Thuê rừng làm du lịch: Cửa mở vẫn khó vào

TheLEADER

Thứ hai, 23/10/2023 - 8:32 (GMT+7)

Mặc dù Luật Lâm nghiệp cho phép và Nghị định 156 quy định các bước lập đề án và lựa chọn nhà đầu tư, song việc triển khai dự án du lịch nghỉ dưỡng trong rừng vẫn còn nan giải.

Các công trình dưới tán rừng chịu sự quản lý chặt chẽ của Luật Lâm nghiệp. Ảnh minh hoạ: Công ty thiết kế Greenforest.

Xu hướng đầu tư mới

Không phải ngẫu nhiên ngày càng có nhiều doanh nghiệp mong muốn thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí.

Trước hết, trải nghiệm thiên nhiên, cắm trại, dã ngoại và chăm sóc sức khoẻ trong rừng là xu hướng được du khách ưa thích và đang tăng trưởng nhanh.

Về mặt pháp lý, cửa rừng đã chính thức mở khi Luật Lâm nghiệp được thông qua cách đây 5 năm cho phép chủ rừng tự tổ chức, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng.

Cũng từ đó, những địa phương như Vĩnh Phúc, Ninh Thuận và Thanh Hoá đã và đang lập đề án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí trong các khu rừng đặc dụng thuộc các vườn quốc gia như Tam Đảo, Núi Chúa và Bến En.

Một số địa phương như Phú Yên và thành phố Phú Quốc cũng đang lên kế hoạch hoặc mong muốn cho thuê môi trường rừng làm du lịch.

Đơn cử, Ninh Thuận đã thông qua đề án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí cho Vườn quốc gia Núi Chúa, trong đó, dự kiến sẽ có 12 điểm du lịch sẽ theo hình thức hợp tác liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng và 11 khu vực cho thuê môi trường rừng.

Thanh Hoá cũng đang hoàn thiện đề án tương tự cho Vườn quốc gia Bến En và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với định hướng xây dựng những nơi này trở thành điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp với sản phẩm du lịch đa dạng.

Trên cơ sở những đề án này, nhiều doanh nghiệp đã lập dự án cũng như mong muốn thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí.

Tại Vườn quốc gia Núi Chúa, giữa năm nay, Công ty CP Gia Việt đã khởi công xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Hỏm trên diện tích gần 49ha, tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng.

Cũng trong vườn quốc gia này, Công ty CP Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam đang lên kế hoạch đầu tư một khu nghỉ dưỡng cao cấp với 100 biệt thự trên diện tích gần 65ha.

Tại Vườn quốc gia Tam Đảo cũng đang manh nha hai dự án du lịch nghỉ dưỡng là Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 và Khu du lịch sinh thái số 2.

Trong đó, Công ty CP Nam Tam Đảo đang đề xuất thuê môi trường rừng để phát triển dự án Khu du lịch sinh thái số 2 trên diện tích 68ha, tổng mức đầu tư hơn 731 tỷ đồng.

Những dự án này nằm trong đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Tam Đảo giai đoạn 2021 - 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt năm 2021.

Tại Bà Rịa Vũng Tàu, Công ty CP Du lịch Biển Xanh cũng đang xúc tiến thuê môi trường rừng phát triển một khu du lịch sinh thái có diện tích 40ha trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Khe cửa hẹp

Mặc dù cửa rừng đã mở về mặt pháp lý cho các dự án thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí, nhưng thực tế triển khai vẫn có nhiều vướng mắc hoặc khoảng trống pháp lý khiến doanh nghiệp lúng túng hoặc tiến thoái lưỡng nan.

Một trong những vấn đề mấu chốt để có thể hình thành các dự án trong rừng là phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí như khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, các khu tiện ích.

Tuy nhiên, thủ tục xây dựng các công trình này ở những dự án thuê môi trường rừng lại đang là khoảng trống.

Luật Xây dựng yêu cầu doanh nghiệp phải xin phép xây dựng trước khi xây dựng công trình và điều kiện để xin phép xây dựng là dự án phải phù hợp với quy hoạch chung của ngành xây dựng. Trong khi đó, đất lâm nghiệp chưa phải loại đất được phép xây dựng theo Luật Xây dựng.

Hơn nữa, do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi xin phép xây dựng, doanh nghiệp thuê môi trường rừng phải phối hợp với chủ rừng để mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ giao đất, giao rừng để xin giấy phép xây dựng.

Theo các nguồn tin, Nghị định 156 sắp tới sẽ được sửa đổi để tháo gỡ khó khăn về thủ tục xin cấp phép xây dựng bằng cách quy định mặt bằng bố trí tại đề án du lịch tương đương với quy hoạch chung xây dựng.

Dự án thuê môi trường rừng làm du lịch cũng sẽ gặp thách thức về huy động vốn vì chủ đầu tư sẽ không có "sổ đỏ" thế chấp tại ngân hàng để vay vốn.

Thời gian thuê môi trường rừng hiện bị giới hạn trong 30 năm cũng làm các nhà đầu tư e ngại vì ngắn hơn nhiều so với các dự án du lịch thông thường.

Mặt khác, với phương án thuê môi trường rừng, Nghị định 156/2018/NĐ-CP đã đưa ra quy định khung cho việc xây dựng các công trình là phải tuân thủ nguyên tắc không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng, các công trình phải dựa vào thiên nhiên, hài hoà với cảnh quan môi trường.

Nghị định chỉ cho phép chủ đầu tư xây dựng công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, những nơi có cây bụi không có khả năng tự phục hồi, đồng thời, chịu trách nhiệm bảo tồn, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trên diện tích tổ chức hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.

Các công trình trong rừng chỉ được xây trong các khu vực quy hoạch được phép triển khai du lịch, trong phân khu hành chính dịch vụ và không được cao hơn 12 mét.

Một số kiến nghị sửa đổi Nghị định 156 còn siết chặt hơn các quy định xây dựng dự án dưới tán rừng như giới hạn diện tích xây dựng, quy định dự án chỉ được xây dựng bằng các vật liệu thân thiện môi trường, dễ lắp ghép, tháo dỡ...

Đây là điểm lợi để đảm bảo các dự án thuê môi trường rừng đầu tư quy mô vốn vừa phải, không quá lớn nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường rừng. Tuy nhiên, đó cũng là vướng mắc khiến doanh nghiệp không thể phát triển dự án nghỉ dưỡng chất lượng cao, phục vụ du lịch.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đang theo đuổi dự án thuê môi trường rừng làm khu nghỉ dưỡng cho rằng, một dự án nghỉ dưỡng nếu muốn phát triển bài bản, mang lại hiệu quả đầu tư, thường có quy mô xây dựng lớn, thấp nhất cũng lên tới hàng chục phòng lưu trú và chất lượng phòng đòi hỏi theo tiêu chuẩn cao.

Đó là chưa kể đến việc trong một khu du lịch, những hạng mục phục vụ dịch vụ chung như nhà hàng, dịch vụ sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi giải trí đều không thể thiếu. Những công trình này thường có diện tích rất lớn, lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mét vuông.

Với những quy định chặt chẽ của Nghị định 156 cũng như những dự kiến sửa đổi, các dự án này sẽ không thể phát triển những khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tiêu chuẩn, đẳng cấp cao mà thay vào đó sẽ chỉ là những lều, trại hoặc nhà nhỏ.

Vì thế, các dự án sẽ chỉ có thể phát triển theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, không thể xây dựng những khu nghỉ dưỡng đầy đủ tiện ích, thu hút khách du lịch cao cấp nước ngoài.

Với những vướng mắc trên, việc thuê môi trường rừng để phát triển dự án rất khó cho các doanh nghiệp. Do đó, thay vì thuê toàn bộ môi trường rừng để phát triển dự án du lịch dưới tán rừng, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn một hướng đi khác là chuyển đổi mục đích sử dụng một phần đất rừng sang đất khác.

Tuy nhiên, hướng đi này cũng rất nhiều "chông gai" và sẽ được TheLEADER phân tích trong một bài viết khác.