Diễn biến trái chiều của bất động sản Hải Phòng

TheLEADER

Thứ hai, 25/9/2023 - 9:18 (GMT+7)

Chung cư cao cấp và bất động sản công nghiệp tại Hải Phòng đang sôi động trở lại, trong khi đó, đất nền và nhà ở gắn liền với đất vẫn tiếp tục trầm lắng.

Bất động sản công nghiệp tại Hải Phòng đang là điểm sáng. Ảnh: Hoàng Anh

Đất nền vẫn trầm lắng

Phân khúc đất nền Hải Phòng tăng trưởng mạnh mẽ từ cuối năm 2020, lên cơn sốt suốt hơn một năm sau đó và bắt đầu đi xuống từ quý II/2022.

Số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, tính từ quý I/2022 đến quý I/2023, giá đất nền Hải Phòng đã giảm từ 15 - 30% so với thời điểm sốt nóng. Quý II/2023, một số khu vực sốt ảo trước đó đã tiếp tục giảm thêm 5-10% để tìm kiếm thanh khoản.

Hiện giá đất nền tại khu vực trung tâm, ngõ nhỏ có giá 18-40 triệu đồng/m2, các khu đất đường rộng hơn, ô tô vào được có giá từ trên 40 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2.

Giá đất nền vùng sát lõi trung tâm dao động từ 12 - 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất vùng ven phần lớn ở mức dưới 12 triệu đồng/m2, phổ biến từ 3 - 5 triệu đồng/m2.

Về thanh khoản, trong 2 tháng gần đây, thị trường đã có một số giao dịch đất nền tại Hồng Bàng, Lê Chân hay sát lõi trung tâm như An Dương, Thuỷ Nguyên, Hải An, Dương Kinh. Tuy nhiên, tại vùng ven như An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo vẫn rất ít giao dịch, thị trường đất nền vẫn rất trầm lắng.

Đất nền đấu giá tại Thuỷ Nguyên, An Dương vẫn có nhà đầu tư tham gia, tỷ lệ hấp thụ khiêm tốn ở mức 40 - 60%.

Hội nghị “Bất động sản Hải Phòng: Điểm sáng trong từng phân khúc” do VARs, HPREA phối hợp với Recbook tổ chức.

Tương tự, phân khúc bất động sản thấp tầng cũng đang chứng kiến sự trầm lắng cả về nguồn cung và thanh khoản. 6 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng không có dự án thấp tầng nào được mở bán.

Trong tháng 7 và tháng 8/2023, có ba dự án được mở bán là Hải An Center, Royal River city và HP Elite Central Hải Phòng.

Tỷ lệ hấp thụ của các dự án này rất hạn chế. Đơn cử như khu đô thị trung tâm thương mại dịch vụ công nghiệp hậu cần cảng Hai An Center của Công ty CP Đầu tư H2H Việt Nam, quy mô 370 căn, giá bán trung bình 40 triệu đồng/m2 có tỷ lệ hấp thụ chỉ 10%.

Hay như dự án Royal River City của Công ty CP Đầu tư xây dựng Newland, quy mô 124 căn, giá bán 9 tỷ đồng/căn cũng có tỷ lệ hấp thụ khoảng 40%.

Về giá bán, giá nhà ở thấp tầng tại Hải Phòng chứng kiến sự giảm giá không nhiều. Một số dự án như Vinhomes Imperia, Vinhomes Marina, Hoàng Huy Mall, Làng Việt Kiều, Hoàng Huy Riverside do phục vụ nhu cầu ở thực nên giá giảm so đỉnh quý I/2023 chỉ trung bình khoảng 5 -15%. Phân khúc nhà mặt phố giảm giá không đáng kể khoảng 5 - 10%.

Chung cư, bất động sản công nghiệp "lên ngôi"

Trong khi đất nền, nhà ở gắn liền với đất tại Hải Phòng tiếp tục trầm lắng thì chung cư, bất động sản công nghiệp lại đang chứng kiến sự sôi động trở lại.

Cụ thể, đối với phân khúc chung cư tại Hải Phòng, các dự án vẫn được xây dựng và bàn giao cho khách hàng theo đúng tiến độ cam kết. Nhiều dự án chung cư cao cấp có mức độ hấp thụ rất cao, từ 60 - 100% mặc dù mức giá không hề rẻ.

Đơn cử như dự án Diamond Crown Plaza của Tập đoàn DoJi, quy mô 1.100 căn hộ, giá khoảng 60 triệu đồng/m2 có thanh khoản đạt 98%. Sentosa Sky Park của Công ty TNHH Agape Việt Nam mở bán tháng 3/2023 có tỷ lệ hấp thụ 61%.

Hoàng Huy Commerce quy mô 2.500 căn hộ, có giá bán từ 34 - 42 triệu đồng/m2, thanh khoản gần 74%. The Minato Residence của Công ty TNHH Minato Việt Nam mở bán tháng 6/2023, thanh khoản gần 60%.

Cùng với chung cư cao cấp, nhà ở xã hội cũng nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường đặc biệt là người người có thu nhập thấp. Giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng dự kiến sẽ có 605.770m2 sàn nhà ở xã hội và 10.140 căn hộ được hoàn thành.

Trong năm 2023 các dự án nhà ở xã hội đã được động thổ như dự án Quang Vinh Lương Khánh Thiện của Công ty CP Toa Xe Hải Phòng với hơn 200 căn; EverGreen Tràng Duệ hơn 2.500 căn nhà ở xã hội của Công ty CP khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng; dự án 384 Lê Thánh Tông Moonbay Residence của Công ty Hóa chất Vật liệu điện Bình Phát, 1.300 căn hộ.

Bên cạnh chung cư, phân khúc bất động sản công nghiệp tại Hải Phòng cũng là điểm sáng. Ngoài 5.000ha của 12 khu công nghiệp mà Hải Phòng đang triển khai đầu tư, thành phố sẽ triển khai thêm 15 khu công nghiệp với diện tích 6.200 ha thu hút thêm 12-15 tỷ USD trong thời gian tới.

Hải Phòng định hướng phát triển bền vững các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng công nghiệp sinh thái. Hiện Hải Phòng có 2 khu công nghiệp sinh thái là Nam Cầu Kiền 236ha và DEEP C 540ha.

Các khu công nghiệp tại Hải Phòng hiện đều được lấp đầy trên 90% với mức giá thuê trung bình 100USD/m2/chu kỳ thuê. Đây là mức giá thuộc mức cao tại miền Bắc, cao hơn Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương.

Những khu công nghiệp có giá thuê cao tại Hải Phòng đều có vị trí thuận tiện về logistics, hạ tầng sinh thái tốt và có nhiều tiện ích đồng bộ để phục vụ các nhà đầu tư như Nam Cầu Kiền, Deep C, Nam Đình Vũ, Tràng Duệ, VSIP.

Các khu công nghiệp như Tràng Duệ, VSIP Hải Phòng, Đồ Sơn có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Các dự án khác như Nam Cầu Kiền, DeepC có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%.

Ngoài ra, mảng cho thuê nhà xưởng xây sẵn cũng sôi động, nhu cầu nhiều nguồn cung hạn chế hoặc không đáp ứng được yêu cầu bên thuê, giá thuê xưởng trong VSIP là 4,8 – 6USD/m2/tháng, giá thuê xưởng ngoài VSIP là 45.000 -70.000 đồng/m2/tháng.

Lý giải nguyên nhân khiến bất động sản khu công nghiệp và chung cư đang là hai phân khúc sôi động, ông Tô Hùng, Tổng giám đốc RecBook cho biết, Hải Phòng đang sở hữu rất nhiều tiềm năng về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, các yếu tố về kinh tế, xã hội để phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại hội nghị “Bất động sản Hải Phòng: Điểm sáng trong từng phân khúc” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng (HPREA), Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư VARs phối hợp với Recbook tổ chức, ông Hùng dẫn chứng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Hải Phòng ước đạt 12,32%, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, lấy doanh nghiệp làm trung tâm đã góp phần gia tăng sức cạnh tranh của thành phố trong cuộc chạy đua thu hút đầu tư.

Thu hút FDI của Hải Phòng tăng mạnh, nhất là vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp. Năm 2023, Hải Phòng lên kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2 - 2,5 tỷ USD. Tính đến 23/6/2023, thành phố thu hút được trên 1,8 tỷ USD, bằng 164,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Hùng, đây chính là yếu tố khiến bất động sản công nghiệp Hải Phòng phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp cũng là yếu tố khiến phân khúc nhà ở, đặc biệt là chung cư, phục vụ nhu cầu thật của người dân, người lao động, chuyên gia nước ngoài tại khu công nghiệp có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, các chủ đầu tư dự án chung cư đã có nhiều chính sách bán hàng linh hoạt, phù hợp với thị trường, rất nhiều chính sách có lợi, hỗ trợ khách hàng sở hữu căn hộ.

Trong khi đó, phân khúc như đất nền chủ yếu hướng tới đối tượng đầu tư, đầu cơ bất động sản. Vì vậy, phân khúc này chưa thể hồi phục trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn như hiện tại.

Hay như đối với phân khúc nhà ở thấp tầng, giá bán của phân khúc này đang ở mức cao, do đó, thời gian hồi phục sẽ chậm hơn so với các chung cư đáp ứng nhu cầu thực đối với việc thuê, mua nhà ở với mức giá hợp lý hơn.