Thiếu nhà ở giá rẻ đang là vấn đề lớn và nan giải bởi ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng đây không phải là lựa chọn tiềm năng của các chủ đầu tư. Nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền đang biến mất khỏi các trung tâm thành phố lớn. Ảnh: Hoàng Anh.
Các chủ đầu tư buộc phải theo đuổi mức giá bán caoTrong khi một thị trường bất động sản lành mạnh sẽ phát triển chủ yếu các sản phẩm căn hộ bình dân hạng C có giá bán thấp như có thể thấy ở TP.HCM năm 2019, thì tại các thành phố lớn hiện lại chủ yếu là các căn hộ trung và cao cấp.
Theo ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, nguồn cung trong tương lai nhiều khả năng giảm mạnh trên mọi phân khúc và có thể thấy, trong ngắn hạn, các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp tại TP. HCM vẫn là chủ yếu.
Còn tại Hà Nội, nguồn cung nhà ở trung cấp hạng B sẽ vẫn trở nên phổ biến một cách rõ ràng. Cùng với đà tăng giá của phân khúc chung cư, các căn hộ có giá từ 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng chiếm 47% thị phần. Đặc biệt, các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm tới 49% thị phần của thị trường.
Trong khi đó, kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp của căn hộ bình dân giảm 47% mỗi năm. Thị trường Hà Nội ngày càng thiếu hụt các
căn hộ giá rẻ dưới 30 triệu đồng/m2, các sản phẩm này chỉ chiếm 4% nguồn cung mới.
Nguyên nhân của thực trạng này được ông Troy lý giải là do "hiệu ứng tài sản" đang diễn ra trên toàn bộ dân số, với thu nhập ngày càng tăng và nguồn vốn tăng trưởng lớn.
Điều này thể hiện sức mua ngày càng tốt hơn và các chủ đầu tư có thể đưa ra giá bán cao hơn cho các sản phẩm chất lượng tốt hơn.
Thực tế cho thấy, ở cả hai thành phố lớn, nhu cầu tự nhiên hàng năm là khoảng 50.000 ngôi nhà. Đây là kết quả của nhập cư, ra ở riêng của những người trưởng thành và số người trung bình trong một nhà giảm.
Tuy nhiên, thời điểm vừa qua, nguồn cung nhà ở ngày càng khan hiếm khiến nhu cầu về nhà ở đã không được đáp ứng trong một thời gian dài, dẫn đến bị dồn nén, đẩy giá nhà tăng cao.
Trong quý I vừa qua, nguồn cung căn hộ mới tăng 41% theo quý và 99% theo năm với 4.062 căn. Mặc dù đã có sự cải thiện, song số lượng nguồn cung này vẫn ở mức rất thấp.
Bên cạnh đó, quỹ đất để phát triển nhà ở tại cả hai thành phố ngày càng khan hiếm và đắt đỏ hơn. Cùng với đó là sự chậm trễ của thủ tục hành chính, khiến không nhiều dự án được phê duyệt.
Đây cũng là nguyên nhân khiến các chủ đầu tư phải theo đuổi mức giá bán cao hơn để có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận, ông Troy nhận định.
Nhà ở giá rẻ sẽ chỉ có ở khu vực ngoại ôTrước thực trạng này, ông Troy cho rằng, trong thời gian tới, nhà ở vừa túi tiền sẽ được phát triển tại các khu vực vệ tinh. Khi hạ tầng được cải thiện, khoảng cách từ các khu vực này đến trung tâm thành phố sẽ được “kéo gần lại”.
Chi tiêu của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng chiếm đến 6% của GDP, đây là một con số đầy tham vọng. Nhiều dự án hạ tầng này đang cải thiện tính kết nối thông qua các đường bộ, cao tốc, cầu và đường vành đai. Điều này giúp kết nối các khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố, cung cấp cơ sở hạ tầng và tiện ích cho cư dân một cách hiệu quả hơn.
Với việc cung cấp hạ tầng, thời gian di chuyển giảm đi, giúp các khu vực ngoại ô dễ dàng tiếp cận trung tâm của các thành phố. Nhờ đó, có thể tạo ra nhiều nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hơn vì các chủ đầu tư có thể tiếp cận được nguồn đất giá rẻ hơn.
Mức giá của các tỉnh lân cận thấp hơn đáng kể và phù hợp với túi tiền hơn so với các thành phố trung tâm.
Bình Dương và Bắc Ninh là minh chứng rõ ràng cho điều này, cả hai đều có mức giá trung bình khoảng 1.500 USD/m2 căn hộ. Đây là mức giá "phải chăng", phù hợp với đại bộ phận người mua nhà.
Hạ tầng giao thông sẽ giúp các tỉnh lân cận được kéo gần hơn vào các thành phố lớn, giúp các thành phố này tiếp tục được mở rộng. Điều này sẽ tạo cơ hội mua nhà giá rẻ cho người dân chấp nhận di chuyển xa khu vực trung tâm.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc dịch vụ tư vấn Savills Việt Nam cũng rằng, việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo các khu vực ngoại ô “lại gần” với trung tâm thành phố hơn, giúp làm giảm thời gian di chuyển.
Điều này được nhận thấy rõ ràng nhất với mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng như hệ thống Metro, sẽ tạo điều kiện cho phát triển quy mô lớn và mật độ dân cư cao dọc theo tuyến đường, làm cho việc đi lại từ các khu vực ngoại ô trở nên hiệu quả hơn.
Đồng thời, việc phát triển ra khu ngoại ô giúp các chủ đầu tư tiếp cận được nguồn đất giá thấp hơn. Từ đó, họ có thể phát triển nhà ở có giá cả phải chăng hơn, do chi phí đất thấp hơn.
Việc cung cấp hạ tầng giúp giảm thời gian di chuyển và mở ra nhiều sự lựa chọn hơn ở các vùng lân cận, giải quyết được vấn đề về giá cả phải chăng. Hạ tầng giao thông là đòn bẩy quan trọng nhất trong việc thay đổi cấu trúc giá trị của thị trường nhà ở, bà Giang nhận định.