Các chuyên gia đưa ra nhiều những số liệu cũng như góc nhìn tích cực hơn về thị trường đầu tư trong phần còn lại của năm 2024 cũng như trong trung, dài hạn. Tiền số sẽ cạnh tranh với chứng khoán để thu hút dòng tiền. Ảnh: Hoàng Anh
Trong các năm tới, cơ hội dành cho các nhà đầu tư sẽ nhiều hơn với bối cảnh các yếu tố thị trường được kỳ vọng sẽ ngày càng tích cực, qua đó có nhiều hơn các cơ hội đầu tư ở cả Việt Nam và thế giới.
Nhận định lạc quan này được ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đưa ra tại hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây.
Vĩ mô sáng hơnKể từ đầu năm 2023 tới nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, linh hoạt nhằm giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp kể cả trong sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản.
Nửa cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì chính sách giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp nhằm tiếp tục bơm tín dụng vào nền kinh tế.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng gần đây đã chuyển biến tích cực, vượt 6% trong sáu tháng đầu năm và dự báo sẽ vượt 15-16% cho cả năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục duy trì chính sách tỷ giá ổn định và giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế.
Theo ông Nghĩa, các biện pháp tiền tệ dù chưa thật bền vững nhưng dần cho thấy tác động tích cực nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về khả năng kiểm soát kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Điều này đúng như kế hoạch đã được Quốc hội phê chuẩn đó là lạm phát dưới 4,5%, tiền đồng mất giá dưới 5% và thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định.
Bên cạnh đó, chính sách tài khoá tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là thu ngân sách vẫn tăng. Thâm hụt ngân sách vẫn được đảm bảo như mức Quốc hội đã phê chuẩn và tỷ lệ nợ công trên GDP khá ổn định, kỷ cương kỷ luật tài chính có chuyển biến tích cực.
Bất động sản phục hồiĐáng chú ý, ông Nghĩa nhấn mạnh tâm
điểm nổi bật nhất về chính sách từ nay đến cuối năm là việc ba bộ luật bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực vào ngày 1/8/2024 cùng các các nghị định đã được Thủ trướng phê duyệt.
Theo đó, thị trường đất đai, nhà ở,
bất động sản cũng như một số lĩnh vực có liên quan đang chờ đợi một cách tích cực về hiệu lực và hiệu quả của các luật và nghị định quan trọng này. Đặc biệt khi thị trường bất động sản, nhà ở đang có những dấu hiệu phục hồi ở một số phân khúc.
Trên thị trường, nguồn cung về bất động sản và nhà ở cũng đang có dấu hiệu tăng và ông Nghĩa hy vọng sau ngày 1/8, thị trường bất động sản cũng như thị trường tài sản nói chung bao gồm cả chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi tích cực cùng nền kinh tế chung bởi tính lan toả rộng lớn của lĩnh vực này.
Tài sản đứng đầu danh mụcĐồng quan điểm về cơ hội thị trường, ông Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản Toàn Cầu nhận định: “Từ nay đến cuối năm 2024, đầu tư chứng khoán có khả năng phát triển tốt nhất, tiếp đến là bất động sản nhưng chỉ trong một vài phân khúc cụ thể.”
Trong thời gian qua, Vn-Index và thị trường chứng khoán đã tăng trưởng khá tích cực dù chịu không ít tác động từ quyết định bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài và biến động trên thị trường tài chính thế giới.
Dù vậy, ông Hiếu vẫn cho rằng thị trường chứng khoán sẽ ổn định và tốt hơn trong nửa sau của năm 2024 bởi đây là “hàn thử biểu của nền kinh tế”.
Theo đó, nếu kinh tế phục hồi mạnh vào nửa năm sau thì thị trường chứng khoán sẽ phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ, bao gồm những mã chứng khoán liên quan đến khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, giao thông và đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng sẽ có tính bền vững, hấp dẫn so với các mã cổ phiếu khác.
Bà Lina Nguyễn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Exness Investment Bank nhìn nhận, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục duy trì khẩu vị đầu tư với vàng, với nhiều yếu tố hỗ trợ như địa chính trị, nhu cầu mua vàng, lãi suất điều chỉnh…
"Vàng sẽ là tài sản an toàn và nằm đầu tiên trong danh mục", bà khẳng định.
Tài sản số qua thời ngủ đôngBên cạnh đó, về thị trường cổ phiếu, dòng tiền có xu hướng tập trung ở các nhóm vốn hoá lớn, các nhà đầu tư lớn sẽ luôn giữ tâm thế nắm giữ với các cổ phiếu công nghệ lớn như Nvidia với sự bùng nổ của ngành sản xuất chip.
Nhà đầu tư tổ chức lớn đang chấp nhận khẩu vị rủi ro với các tài sản mới, trong đó có tài sản số. Hơn 1.200 tỷ USD đã đổ vào các quỹ ETF tài sản số. "Tiền số được xem là đã bước qua thời kỳ ngủ đông và các tín hiệu tích cực liên tục xuất hiện", bà Nguyễn nói.
Lãnh đạo Exness dự báo dòng vốn vào các tài sản số sẽ tiếp tục tăng. Các nhóm tổ chức tài chính cũng sẽ tham gia vào phân khúc đầu tư này. Nhà đầu tư nhỏ lẻ có sự quan tâm tương tự, nhưng vẫn đang do dự, dè chừng vì thiếu các xác nhận và trang bị kiến thức rủi ro.
Theo Tạp chí Nhà Quản trị
(https://theleader.vn/tai-san-nao-hut-dong-tien-dau-tu-nua-cuoi-nam-1722013628270.htm)