VinFast phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu
Như vậy, VinFast đã phát hành thành công tổng cộng 6.000 tỷ đồng từ trái phiếu với lãi suất 13,5%/năm chỉ trong tháng 10.Công ty CP Sản xuất và kinh doanh VinFast vừa phát hành thành công 40.000 trái phiếu có tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 18/10/2029 với lãi suất cố định 13,5%/năm, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).Theo đó, tổ chức phát hành có quyền mua lại trước hạn toàn bộ hoặc một phần số trái phiếu đang lưu hành vào bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành. Người sở hữu trái phiếu có thể toàn quyền bán lại một phần hoặc toàn bộ số trái phiếu theo chào mua hoặc không bán lại cho tổ chức phát hành.
Trước đó, vào ngày 10/10, VinFast cũng đã phát hành thành công 20.000 trái phiếu và thu về 2.000 tỷ đồng. Thời gian đáo hạn vào ngày 10/10/2026, lãi suất cố định 13,5%/năm.Như vậy, VinFast đã phát hành thành công tổng cộng 6.000 tỷ đồng từ trái phiếu với lãi suất 13,5%/năm chỉ trong tháng 10 sau hơn một năm "bỏ ngỏ" kênh huy động này.Trong một diễn biến liên quan, Tập đoàn Vingroup – công ty mẹ của VinFast mới đây đã thông quan nghị quyết về việc cấp bảo lãnh thanh toán và sử dụng tài sản thuộc sở hữu của Vingroup để đảm bảo cho các trái phiếu do công ty con này phát hành riêng lẻ trong năm nay, với tổng mệnh giá tối đa không quá 6.500 tỷ đồng.Tại cuộc họp gần đây, VinFast dự kiến nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm nay ở mức 1 - 1,5 tỷ USD. Mục đích huy động nhằm triển khai nhà máy tại Mỹ và hai cơ sở lắp ráp ở Ấn Độ và Indonesia.Theo báo cáo phân tích mới nhất của Chứng khoán Vietcap, tính đến ngày 30/6, VinFast có dư nợ khoảng 71.300 tỷ đồng (khoảng 2,9 tỷ USD), giảm 4% so với đầu năm, bao gồm khoản vay chuyển đổi từ các bên cho vay thứ ba.Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1,9 tỷ USD và nợ vay dài hạn là 915 triệu USD. Công ty còn tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt khoảng 2.400 tỷ đồng. Vietcap ước tính nhu cầu vốn xây dựng cơ bản của VinFast trong năm 2024 - 2025 là 20.900 tỷ đồng/năm.Tổ chức này đánh giá VinFast cần khoảng 20.900 tỷ đồng mỗi năm cho giai đoạn 2024 - 2025 để xây dựng cơ bản trung bình, bao gồm cả chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển.Trong đó, hai nguồn tài trợ quan trọng nhất của VinFast đến từ thỏa thuận phát hành vốn cổ phần trị giá 968 triệu USD với Yorkville và các khoản tài trợ dự kiến 1 tỷ USD đến từ chủ tịch, tỷ phú Phạm Nhật Vượng.Đối với nghĩa vụ nợ vay đến hạn trong nửa cuối năm 2024, công ty đã có thỏa thuận tái cấp vốn với các bên cho vay.Về tình hình kinh doanh, trên thị trường xe nội địa, VinFast đã bàn giao hơn 9.300 xe cho khách hàng trong tháng 9 với sự đóng góp của tất cả dòng xe điện VF e34, VF 3, VF 5, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9. Con số này cao gần gấp rưỡi so với hãng xe xếp thứ hai và vươn lên vị trí số 1 tại Việt Nam.Đây cũng là lần đầu tiên, thương hiệu ô tô điện nội địa vượt qua tất cả các thương hiệu xe xăng và điện quốc tế, trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường, đặc biệt chỉ sau hơn hai năm chính thức chuyển đổi thành hãng xe hoàn toàn thuần điện.Ban lãnh đạo VinFast kỳ vọng đà tăng trưởng tại thị trường Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi các mẫu xe VF 5 và VF 3 giá cả hợp lý trong nửa cuối năm 2024. Công ty duy trì mục tiêu hòa vốn biên lợi nhuận gộp trong năm 2025 và EBITDA vào năm 2026.