TP.HCM: Quyết tâm "hồi sinh" nhiều dự án treo

Theo Dương Minh Anh

Thứ tư, 11/12/2024 - 8:51 (GMT+7)

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nếu không có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả các dự án tồn đọng, thị trường bất động sản sẽ rơi vào suy thoái, khủng hoảng và có thể kéo theo những tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Nhiều dự án còn "đứng hình" chủ yếu do vướng mắc pháp lý

Những năm gần đây, TP.HCM được ví như một đại công trường sôi động với hàng loạt các dự án lớn nhỏ đang trong quá trình triển khai. Trên thực tế, hầu hết các dự án này vẫn còn trong tình trạng "đắp chiếu", "bỏ hoang" và sẽ còn tồn tại dai dẳng nếu chưa được xử lý dứt điểm.

Đơn cử, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM phía Nam với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Mặc dù đã hoàn thành đến 90%, nhưng công trình này vẫn rơi vào "bế tắc", chưa hẹn ngày cán đích. Dự án được khởi công từ giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570km2 với khoảng 6,5 triệu người dân sinh sống ven bờ hữu sông Sài Gòn. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, dự án vẫn chưa hoàn tất, chủ yếu do các vướng mắc liên quan đến thủ tục thanh toán với nhà đầu tư.

Một ví dụ khác là dự án mở rộng đường Lương Định Của tại TP. Thủ Đức, TP.HCM, dù đã được khởi công xây dựng từ năm 2015, nhưng phải tạm dừng nhiều lần. Đến nay, sau gần một thập kỷ, tuyến đường này vẫn đang ngổn ngang, nhiều đoạn thi công dang dở ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đoạn từ nút giao An Phú đến đường Nguyễn Hoàng đang vướng khoảng 22.000m2 đất chồng ranh với dự án Khu đô thị Phát triển An Phú, do Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư.

Người dân di chuyển khó khăn trên đường Lương Định Của (đoạn Nguyễn Hoàng đi nút giao An Phú, TP. Thủ Đức) do thi công dang dở. (Ảnh: Minh Quân/Báo Lao động) Người dân di chuyển khó khăn trên đường Lương Định Của (đoạn Nguyễn Hoàng đi nút giao An Phú, TP. Thủ Đức) do thi công dang dở. (Ảnh: Minh Quân/Báo Lao động)

Cùng với đó, một loạt dự án bất động sản, chung cư cao tầng, nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố cũng đang chịu hoàn cảnh tương tự, triển khai ì ạch, thậm chí dẫm chân tại chỗ.

Điển hình, dự án 230 Nguyễn Trãi có tên thương mại là Lancaster Legacy do Tập đoàn Trung Thủy phát triển, nằm ở vị trí đắc địa dù đã xây xong phần thô nhưng đến nay chưa tính xong nghĩa vụ tài chính nên nhiều năm qua vẫn dở dang.

Hay One Central HCM là dự án phức hợp rộng 8.600m2 tại khu tứ giác Bến Thành, đối diện chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Dự án này được đánh giá là một trong những vị trí đắc địa nhất Sài Gòn khi sở hữu bốn mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính nhưng nhiều lần thay tên, đổi chủ và đến nay vẫn "đắp chiếu".

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nguyên nhân khiến các dự án vẫn "đứng hình" có thể do nhiều yếu tố như vướng vào câu chuyện đóng tiền sử dụng đất, chưa thống nhất được phương án xác định giá đất, không có diện tích đất ở trong dự án... Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất chủ yếu vẫn là pháp lý.

Ước tính từ năm 2022 đến nay, thành phố đã có 64 dự án bất động sản của 57 doanh nghiệp bị vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm. Các dự án được chia thành 3 nhóm gồm các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở thương mại không thuộc diện phải rà soát pháp lý; các dự án nhà ở thương mại bị rà soát, thanh tra, kiểm tra.

"Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả các dự án tồn đọng, thị trường bất động sản sẽ rơi vào suy thoái, khủng hoảng và có thể kéo theo những tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Đây sẽ là sự lãng phí lớn nhất mà chúng ta không thể đong đếm được", ông Lê Hoàng Châu cảnh báo.

Nỗ lực gỡ vướng thêm nhiều dự án trong tháng 12/2024

Để giải quyết những bất cập trong việc xử lý các dự án tồn đọng, vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị rà soát, xác định rõ trách nhiệm nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan đơn vị thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá. Đối với những nội dung công việc thuộc thẩm quyền, các đơn vị có liên quan cần chủ động có giải pháp xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, đồng thời bố trí, huy động các nguồn lực để triển khai nhanh các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, chậm tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả mục tiêu dự án.

Còn đối với nội dung vượt thẩm quyền, khẩn trương rà soát, báo cáo rõ nội dung vướng mắc về cơ chế chính sách, về quy định pháp luật; đề xuất giải pháp xử lý, cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo kịp thời.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực; thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy…

Mới đây, UBND TP.HCM cũng vừa tổ chức cuộc họp Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư để xem xét tháo gỡ cho 5 dự án bất động sản.

Cụ thể, 5 dự án đó là dự án Khu phức hợp Lotte Eco Smart City tại Khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Tập đoàn Lotte; khu đất 14,8ha tại phường An Phú, TP. Thủ Đức do Công ty Nguyên Phương làm chủ đầu tư; khu phức hợp Tháp Quan sát thuộc Khu chức năng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương - Empire City làm chủ đầu tư; khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, Quận 7 do Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư; khu thương mại và căn hộ I-Home tại số 359 đường Phạm Văn Chiêu, Phường 14, quận Gò Vấp.

Đáng chú ý, kết quả tháo gỡ cho 5 dự án nêu trên sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách trên 18.000 tỷ đồng, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đầu tư, cấp phép xây dựng, nghĩa vụ tài chính để triển khai thi công xây dựng hoàn thành dự án nhằm phát triển đô thị theo quy hoạch, chống lãng phí đất đai.

Đồng thời, triển khai thi công xây dựng hoàn thành dự án sẽ phát triển đô thị theo quy hoạch, tránh lãng phí đất đai; giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho 498 trường hợp đã mua căn hộ tại dự án khu thương mại và căn hộ I-Home, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố làm cơ quan đầu mối tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân nhóm các vướng mắc, khó khăn của các dự án trên địa bàn thành phố, theo dõi đánh giá việc thực hiện kết luận của Tổ công tác để báo cáo Tổ công tác xem xét họp định kỳ 1 đến 2 lần trong một tháng để tập trung xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các kết luận của Tổ công tác. Thêm vào đó, tiếp tục xem xét tháo gỡ cho các nhóm vướng mắc liên quan chủ trương đầu tư, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... để làm cơ sở cho các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện chủ động thực hiện xử lý các vướng mắc, khó khăn tại các dự án tương tự trong quá trình tiếp nhận xử lý các thủ tục hành chính.

Trước đó, TP.HCM cũng đã gỡ vướng hoàn toàn cho 8 dự án bất động sản gồm Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát; khu nhà ở xã hội của Công ty cổ phần VTHouse và Công ty cổ phần Tân Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; khu chung cư và thương mại Metro Star của Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star; khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (tên thương mại là Celadon City) của Công ty cổ phần Gamuda Land; khu đất diện tích hơn 11.000m2 tại huyện Hóc Môn của Công ty cổ phần Western Sài Gòn; dự án khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons; khu giáo dục quận Bình Thạnh của Công ty Trí Tuệ. TP.HCM cũng có 22 dự án đang được các sở, ngành, TP.Thủ Đức tiếp tục tham mưu xử lý theo quy định.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ban hành Thông báo 502/TB-UBND, phân công Thường trực UBND thành phố theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Trong đó, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề tồn đọng, trong tháng 12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sẽ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết 10 dự án gồm dự án cầu Thủ Thiêm 2; dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM; dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng; dự án Khu phức hợp Tháp Quan sát thuộc Khu chức năng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án Công viên Sài Gòn Safari - Củ Chi; dự án Khu đất số 1 Lý Thái Tổ; dự án đầu tư xây dựng Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc; dự án Khu đô thị Bình Quới Thanh Đa.

Ngoài ra, các Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng được giao theo dõi, chỉ đạo các dự án còn vướng mắc nêu rõ theo Thông báo.

Theo Reatimes