Năm 2024 được dự báo tiếp tục là một năm thành công về thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Chỉ sau 2 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI mới đã đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện các đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam vẫn là các đối tác truyền thống từ châu Á. Ảnh: Hoàng Anh
Hơn 4,29 tỷ USD
vốn FDI được nhà đầu tư ngoại rót vào Việt Nam thông qua các hình thức đầu tư dự án mới, tăng vốn dự án cũ, góp vốn mua cổ phần. Số vốn này đã tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý là hàng loạt dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó có 2 dự án có quy mô vốn đầu tư lớn gồm dự án phát triển khu đô thị mới ở Hà Nội có vốn đầu tư 662 triệu USD và dự án 454 triệu USD ở Thái Nguyên.
Dù báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài không thông tin về dự án hơn 600 triệu USD ở Hà Nội. Nhưng với số liệu được công bố về các quốc gia đầu tư vào Việt Nam đầu năm nay, chỉ có Singapore có vốn đầu tư hơn 600 triệu USD. Do đó, nhiều khả năng đây chính là dự án của Tập đoàn CapitalLand (Singapore) đầu tư xây dựng khu đô thị ở khu vực Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park Hà Nội.
Còn dự án ở Thái Nguyên thuộc Tập đoàn Trina Solar tại Khu Công nghiệp Yên Bình, TP. Phổ Yên, dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 5/2024 và đi vào hoạt động từ tháng 3/2025.
Theo đó, dự án có quy mô sản xuất thanh silic đơn tinh thể 11.570 tấn/năm và sản xuất tấm silic đơn tinh thể 555 triệu sản phẩm/năm; sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời) 560 triệu tấm/năm.
Đây là dự án thứ 3 của Tập đoàn Trina Solar triển khai trên địa bàn tỉnh, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Thái Nguyên lên 932 triệu USD.
Mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới đang có xu hướng tích cực, nhưng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm và góp vốn mua cổ phần giảm.
Cụ thể, có 159 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 442,1 triệu USD, giảm 17,4%.
Góp vốn mua cổ phần có 367 lượt, giảm 17% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt hơn 255,4 USD, giảm 68%.
Dưới đây là một số dự án FDI khác trong 2 tháng đầu năm nay:
Tên dự án |
Số vốn đăng ký (triệu USD) |
Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh |
275 |
Dự án Nhà máy Sản xuất văn phòng phẩm của Công ty TNHH Công nghệ văn phòng Deli Việt Nam |
270 |
Dự án Công ty TNHH Sản xuất công nghệ Biel Crystal |
260 |
Dự án Nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương |
120 |
Radiant Opto-Electronics Corporation (Đài Loan) |
120 |
Everwin Precision (Hồng Kông) |
115 |
Mở rộng nhà máy Nestlé ở Đồng Nai |
100 |
Trong 2 tháng đầu năm, theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Tiếp theo là bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Theo đối tác đầu tư, 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với Singapore dẫn đầu. Theo sau lần lượt là Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc.
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 32,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 29%).
Hiện các đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam vẫn là các đối tác truyền thống từ châu Á. Riêng 5 đối tác Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm tới 77% số dự án mới và gần 86% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong khi đó, vốn đầu tư của các đối tác Âu – Mỹ vẫn rất khiêm tốn.
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 38 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Hà Nội tiếp tục ở vị trí dẫn đầu do dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD nêu trên. Quảng Ninh đứng thứ hai, tiếp theo lần lượt là Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh…
Tính tới ngày 20/02/2024, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.