Xếp hạng tín nhiệm giúp phục hồi thị trường TPDN bền vững
Xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ có ý nghĩa cao hơn cho sự hồi phục và phát triển thị trường vốn nếu như được sử dụng rộng rãi bởi các nhà đầu tư.Theo FiinGroup, hiện nay thị trường trái phiếu đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức ở cả hai phía cung và cầu. Niềm tin của nhà đầu tư đối với các sản phẩm trái phiếu tiếp tục ở mức thấp, tâm lý e ngại vẫn là diễn biến chính trên thị trường.Bên cạnh đó, rủi ro suy thoái kinh tế khiến cho nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp bị giảm đi đáng kể, thể hiện thông qua tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong năm 2023.Đối với thanh khoản trên thị trường sơ cấp, từ đầu năm tới nay, các hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp nhiều hơn là phát hành mới. Điều này diễn ra từ giữa năm 2022 sau khi xảy ra các vụ vi phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.Theo ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch HĐQT FiinGroup kiêm Tổng Giám đốc FiinRatings, đây là điều đáng tiếc vì nhiều doanh nghiệp thực sự cần nguồn vốn dài hạn như kênh trái phiếu.Tuy vậy, nếu so sánh phát hành trái phiếu mới quý II/2023 với quý I/2023 và quý IV/2022, thì thị trường đang dần phục hồi dù tốc độ còn chậm. Trong 8 tháng đầu năm 2023, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, với gần một nửa là các ngân hàng phát hành.Quan sát các dữ liệu trái phiếu, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc khối phân tích của FiinRatings cho rằng, tốc độ hồi phục của thị trường trái phiếu hiện nay chậm và khó có sự bứt phá trong 12 tháng tới xét về môi trường lãi suất cũng như sức cầu vốn của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.Dù phục hồi chậm, điểm tích cực hiện nay là các giao dịch phát hành trái phiếu riêng lẻ chủ yếu được mua bởi các nhà đầu tư tổ chức là định chế tài chính. Đây là hướng đi đúng đối với trái phiếu chào bán riêng lẻ. Đáng tiếc là các quỹ trái phiếu, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư bảo hiểm tham gia thị trường trái phiếu chưa sôi động trở lại.Điều này một phần do môi trường tín dụng đang có mức độ rủi ro cao hơn và một phần do các quy định siết chặt hơn như việc các công ty bảo hiểm không được phép mua các trái phiếu được phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ.Đóng góp thêm về vai trò của các định chế tài chính, theo ông Thuân, sự góp mặt của các tổ chức lớn, những ngân hàng cũng giúp tạo thanh khoản thị trường, đồng thời cần tạo thêm những hành lang pháp lý được thiết kế phù hợp theo thông lệ quốc tế để thị trường trái phiếu doanh nghiệp thu hút thêm được những dòng vốn lớn như mô hình mà các ngân hàng đầu tư trên thế giới đang thực hiện nhưng chưa thực sự phát triển tại Việt Nam.Đồng quan điểm với ông Thuân, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVI AM) cho rằng: “Hiện sàn giao dịch riêng lẻ đã có tại HNX, nhưng vẫn cần thêm những thành phần trung gian như các dealer, market maker, hay các tổ chức tài chính lớn để tạo thanh khoản sôi động cho thị trường, góp phần củng cố niềm tin, thúc đẩy giao dịch thứ cấp và sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh hiện thị trường vẫn chủ yếu là các tổ chức lớn tham gia “buy to hold” do sự hạn chế về thanh khoản, thông tin tư vấn.”Ngoài ra, bà Giao cũng chia sẻ thêm về trường hợp của HDI Global, cổ đông ngoại lớn của PVI, sở hữu một quỹ đầu tư có tổng tài sản lên tới hơn 170 tỷ USD đang có danh mục tập trung nhiều vào đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.Đáng chú ý, các quyết định rót vốn của quỹ này đa phần dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức uy tín, và 100% các khoản đầu tư cũng là các doanh nghiệp đã công bố được kết quả xếp hạng tín nhiệm.Thậm chí, dù danh mục có hơn 60% là tiền gửi các tổ chức tín dụng, nhưng bản thân PVI AM cũng có đội ngũ xếp hạng tín nhiệm riêng nhằm đánh giá các tổ chức tín dụng, đồng thời có tham khảo các tổ chức khác như FiinRatings để làm cơ sở quyết định tới tỷ lệ phân bổ tiền gửi của quỹ này. Đánh giá được tầm quan trọng của xếp hạng tín nhiệm trong phát triển thị trường trái phiếu theo hướng minh bạch, bền vững, FiinRatings và PVIAM đã hợp tác nhằm ứng dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm trong hoạt động quản trị đầu tư.Qua đó có thể tạo một môi trường đầu tư minh bạch, thu hút được dòng vốn dồi dào từ các nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân nhằm giúp phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, lâu dài.Chia sẻ tại buổi ký kết hợp tác, bà Giao cho rằng “Việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp PVI AM tăng cường hệ thống đánh giá độc lập và toàn diện hơn trong việc đánh giá cơ hội đầu tư và quản trị rủi ro".Thep đó, việc chủ động phân bố tài sản dựa trên những đánh giá xếp hạng tín nhiệm độc lập của FiinRatings sẽ giúp PVI AM có thêm thông tin dữ liệu đầy đủ để đưa ra quyết định, góp phần gia tăng hiệu quả đầu tư đồng thời vẫn đảm bảo công tác quản trị rủi ro cho danh mục.Lãnh đạo PVI AM mong muốn là công ty quản lý quỹ tiên phong trong việc sử dụng kế quả xếp hạng tín nhiệm độc lập trong việc quản lý danh mục đầu tư của mình nhằm nâng cao sự minh bạch, quản trị rủi ro đối với nhà đầu tư, từ đó chung tay góp phần xây dựng một thị trường vốn Việt Nam bền vững và an toàn hơn.Về phía FiinRatings, ông Thuân cho biết, xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ có ý nghĩa cao hơn cho sự hồi phục và phát triển thị trường vốn nếu như được sử dụng rộng rãi bởi các nhà đầu tư, không chỉ những nhà đầu tư đại chúng hay cá nhân mà đặc biệt là các định chế tổ chức tài chính.Trong bối cảnh các quy định pháp lý còn chưa được áp dụng như thông lệ các thị trường trong khu vực và trên thế giới thì việc chủ động hợp tác giữa các thành viên thị trường sẽ từng bước góp phần phát triển bền vững của thị trường vốn Việt Nam.Mới đây nhất, Bộ Tài chính cấp giấy phép cho VIS Rating, công ty do Moody's đồng sở hữu (49%) cùng với các tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam, thực hiện xếp hạng các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước.Đại diện của Moody's cho biết: "Khi thị trường trái phiếu của Việt Nam phát triển, xếp hạng tín dụng và nghiên cứu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các công ty tiếp cận nguồn vốn mới, xây dựng chiến lược cấp vốn, báo hiệu sự minh bạch và duy trì niềm tin của nhà đầu tư trong thời điểm thị trường căng thẳng."