Xu hướng mới định hình chuyển động thị trường bất động sản 2025

Theo Thảo Mây

Thứ hai, 13/1/2025 - 9:00 (GMT+7)

Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2024 đã khép lại giai đoạn khó khăn. Bước sang năm 2025, thị trường sẽ chuyển mình sang giai đoạn "tấn công", với nhiều xu hướng mới định hình lại bức tranh tổng thể của ngành.

Nhìn lại những chuyển động tích cực của thị trường bất động sản trong năm 2024

Năm 2024 được ghi nhận là cột mốc quan trọng đánh dấu sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam sau một giai đoạn phục hồi và tăng trưởng ổn định. Trong bức tranh chung đó, thị trường bất động sản đã bắt đầu "lấy lại phong độ", từng bước vượt qua thách thức với nhiều kết quả phục hồi tích cực.

Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 và dự báo thị trường năm 2025 của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services – FERI) cho biết, thị trường bất động sản đã đi qua vùng đáy vào năm 2023, bắt đầu ấm dần lên từ đầu năm 2024 đến nay. Giai đoạn thị trường đi ngang theo đáy chữ U đã có chuyển biến tích cực dần, đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản đã trở nên "ấm áp" hơn với nhiều tín hiệu khả quan.

Theo Dat Xanh Services – FERI, tính đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản đã "xa rời" vùng đáy. Đặc biệt, khi 4 bộ luật quan trọng là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực sớm từ 1/8/2024, cũng phần nào hỗ trợ thúc đẩy tiến độ phát triển dự án và gia tăng nguồn cung nhà ở mới.

"Đây là thời điểm thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng. Các điểm nghẽn còn tồn đọng dần được khơi thông với hàng loạt chính sách, quy định mới được ban hành. Sau thời điểm này, thị trường tuy chưa thể phục hồi nhanh nhưng các bộ luật được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho sự phát triển minh bạch, ổn định với chu kỳ mới", Dat Xanh Services – FERI nhận định.

Còn theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản với gần 81.000 sản phẩm được chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023. Đáng chú ý, trong số này, có tới 65.376 sản phẩm chào bán mới, gấp khoảng 3 lần so với năm trước. Quý IV/2024 đặc biệt sôi động với 28.000 sản phẩm chào bán mới, tăng gấp 2 lần so với quý trước và gấp 4 lần cùng kỳ năm 2023.

Song hành với sự gia tăng nguồn cung, lượng giao dịch cũng tăng trưởng ổn định nhờ cải thiện cả về chất lượng lẫn số lượng. Toàn thị trường năm 2024 ghi nhận hơn 47.000 giao dịch thành công, tương ứng với tỷ lệ hấp thụ 72%. Đáng chú ý, hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp đến từ nhu cầu đầu tư, cho thấy sức hút lớn của thị trường đối với giới đầu tư trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Thị trường bất động sản năm 2024 bắt đầu "lấy lại phong độ", từng bước vượt qua thách thức với nhiều kết quả phục hồi tích cực. (Ảnh minh hoạ: Bùi Văn Doanh). Thị trường bất động sản năm 2024 bắt đầu "lấy lại phong độ", từng bước vượt qua thách thức với nhiều kết quả phục hồi tích cực. (Ảnh minh hoạ: Bùi Văn Doanh).

Bên cạnh đó, năm 2024 chứng kiến bước đột phá trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo niềm tin cho nhiều chủ đầu tư mạnh dạn ra hàng sau thời gian dài "nghe ngóng". Nhiều dự án bất động sản trước đây "nằm chờ" nay đã tái khởi động, mang lại sự sôi động cho thị trường. Lãi suất ngân hàng ổn định ở mức 6 - 8% đã góp phần quan trọng giúp thị trường tăng nhiệt trở lại. Cùng với đó, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và việc khởi công hàng loạt dự án giao thông, hạ tầng lớn càng làm gia tăng sức nóng cho thị trường bất động sản, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Trong đó, thị trường nhà ở tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm khi nhu cầu ở thực lúc nào cũng cao, niềm tin của khách hàng vào thị trường bất động sản phục hồi 80% sau đại dịch. Phân khúc căn hộ tiếp tục dẫn dắt với 81.000 sản phẩm được ra mắt trong năm 2024 (chủ yếu ở miền Bắc), tăng 40% so với năm 2023, trong đó căn hộ cao cấp chiếm 70% tổng nguồn cung nhà năm 2024.

Về giá, đây cũng là phân khúc có mức giá tăng cao nhất, ghi nhận giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 74% so với năm 2023, TP.HCM tăng 34% và TP. Đà Nẵng tăng 49,9%. Trong năm 2024, căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 không xuất hiện, chủ yếu là các căn hộ cao cấp với mức trên 80 triệu đồng/m2.

Về tổng lượng giao dịch, theo VARS, năm 2024 ghi nhận hơn 47.000 giao dịch thành công, tương đương tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới đạt 72%, lượng giao dịch gấp 3 lần so với 2023. Hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp đến từ nhu cầu đầu tư, trong đó có một lượng đầu cơ nhất định.

Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn trên đà phục hồi nhưng còn chậm, nguồn cung năm 2024 là 4.400 sản phẩm tăng 40% so với năm 2023 nhưng mới chỉ bằng 24% so với năm 2018 (năm phát triển của thị trường này). Pháp lý cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng cũng còn nhiều vướng mắc khiến các nhà đầu tư chần chừ khi đầu tư vào loại hình này trong khi giá bán vẫn đang neo cao, đặc biệt có căn biệt thự du lịch được rao bán với giá 800 triệu đồng/m2 nhưng không có giao dịch, phát sinh giao dịch ở một số căn có giá 200 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục là ngôi sao sáng của thị trường với 443 khu công nghiệp được thành lập và 301 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 75%. Giá thuê đất công nghiệp tăng cao, trung bình 7 - 12% mỗi năm, giá thuê trung bình đạt 138 USD/m2/chu kỳ thuê ở phía bắc và 190 USD/m2/chu kỳ thuê, tuy nhiên giá thuê đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn rất cạnh tranh và hấp dẫn tại khu vực.

Ngoài ra, bất động sản thương mại bán lẻ tiếp tục phát triển tích cực với nguồn cung tăng trưởng mạnh mẽ hơn 300.000m2 mới, gấp 3 lần năm 2023.

Xu hướng mới định hình chuyển động thị trường bất động sản 2025

Dựa trên mức độ phục hồi của thị trường bất động sản trong năm 2024 cho đến thời điểm này, các chuyên gia nhận định, đây không chỉ là sự khởi sắc ngắn hạn, mà còn được đánh giá là nền tảng vững chắc, mở đường cho một giai đoạn tăng trưởng mới trong năm 2025. Vì vậy, năm 2025 sẽ là năm bùng nổ, mang đến những gam màu tươi sáng cho bức tranh toàn cảnh của thị trường bất động sản.

PGS.TS. Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường bất động sản năm 2025 đang có xu hướng theo kịch bản đi lên - tăng trưởng khá tốt.

PGS.TS. Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. PGS.TS. Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

"Năm 2025 là năm tiếp đà phát triển lên một giai đoạn mới của thị trường bất động sản. Với tâm thế của đất nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thị trường bất động sản sẽ phát triển với vị thế của một thị trường ở giai đoạn tài chính hóa, trưởng thành hơn", PGS.TS. Trần Kim Chung nhìn nhận.

Theo PGS.TS. Trần Kim Chung, năm 2025 và các năm tiếp theo, chung cư vẫn là nhóm chủ lực dẫn dắt thị trường, đặc biệt là nhóm nhà ở vừa túi tiền với giá trên dưới 3 tỷ đồng cho 1 căn hộ diện tích 70 - 100m2, thậm chí là 50m2 đối với các gia đình hạt nhân mới cũng rất tốt.

Với bất động sản công nghiệp, tiếp đà năm 2024, phân khúc này trong năm 2025 dự báo vẫn sẽ tăng trưởng tốt, dựa vào 2 yếu tố hỗ trợ ở cùng 1 thời điểm: Bên trong muốn vươn lên, còn dòng vốn bên ngoài cùng nhau tìm tới Việt Nam.

Còn đối với phân khúc đã từng rất "nóng" ở giai đoạn trước là nhà ở, biệt thự, tuy vận hành âm thầm nhưng phân khúc này khá quyết liệt, bất động sản đáp ứng tốt nhu cầu đều có người mua. Tuy nhiên giá ngày càng tăng, giá trị giao dịch ngày càng lớn, nên thanh khoản khó khăn hơn.

Về địa bàn, Hà Nội và TP.HCM vẫn là 2 thị trường chính, tuy vậy bối cảnh quỹ đất tại 2 thành phố này ngày càng hạn hẹp sẽ mở ra cơ hội cho các tỉnh lân cận, nhiều khả năng cũng sẽ lan tỏa trong năm 2025, các tỉnh có dòng vốn đầu tư nước ngoài đến sẽ có thể tăng trưởng đột biến.

Đặc biệt, 2025 cũng sẽ là năm bản lề cho nhóm địa bàn có hệ thống hạ tầng lớn đi qua. Đây là điểm đặc biệt bởi chúng ta đang nhấn vào loại hình đô thị TOD - đô thị dựa vào các công trình hạ tầng lớn với 5 con đường từ Bắc và Nam.

Cùng nhìn nhận về xu hướng phát triển thị trường bất động sản trong năm 2025, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ chứng kiến bước chuyển mình theo hướng tích cực với một số xu hướng chính đáng chú ý, có khả năng định hình lại bức tranh tổng thể của ngành.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS). TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS).

Thứ nhất là phát triển nhà ở xã hội. Trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở bình dân ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội sẽ trở thành một xu hướng tất yếu. Phân khúc nhà ở này nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng người có thu nhập thấp và trung bình, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở giá rẻ, đồng thời giảm bớt áp lực lên thị trường bất động sản thương mại vốn có giá cả cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, Chính phủ cùng với các doanh nghiệp sẽ tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm tạo ra nhiều hơn các sản phẩm nhà ở phù hợp với người thu nhập thấp và trung bình.

Thứ hai là hoạt động mở rộng quỹ đất phát triển bất động sản công nghiệp. Khi bối cảnh dòng vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp, việc mở rộng quỹ đất cho bất động sản công nghiệp trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm các khu vực phù hợp để xây dựng nhà máy, kho bãi và các cơ sở sản xuất, do đó nhu cầu về đất công nghiệp đang tăng cao. Để đáp ứng xu hướng này, việc phát triển các khu công nghiệp mới với hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ là yếu tố then chốt. Các khu công nghiệp không chỉ đơn thuần là nơi tập trung sản xuất, mà còn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường, giao thông và các tiện ích liên quan. Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp một cách hợp lý sẽ giúp tối ưu hóa giá trị sử dụng đất, đồng thời thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI đến với Việt Nam, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.

Thứ ba là xu hướng M&A theo dạng hợp tác, tái khởi động các dự án "đắp chiếu". Theo đó, hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là dưới hình thức hợp tác chiến lược giữa các doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp các công ty tối ưu hóa nguồn lực mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản "đắp chiếu" trong thời gian qua sẽ được tái khởi động. Sự hồi phục của thị trường và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện những dự án này.

Thứ tư là xu hướng phát triển các đô thị vệ tinh. Xu hướng phát triển đô thị vệ tinh sẽ ngày càng nổi bật, đặc biệt là ở những khu vực lân cận các thành phố lớn. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực dân số cho các đô thị chính mà còn tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp.

Thứ năm là phát triển các dự án bất động sản xanh, thân thiện với môi trường. Với sự gia tăng nhận thức về bảo vệ môi trường, các dự án bất động sản xanh sẽ thu hút được sự quan tâm từ cả nhà đầu tư lẫn người mua. Những dự án này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống, tạo ra không gian sống lành mạnh cho cộng đồng.

Theo Reatimes