Lựa chọn xanh của doanh nghiệp bất động sản

TheLEADER

Thứ sáu, 24/11/2023 - 14:28 (GMT+7)

Phát triển xanh đang trở thành cuộc chơi mới của các doanh nghiệp bất động sản nếu muốn phát triển, thích ứng với xu hướng mới và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều dự án bất động sản lựa chọn phát triển theo xu hướng xanh

Từ lựa chọn của doanh nghiệp...

Hơn 20 năm trước, khu vực Gamuda City - Yên Sở chỉ là một vùng hoang hóa, bị ô nhiễm của thành phố. Vào mùa mưa lớn, hệ thống thoát nước của Hà Nội không xử lý kịp, người dân sống chung với cảnh nhà ngập.

Đặc biệt, khu vực hồ Yên Sở, là khu vực đầm trũng, nước sông Sét và sông Kim Ngưu chứa đầy nước thải đổ về, quanh năm dòng nước đen đặc, bốc mùi.

Khi bắt tay vào đầu tư xây dựng dự án này, Gamuda đã mất 10 năm cải tạo “rốn nước", nạo vét và làm sạch nước 5 cụm hồ quanh khu vực công viên Yên Sở.

Năm 2009, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở được khởi công với công suất xử lý lên tới 200.000m3/đêm, nhằm xử lý nước thải của lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét.

5 năm sau đó, một dấu mốc quan trọng với khu vực này khi công viên Yên Sở chính thức cắt băng khánh thành và mở cửa miễn phí đón khách. Với hệ sinh thái đa dạng và diện tích 323ha, công viên Yên Sở được coi là lá phổi xanh lớn nhất thành phố và trở thành điểm đến thu hút ở phía Nam.

Song song với cải tạo vùng đất, theo ông James Lai Siaw Pin, Tổng giám đốc Gamuda Land, doanh nghiệp đã bắt tay vào xây dựng khu đô thị Gamuda City theo hướng kiến tạo khu đô thị xanh, phát triển bền vững với tổng số vốn đầu tư 5 tỷ USD.

Khu đô thị Gamuda Garden với mật độ 50% diện tích dành cho cây xanh. Tại thời điểm đó, chưa có khu đô thị nào sở hữu được hệ thống hồ điều hòa rộng lớn, hệ thống xử lý nước thải hiện đại và tạo dựng được không gian sống thân thiện với tự nhiên.

Sự hình thành của khu đô thị Gamuda City với cộng đồng cư dân sầm uất chính là minh chứng cho triết lý phát triển bền vững của chủ đầu tư Gamuda Land.

Giống như câu chuyện của Gamuda, cách đây hơn 10 năm trước, khi khái niệm phát triển xanh vẫn còn rất mới mẻ, chủ đầu tư Ecopark đã bắt đầu đặt nền móng xây dựng đô thị xanh đầu tiên tại Hưng Yên.

Từ một vùng đất xa trung tâm Hà Nội tới hàng chục km, hiện nay, Ecopark đã trở thành một khu đô thị nhộn nhịp, phát triển.

Ngoài Ecopark, Gamuda Land, Sun Group đã lựa chọn phát triển xanh từ sớm, thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp đều đã tham gia vào xu hướng này như Nam Long, Đại Phúc, Khang Corporation…

Nhờ việc mạnh dạn theo đuổi hướng đi mới, các dự án của nhà phát triển này đều ghi nhận tỷ lệ thanh khoản lớn trong các lần mở bán. Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), thị trường đã nhìn thấy thực tế là các dự án đô thị xanh mang lại hiệu quả cho nhiều chủ đầu tư. Dự án xanh giúp doanh nghiệp bán hàng nhanh hơn với mức giá cao hơn từ 4-8%.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một số mặt trái là phần lớn các công trình xanh tại Việt Nam vẫn chủ yếu phục vụ mục đích truyền thông, bán hàng, chưa quan tâm đến yếu tố hiệu quả năng lượng, phát triển bền vững của dự án.

Công trình xanh không chỉ là trồng nhiều cây xanh mà còn là bài toán kinh tế, năng lượng, giảm phát thải CO2, tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà. Trong khi đó, hiện Việt Nam vẫn chưa có công trình mới nào công bố hiệu quả năng lượng, trừ các công trình trình diễn được tài trợ. Hiệu suất tiết kiệm năng lượng của các toà nhà đạt mức thấp hơn so với thế giới, ông Vũ nhận định.

Bên cạnh đó, số lượng các công trình xanh hiện còn quá ít ỏi. Theo số liệu báo cáo, tính đến hết quý III/2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu mét vuông.

Nếu so sánh con số hàng năm trên 100 triệu m2 sàn cho diện tích nhà ở và văn phòng, số lượng công trình xanh trong 15 năm qua quá nhỏ.

Đến xu hướng tất yếu

Không thể phủ nhận, sự thành công của các dự án xanh đã giúp định vị thương hiệu và làm nên tên tuổi của nhiều doanh nghiệp trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xu hướng phát triển này đã không còn là lựa chọn của doanh nghiệp mà là hướng đi tất yếu.

Tại hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình”, theo ông Thịnh, quá trình tăng trưởng nhanh của lĩnh vực xây dựng, bất động sản và phát triển đô thị bên cạnh mặt tích cực làm thay đổi bộ mặt đô thị cũng để lại nhiều mặt trái của quá trình phát triển.

Hàng loạt áp lực về gia tăng dân số, suy thoái, ô nhiễm môi trường, về cạn kiệt tài nguyên, về thiếu hụt nguồn cung năng lượng.

Theo tài liệu nghiên cứu, các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải carbon, trong đó lượng các bon vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% phát thải đến từ các bon hàm chứa từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công xây dựng công trình.

Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải các bon.

Trước bối cảnh đó, các cam kết cắt giảm phát thải, giữ vững môi trường, phát triển bền vững của Việt Nam đã trở thành "luật chơi" mới với các doanh nghiệp. Nó đòi hỏi các chủ đầu tư bất động sản cần có chiến lược mới để thích ứng, gia tăng sự cạnh tranh.

Chính vì vậy, phát triển các bất động sản xanh là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu thực hiện Net Zero của Việt Nam đến năm 2050.

Song điều này là không đơn giản. Ông Thịnh chỉ ra rằng, việc hài hòa và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, giữa phát triển và bảo tồn, giữa nâng cao mức sống, thu nhập của người dân và đảm bảo công bằng, an sinh xã hội là việc làm đầy thách thức.

Các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư đồng bộ từ thiết kế, quy hoạch dự án, lựa chọn vật liệu, trang thiết bị và tổ chức thi công xây dựng công trình, đến quá trình vận hành để đảm bảo giảm thiểu chất thải, thay đổi hành vi để sống xanh hơn.

Song song với đó, nguồn vốn dành cho các dự án xanh cũng lớn hơn so với phát triển các dự án bất động sản thông thường.

Đơn cử như ở Gamuda City, để giải quyết các vấn đề về môi trường của dự án, việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải là bước ngoặt quan trọng. Thế nhưng, nguồn kinh phí từ đâu là một bài toán nan giải, nhất là nhà đầu tư vừa có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai xây dựng bất động sản xanh.

Hay như với các dự án nghỉ dưỡng xanh, bền vững như khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort của Sun Group, để tạo ấn tượng về một điểm đến xanh, Sun Group đã chọn phương án xây dựng là giữ từng gốc cây, tảng đá, bảo vệ từng con suối, nhành hoa, tôn trọng tối đa tự nhiên.

Làm được điều này là không hề đơn giản khi doanh nghiệp phải rất đầu tư rất lớn từ thiết kế, thi công đến lựa chọn vật liệu, ứng dụng các công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Chi phí đầu tư cho các dự án bất động sản xanh là rất lớn.

Giải pháp thúc đẩy bất động sản xanh

Trên phương diện toàn cầu và ở Việt Nam đều cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ của công trình xanh và trong thời gian tới là công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không.

Trước thực trạng đó, ông Thịnh đề xuất triển khai thực hiện 6 giải pháp nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển công trình xanh góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.

Theo đó, về cơ chế, chính sách, Chính phủ cần chú trọng việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Chính phủ cần tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa các bon…

Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để tích hợp, điều chỉnh, bổ sung các quy định, yêu cầu, chỉ tiêu kỹ thuật.

Điều này sẽ giúp hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án, công trình xây dựng thiết kế, thi công xây dựng, vận hành đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, công trình xanh, phát thải thấp, trung hòa các bon.

Cùng với đó, Việt Nam cần thúc đẩy việc xây dựng và áp dụng tuyên bố môi trường cho sản phẩm có liên quan đến lĩnh vực xây dựng như sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các trang thiết bị, sản phẩm sử dụng trong công trình ở trong nước và xuất khẩu.

Các sản phẩm, thiết bị, vật liệu này sẽ giúp thuận lợi hơn cho chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công xây dựng và người sử dụng khi lựa chọn đưa vào dự án đầu tư công trình cũng như minh bạch và lượng hóa trong tính toán phát thải và tác động môi trường của sản phẩm, thiết bị, vật liệu.

Mặt khác, Việt Nam cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.

Về khó khăn trong tiếp cận vốn, ông Thịnh cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh và các cơ chế ưu đãi phi tài chính cho các dự án đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất vật liệu xây dựng xanh…

Ngoài ra, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới, trung hòa các bon cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Toàn xã hội cần chung tay vì mục tiêu phát triển xanh, bền vững.