Quảng Nam xem xét gia hạn tiến độ nhiều dự án bất động sản
Tỉnh Quảng Nam sẽ xem xét gia hạn tiến độ đối với nhiều dự án bất động sản trên địa bàn. Đây được xem là tín hiệu khả quan với thị trường bất động sản tại địa phương đã “đóng băng” từ lâu.
Mới đây, văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát, tham mưu điều chỉnh tiến độ thực hiện một số dự án nhà ở. Cụ thể, trước đó Sở này đã có công văn về việc gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Đại Dương Xanh, khu đô thị Coco Riverside, khu đô thị Ánh Dương, khu dân cư đô thị Điện Thắng Trung (giai đoạn 2). Sau khi rà soát các hồ sơ, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tiến độ thực hiện dự án, khối lượng, quy mô, diện tích còn lại, đánh giá khả năng bồi thường, giải phóng mặt bằng,... để đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết việc điều chỉnh tiến độ, gia hạn tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo giải quyết các nội dung liên quan của từng dự án phù hợp, đảm bảo sớm hoàn thành dự án, nghiệm thu đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.Theo đánh giá của các doanh nghiệp bất động sản, động thái mới của tỉnh Quảng Nam đã mang lại tín hiệu khả quan cho thị trường. Thực hiện, hầu hết các dự án tại địa phương đều chờ được gia hạn tiến độ để tiếp tục triển khai.Trong khi đó, việc dẫn đến chậm tiến độ các dự án xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Từ đây, các doanh nghiệp không được giao đủ mặt bằng sạch để thực hiện. Cùng với đó, sau đại dịch các doanh nghiệp bất động sản đã “đuối sức” về cả tài chính và con người.Cuối tháng 4 vừa qua, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ký văn bản yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan quyết tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong đó, các đơn vị liên quan sẽ rà soát các tồn tại, vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn tỉnh.Đồng thời, các địa phương liên quan lập hồ sơ, thủ tục giao đất, cho thuê đất sau khi đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Quảng Nam cũng sẽ xem xét, chỉ đạo giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư dự án và cho tách thửa, chuyển nhượng, đăng ký biến động,... đối với các dự án đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ, pháp lý.Cùng với đó là xem xét, chỉ đạo giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Block cho chủ đầu tư đối với các dự án nhà ở đã được giao đất từng phần và chủ đầu tư đã nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên phần diện tích đất được giao, không vướng về giá đất hoặc trường hợp chủ đầu tư đang thuộc đối tượng phải điều chỉnh lại giá đất nhưng đã thực hiện việc tạm nộp hoặc có phương án đảm bảo tài sản,...Theo Nguyễn Phú Quý - Chủ tịch HĐQT Royal Capital Group, dự án Khu đô thị Thanh Hà (66ha) hiện nay giai đoạn 1 đã đầu tư, xây dựng gần 1000 tỷ đồng và nộp tiền sử dụng đất 700 tỷ đồng từ tháng 5/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Quý cho hay lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều lần đề cập đến vấn đề này, doanh nghiệp cũng đã có nhiều tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng.“Trong 2 năm qua, doanh nghiệp phải “gồng lãi” cho khoản vay 1700 tỷ đồng rất áp lực. Dự án làm xong không được ra sổ, chỉ cấp được 1 số block rồi thôi, trong khi đó dự án đã hết hạn tiến độ, doanh nghiệp đang rất nóng ruột”, ông Quý chia sẻ. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay của Quảng Nam đó là thiếu con người để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, các đơn vị kiến nghị việc giải phóng mặt bằng phải được đưa lên hàng đầu và cần có giải pháp mạnh hơn để thực hiện nhanh hơn.Trong nhiều cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông Trần Quốc Bảo – Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cũng đã nhấn mạnh cần sớm giải quyết triệt để vấn đề giải phóng mặt bằng, công tác đền bù phải được làm triệt để vì đây là trách nhiệm của các địa phương. Theo ông Bảo, ở góc độ các doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã có đóng góp cho tỉnh trong suốt thời gian qua và nhiều doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất nhưng lại không ra sổ được đã dẫn đến hàng loạt khó khăn, áp lực.“Tỉnh Quảng Nam cần cho phép gia hạn tiến độ đối với các dự án vướng mặt bằng, khi không có mặt bằng thì doanh nghiệp không thể cam kết tiến độ được và hiện nay việc gia hạn tiến độ đang “đứng bánh” vì không có mặt bằng”, ông Bảo nhấn mạnh.Về hướng giải quyết các vướng mắc, trước đó Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đã chia các dự án thành 3 nhóm và đề xuất phương hướng giải quyết cụ thể.Trong đó, nhóm 1 là những dự án được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là việc lựa chọn nhà đầu tư chưa đúng theo quy định, trong đó có 20 dự án đã hoàn thành có thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán. Các dự án còn lại đã được cấp thẩm quyền giao đất phần lớn diện tích dự án còn lại diện tích nhỏ, gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thì cho phép khoanh dự án, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng,....Nhóm 2 là các dự án được lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ được các địa phương kiểm tra, rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan.Còn lại với nhóm 3 là các dự án đã giao chủ đầu tư, công nhận chủ đầu tư trước ngày Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực nhưng không nằm trong danh sách các dự án mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận việc lựa chọn nhà đầu tư chưa đúng quy định thì tỉnh Quảng Nam sẽ giao các Sở, ngành đốc thúc chủ đầu tư hoàn thiện, quyết toán,...Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
(https://diendandoanhnghiep.vn/quang-nam-xem-xet-gia-han-tien-do-nhieu-du-an-bat-dong-san-262906.html)