Sẵn sàng chuyển giao 2 ngân hàng '0 đồng'

Theo Dũng Phạm

Thứ năm, 17/10/2024 - 8:37 (GMT+7)

Ban lãnh đạo các ngân hàng trên đều tin tưởng việc nhận chuyển giao sẽ mang lại lợi ích, song mỗi bên lại tìm kiếm những cơ hội khác nhau.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát tài chính và chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại phiên họp Chính phủ tháng 9/2024. Đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém của Việt Nam.

Từ năm 2022, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp xử lý ba ngân hàng mua lại với giá 0 đồng, bao gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), cùng một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là DongA Bank.

Ngoài ra, vào cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Kiểm soát đặc biệt áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngân hàng và hệ thống tín dụng, đồng thời Chính phủ đã tìm kiếm các đối tác và nhà đầu tư có khả năng tái cơ cấu các ngân hàng này.Hai ngân hàng CBBank và OceanBank đã có phương án xử lý cụ thể, với kế hoạch chuyển giao cho các ngân hàng lớn hơn.

Vietcombank và MB sẵn sàng nhận chuyển giao

Đến thời điểm hiện tại, dù chưa công bố chính thức, nhưng các động thái cho thấy khả năng cao Vietcombank sẽ nhận chuyển giao CBBank, còn MB sẽ tiếp nhận OceanBank.

Ngay từ năm 2015, Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank. Đến nay, đã triển khai phương án hỗ trợ kỹ thuật ngân hàng. Năm 2022, Vietcombank đã cho CBBank vay 10.000 tỷ đồng và 6.700 tỷ đồng vào năm 2023.

Trong khi đó, ban lãnh đạo MB cũng từng tiết lộ ngân hàng được chuyển giao có lỗ luỹ kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%. Trong số các ngân hàng trên, Oceanbank là ngân hàng có lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Vietcombank và MB đều khẳng định đã sẵn sàng cho quá trình chuyển giao. Mặc dù việc tái cơ cấu được đánh giá là một thách thức, lãnh đạo của MB và Vietcombank tin tưởng rằng đây sẽ là cơ hội để tăng trưởng và mở rộng quy mô.

MB nhấn mạnh rằng quá trình này sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị, trong khi Vietcombank hướng tới mục tiêu mở rộng tài sản và có các lựa chọn về sáp nhập hoặc bán cổ phần sau khi tái cơ cấu.

Vietcombank dự kiến sẽ thực hiện việc chuyển giao trong năm 2024, với các phương án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ.

Các ngân hàng tham gia tái cơ cấu có thể được hưởng nhiều ưu đãi từ NHNN, bao gồm vay lãi suất ưu đãi, không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng, và nới lỏng các yêu cầu về an toàn hoạt động. Những lợi ích này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao và hỗ trợ các ngân hàng lớn mở rộng quy mô nhanh chóng.

Theo The Leader