguyễn Văn Khôi nhận định.

Dù vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp để các luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, doanh nghiệp địa ốc vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, từ khâu xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất đến những thách thức hiện hữu trong tiếp cận nguồn vốn…

“Tuy các luật đã ra đời, các thông tư hướng dẫn đã được các Bộ ban hành tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn những khó khăn trong thời gian đầu thực thi, áp dụng luật, đặc biệt là ở các địa phương. Vì vậy, Hiệp hội cần tập hợp, ghi nhận thêm những ý kiến đóng góp để các doanh nghiệp, chủ đầu tư, môi giới được hoạt động hiệu quả trong môi trường pháp lý mới. Chính những ý kiến đóng góp, trí tuệ của các doanh nghiệp thành viên là nền tảng quan trọng để Hiệp hội có căn cứ tổng hợp, báo cáo kiến nghị gửi đến các cơ quan Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trong thời gian tới", TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định.

Chia sẻ ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Constrexim nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang rất mệt mỏi với tình trạng nhiều địa phương “không dám quyết, không dám ký” khiến thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài, đội chi phí. Rủi ro đầu tư bất động sản trong bối cảnh hiện nay còn lớn khi doanh nghiệp không tính toán được lợi nhuận đầu tư do những chi phí phát sinh trong việc kéo dài thời gian triển khai, không thể dự báo. Theo ông Cây, đây là một trong những yếu tố khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao để bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, tình trạng đầu cơ, thổi giá trên thị trường hiện cũng là vấn đề đáng lo ngại.

“Tình trạng giá bất động sản tăng đột biến như hiện nay là chưa từng thấy. Đây là một vấn đề cần lưu tâm, bởi hầu hết là giá ảo, do một số đối tượng đầu cơ thổi giá lên, khiến thị trường méo mó và về lâu dài sẽ gây thiệt hại lớn cho người dân”, ông Cây nhấn mạnh.

Bên cạnh bất cập nêu trên, thảo luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ góc nhìn về những vấn đề còn tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay, cụ thể hơn ở nhiều phân khúc, theo đó, cần có tác động để thay đổi khi bước vào chu kỳ phát triển mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Đối với phân khúc bất động sản công nghiệp, ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, trong quá trình làm việc làm việc với các UBND tỉnh, vướng mắc lớn nhất có thể nhận thấy đó là theo quy hoạch mới, kế hoạch giao đất rất lớn nhưng bị vướng chỉ tiêu sử dụng đất và quy định về hiệu quả sử dụng đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Có nghĩa là, trước đây làm dự án nhưng giao đất chưa hiệu quả, đến nay có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư vào thì lại không được giao sử dụng đất.

“Hiện nay tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp như vết dầu loang, thị trường cấp 1 như TP.HCM, cấp 2 như Hải Phòng tỷ lệ lấp đầy cao nhưng thị trường cấp 3,4 như khu vực miền Trung thì tỷ lệ lấp đầy vẫn thấp. Đáng chú ý, tại các địa phương, hiện có nhiều dự án bất động sản mang tính chất đầu cơ cao. Theo đó, có nhiều dự án đang trong diện thu hồi nhưng vẫn chậm trễ. Điều đó cho thấy rằng, có nhà đầu tư “ăn dầm nằm dề” nhưng địa phương không “đuổi” được trong khi đó có những chủ đầu tư mong muốn có đất để phát triển dự án ngay nhưng lại chưa được cấp. Đây là vấn đề nhức nhối đang còn tồn tại ở nhiều địa phương”, ông Trương Gia Bảo cho hay.

Ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Tùng Dương) Ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Tùng Dương)

Theo đại diện Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, để thúc đẩy phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp tương xứng với tiềm năng và tận dụng được những cơ hội mới đang được định hình, cần thúc đẩy tháo gỡ nút thắt về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tại địa phương. Đồng thời, cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng của các kho xưởng gắn với yếu tố xanh, công nghệ cao. Bởi thực tế đã có một số đối tác nước ngoài đến Việt Nam nhưng sau khi khảo sát họ lại không chọn Việt Nam vì các yếu tố công nghệ cao, xanh, sinh thái chưa đáp ứng yêu cầu.

Về vấn đề phát triển nhà ở xã hội đang được quan tâm mạnh mẽ hiện nay, ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân đánh giá, những kiến nghị, tiếng nói của VNREA - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp các luật mới có những quy định mang tính tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội. Trên tinh thần đồng hành hơn nữa cùng với các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, lãnh đạo Hoàng Quân đề xuất, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến về vấn đề ứng dụng công nghệ trong phát triển nhà ở xã hội, hướng đến tạo ra được “cuộc cách mạng” về công nghệ để giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

“Trước đây làm nhà ở xã hội 24 tầng mất 2 năm thì chúng tôi cần có giải pháp công nghệ để làm chỉ trong 1 năm. Tương tự, trước đây, làm nhà ở công nhân 5 tầng mất 1 năm thì hiện tại cần có giải pháp để làm dự án chỉ trong vòng 4 tháng. Có nhiều quốc gia đã áp dụng được công nghệ như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản vào phát triển nhà ở. Tôi mong rằng, Bộ Xây dựng, Hiệp hội sẽ đồng hành cùng chúng tôi tìm hiểu và áp dụng các công nghệ để làm nhà ở nhanh, gọn, chất lượng và giá rẻ hơn”, ông Trương Anh Tuấn kiến nghị.

Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân nêu ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: Tùng Dương) Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân nêu ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: Tùng Dương)

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề xuất nghiên cứu thêm các giải pháp liên quan đến tài chính để giúp các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn rẻ và bền vững. Ông Tuấn cho rằng, cần có thêm nhiều hội thảo chuyên sâu, diễn đàn về nhà ở xã hội để trao đổi, thảo luận về các vướng mắc và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển loại hình nhà ở này, đưa chính sách vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cũng đồng tình, việc phát triển nhà ở xã hội dù được quan tâm thúc đẩy nhưng trên thực tế triển khai rất khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp muốn tham gia vào phân khúc này. Lãnh đạo Phúc Khang đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong việc tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, làm sao để nghiên cứu, đưa ra giải pháp khả thi và phù hợp nhất, hỗ trợ phát triển phân khúc quan trọng này. Trong đó, vấn đề thủ tục, tránh làm tăng chi phí đầu tư nên được ưu tiên hàng đầu, vì đó là rào cản lớn nhất đang khiến doanh nghiệp nản lòng với nhà ở xã hội.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang. (Ảnh: Tùng Dương) Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang. (Ảnh: Tùng Dương)

Ở góc nhìn khác, bà Mẫu kiến nghị thêm, cần kích hoạt một chương trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong các công trình bất động sản: “Sứ mệnh của Hiệp hội trong thời gian tới nên quan tâm nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nhà ở, góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng”.

Ngoài ra, đối với phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bà Mẫu đề xuất, cần quan tâm đến tính bền vững của phân khúc này, thúc đẩy các mô hình phát triển phù hợp, hiệu quả, nhằm tận dụng và phát huy lợi thế về du lịch của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng lưu trú du lịch. Các doanh nghiệp bất động sản du lịch hiện đang gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ kịp thời để có thể vực dậy và tái cơ cấu, phát triển bền vững.

Năm 2025, thị trường bất động sản Việt Nam được dự báo sẽ là một bức tranh đầy màu sắc với những gam màu tương phản, cơ hội và thách thức đan xen, tạo nên một sân chơi sôi động nhưng cũng đầy thử thách. Trong bối cảnh ấy, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ vững vàng với vai trò người dẫn đường tin cậy, đồng hành cùng hội viên kiến tạo nên một thị trường minh bạch, bền vững và chuyên nghiệp.

Với vai trò là đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, VNREA sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý, cung cấp thông tin thị trường chính xác và kịp thời. Đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thiết thực "gỡ rối" cho doanh nghiệp bằng cách tập trung vào những vấn đề thực tiễn phát sinh, những "điểm nghẽn" mà pháp luật hiện hành chưa kịp điều chỉnh; giúp doanh nghiệp tháo gỡ rào cản, vận hành trơn tru và phát triển bền vững.

Hiệp hội cũng sẽ tiếp tục tham gia các chương trình trọng tâm: Chương trình chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045; Chương trình kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng, các giải pháp đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với bất động sản công nghiệp, đô thị, dịch vụ, cải tạo chung cư cũ xuống cấp, có khung pháp lý cụ thể hơn về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; Tham gia hiệu quả góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, đảm bảo kết nối liên thông, đồng bộ với hệ thống quốc gia về đất đai, bất động sản theo hướng công khai, minh bạch của Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường; Tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo về bất động sản công nghiệp với nhà ở cho công nhân, hội thảo giải pháp đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.

Bên cạnh công tác phản biện, góp ý chính sách, TS. Nguyễn Văn Khôi cho biết, công tác đối ngoại và quan hệ hợp tác quốc tế của Hiệp hội cũng đã và đang phát triển ngày càng chủ động, sâu rộng, mạnh mẽ và thực chất.

Đến nay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã là thành viên chính thức của Liên đoàn Bất động sản Thế giới (FIABCI - the International Real Estate Federation), thành viên của Liên minh mạng lưới Bất động sản khu vực ASEAN (ARENA - Asean Real Estate Network Alliance) và là đối tác quan trọng của Hiệp hội các nhà môi giới bất động sản Hoa Kỳ (NAR - National Association of Realtors), Nhật Bản, Hàn Quốc... Qua đó, khẳng định vị thế của cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, mở ra các cơ hội để hội viên phát triển, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội bán sản phẩm, dịch vụ, hợp tác, đầu tư bất động sản trong nước, ở khu vực và trên thế giới. Các tổ chức, đối tác mà Hiệp hội là thành viên đã ghi nhận, đánh giá hoạt động của Hiệp hội rất tốt và hiệu quả, không những đối với thị trường bất động sản Việt Nam, mà còn đóng góp nhiều kinh nghiệm cho thị trường quốc tế.

Với dự kiến phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2025, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao vị thế, uy tín và mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường sự gắn kết, thấu hiểu với các doanh nghiệp hội viên.

“Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục thể hiện vai trò vững chắc, là một điểm tựa đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực tìm kiếm giải pháp, kiến nghị tháo gỡ những nút thắt, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi khẳng định./.

Theo Reatimes