Tin vui cho loạt dự án điện tái tạo sai phạm
Hàng loạt dự án điện tái tạo vi phạm có tên trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đứng trước cơ hội được triển khai tiếp nếu đáp ứng một số điều kiện.
Cuối năm vừa qua, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về tuân thủ pháp luật trong thực hiện quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.Một nội dung đáng chú ý là việc 154 dự án điện mặt trời cùng hàng loạt dự án điện gió bị cơ quan thanh tra chỉ rõ nhiều sai phạm về quy hoạch, tiến độ, hưởng giá FIT...Vì lẽ đó, hơn nửa năm nay, số phận của những dự án điện tái tạo này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, nhất là nhiều trường hợp trong đó đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan an ninh điều tra.Tuy nhiên, chỉ đạo mới nhất của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với các bộ ngành, địa phương về cập nhật kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, đã le lói “tia sáng cuối đường hầm” đối với các dự án điện tái tạo bị Thanh tra Chính phủ vạch rõ sai phạm nêu trên.Điển hình, với 7 dự án điện gió tại Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu có tên trong kết luận thanh tra đã được đưa vào danh mục dự án trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.Phó thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Công thương là cơ quan tham mưu, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ về các nội dung đề xuất danh mục dự án tại kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.Quyết định đã được ký, có hiệu lực thi hành và vẫn giữ nguyên hiệu lực. Bộ Công thương làm việc trực tiếp với Thanh tra Chính phủ để rà soát lại nội dung 7 dự án này.“Trường hợp kết luận thanh tra đã rõ, chỉ liên quan đến việc chậm tiến độ, không vướng mắc về pháp lý, không vướng về chồng lấn quy hoạch, không mâu thuẫn với 9 tiêu chí đã được ban hành thì tiếp tục triển khai, thực hiện”, Phó thủ tướng chỉ đạo.Rộng hơn, đối với các dự án được nêu tên tại kết luận thanh tra, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các địa phương và cơ quan liên quan để tiếp tục rà soát kỹ các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ thuộc đối tượng thanh tra.Trường hợp cơ quan thanh tra đã có kết luận rõ ràng, các vi phạm hành chính cần khắc phục triệt để. Trường hợp đáp ứng đầy đủ 9 tiêu chí đặt ra thì tổng hợp cho tiếp tục thực hiện theo quy định trên nguyên tắc không để lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả.Tháng 11/2023, Bộ Công thương có văn bản lấy ý kiến các địa phương về Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, trong đó xác định 9 tiêu chí áp dụng cho quá trình các địa phương rà soát, lập danh mục đề xuất dự án. Điển hình một số tiêu chí như: tình trạng pháp lý và hiện trạng triển khai, phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn, quy mô dự án.Tia hy vọng cũng đến với những dự án điện gió “khốn đốn” vì chồng lấn quy hoạch khoáng sản suốt nhiều năm nay.Với các dự án điện gió đáp ứng 9 tiêu chí lựa chọn mà chồng lấn khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu theo hướng đề xuất đưa các khu vực khoáng sản chồng lấn này ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác để bổ sung vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.Bộ Công thương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng, trước pháp luật về các nội dung đề xuất, kiến nghị về việc bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII. Đồng thời, bộ được giao báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định ban hành cập nhật, bổ sung kế hoạch trước 15/7/2024.Tham chiếu danh mục dự án nguồn điện thực hiện giai đoạn 2023 - 2030 xác định tại kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, cho thấy một số trường hợp điện gió, điện mặt trời có tên trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ tương ứng.Về điện gió, ghi nhận 7 dự án có tên trùng khớp giữa danh mục dự án điện sai phạm và danh mục thực hiện theo kế hoạch điện VIII gồm: Krông Buk 1 và 2, Cư Né 1 và 2 tại tỉnh Đắk Lắk; Công Lý tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Công Hải 1 và Phước Hữu tại tỉnh Ninh Thuận.Hầu hết dự án năng lượng tái tạo bị Thanh tra Chính phủ điểm tên về vi phạm trong quá trình triển khai đầu tư, công nhận vận hành thương mại đều nằm tại khu vực được coi là thủ phủ của năng lượng tái tạo cả nước như Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk hay Đắk Nông.Nổi cộm trong đó là vấn đề chồng lấn quy hoạch khi nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng trên đất được quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia, khai thác titan, quặng bô-xít hoặc chồng lấn quy hoạch thuỷ lợi.Không ít trường hợp trong số dự án chồng lấn quy hoạch được phát triển trực tiếp hoặc thông qua các công ty con của những doanh nghiệp mạnh như Hà Đô, Vietracimex, Trungnam Group, Long Thành, Tập đoàn Thái Bình Dương…“Đè” trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Bình Thuận có thể kể tới các dự án điện gió Hòa Thắng 1.2, Thái Hòa, Đại Phong, Hồng Phong 1, Phú Lạc – giai đoạn 2, Phong điện 1 và điện mặt trời Hồng Phong 1A, Hồng Phong 1B, Hồng Phong 5.2, Hàm Kiệm 1, Mũi Né, Hàm Kiệm, Hồng Phong 4.Tại Ninh Thuận, bốn dự án điện mặt trời được phê duyệt chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.Thậm chí, UBND tỉnh còn cho doanh nghiệp thuê đất thực hiện dự án khi chưa có trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh như trường hợp Công ty CP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang với dự án điện mặt trời Phước Hữu.Xây dựng chồng lấn quy hoạch bô-xít là thực trạng diễn ra tại năm dự án điện gió Nam Bình 1, Đắk Hòa và Đắk N’Drung 1, 2, 3 có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.Vài tháng trước, nhiều chủ đầu tư các dự án dạng này như “ngồi trên lửa” vì dự án phải chờ phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng hoặc đối diện với khả năng xem xét lại giá mua điện.Thậm chí, có doanh nghiệp còn sẵn sàng tâm lý: nếu xảy ra hồi tố và thu hồi phần lợi nhuận có từ bán điện, thì kiến nghị được chấp thuận lùi mức hưởng giá ưu đãi từ FIT 1 về FIT 2, tức giá mua giảm đi.Theo The Leader,
https://theleader.vn/tin-vui-cho-loat-du-an-dien-tai-tao-sai-pham-1720975183996.htm