Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội giảm từ năm 2025

Theo Vi Anh

Thứ tư, 25/12/2024 - 8:40 (GMT+7)

Từ ngày 1/1/2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội sẽ giảm từ mức 4,8%/năm xuống còn 4,7%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành quyết định về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025 đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại.

Từ ngày 1/1/2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội sẽ giảm từ 4,8% xuống còn 4,7%/năm. Từ ngày 1/1/2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội sẽ giảm từ 4,8% xuống còn 4,7%/năm.
Theo đó, mức lãi suất của các Ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của những khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định ở mức 4,7%/năm, sẽ giảm 0,1 điểm % so với năm 2024 (năm 2024 mức lãi suất được quy định là 4,8%/năm - PV).

Trước đó, các chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội đã trải qua nhiều lần điều chỉnh, từ mức 6%/năm vào năm 2013 giảm còn 5% vào năm 2019, sau đó duy trì ở mức 4,8%/năm trong giai đoạn 2021 – 2022. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023 mức lãi suất này đã tăng trở lại lên 5%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mục đích cho vay là hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.

Động thái giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội là tín hiệu tích cực đối với người dân thu nhập thấp Động thái giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội là tín hiệu tích cực đối với người dân thu nhập thấp
Đối tượng cho vay là người mua, thuê, thuê mua nhà và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 và thay thế quyết định trước đó.

Theo các chuyên gia, động thái giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận nhà ở xã hội.

Tuy vậy, trước bối cảnh nguồn cung khan hiếm như hiện nay, giá nhà ở xã hội thậm chí cũng bị đẩy ngang ngửa so với chung cư thương mại. Đồng thời, xu hướng tăng giá nhà tại Hà Nội và TP HCM được dự báo sẽ tiếp tục đi lên. Điều này có thể khiến người dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc sở hữu nhà ở phù hợp với thu nhập.

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, để giải quyết nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân, đòi hỏi sự cân bằng cán cân cung - cầu. Theo đó, về phía cung, các giải pháp cần hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven và xây dựng các chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các dự án nhà ở.

Về phía cầu, người dân cần linh hoạt trong việc lựa chọn nơi ở, sẵn sàng mở rộng nhu cầu ra vùng ven, nơi có giá bất động sản thấp hơn. Với xu hướng mở rộng đô thị ra vùng ven, thời gian tới sẽ có nhiều hơn các dự án nhà ở thương mại quy mô lớn, nhà ở xã hội được phát triển, với mức giá bán thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo kết nối tốt với trung tâm nhờ các dự án hạ tầng giao thông như đường cao tốc và metro dự kiến được đầu tư, hoàn thiện.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, để “đảo ngược tình thế” lệch pha cung cầu hiện nay (thừa nhà ở cao cấp và khan hiếm nguồn cung nhà ở bình dân) cần thêm các cơ chế giải pháp để thực hiện chỉ tiêu phát triển từ 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn TP HCM. Trong đó, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là các sở ban ngành cùng chung tay phối hợp tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp