Nắm bắt thông tin về lĩnh vực Bất động sản nhanh nhất
Nói không với 'cắt máu': Môi giới bất động sản thích nghi thời đại số
Hứa Phương
Thứ hai, 2/12/2024 - 15:01 (GMT+7)
Không chỉ đáp ứng yêu cầu chứng chỉ, hiểu luật, môi giới bất động sản còn phải cập nhật, ứng dụng những công nghệ mới vào công việc để thích nghi với thời đại số.
Thay đổi để thích nghi
Môi giới bất động sản đang đứng trước bước ngoặt lớn khi phải đối mặt với những thay đổi từ khung pháp lý mới, đòi hỏi các yêu cầu chặt chẽ hơn về chứng chỉ hành nghề và trình độ chuyên môn.Cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ với trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng số đang thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của nghề môi giới, khi khách hàng giờ đây có thể dễ dàng tự tìm kiếm thông tin trong việc định giá, phân tích thị trường.Những thay đổi này đòi hỏi nhà môi giới bất động sản phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, từ pháp lý đến công nghệ mới có thể tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số.Thay vì xem công nghệ như mối đe dọa, môi giới cần coi đây là công cụ để mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Những môi giới chấp nhận thích nghi và đổi mới sẽ có cơ hội vươn lên dẫn đầu, còn những người trì trệ với phương thức làm việc cũ sẽ dần bị thị trường đào thải.Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, nghề môi giới hiện đang trải qua giai đoạn chuyển mình nên phải thay đổi để thích nghi.Không chỉ đối mặt với sự bất ổn của thị trường và các yêu cầu pháp lý ngày càng khắt khe, nghề này còn chịu tác động mạnh mẽ từ làn sóng công nghệ mới như AI hay Tiktok, đang thay đổi toàn diện cách thức hoạt động.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài, ông Huỳnh Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản ERA Việt Nam cho biết, công nghệ như AI không thay thế con người mà chỉ là công cụ hỗ trợ.Công nghệ giúp giảm tải công việc, nâng cao hiệu suất, nhưng những kỹ năng như tư vấn, xây dựng mối quan hệ và hiểu tâm lý khách hàng thì AI chưa thể làm được, ông Hải nói.Việc sử dụng Tiktok trong bất động sản có thể giúp xây dựng nhận diện nhanh chóng, nhưng để tạo giá trị lâu dài, cần kết hợp với các nền tảng khác.Luật sư Lê Trọng Thêm, Giám đốc điều hành Công ty Luật LTT và các cộng sự phân tích, Luật Đất đai 2024 đã có những thay đổi đột phá, khi không chỉ định hình lại cách thức hoạt động của nghề môi giới mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa.Cụ thể, cá nhân hành nghề bắt buộc phải làm việc trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới hoặc sàn giao dịch bất động sản, đồng thời phải trải qua đào tạo và thi sát hạch trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề.“Luật mới hướng tới sự minh bạch và trách nhiệm trong giao dịch, giúp củng cố niềm tin từ khách hàng, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn về kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên môn”, luật sư Thêm nói thêm.
Tuyên chiến với 'cắt máu'
Dù từng bị gắn mác “cò đất” đầy định kiến, nghề môi giới đang dần được chuyên nghiệp hóa thông qua sự hỗ trợ từ luật pháp, các tổ chức đào tạo, và những nỗ lực nâng cao chất lượng từ chính các doanh nghiệp.Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển bền vững, các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi giới buộc phải tự nâng cấp không ngừng để đi đến chuyên nghiệp hoá.Trong đó, vấn đề nổi cộm cần loại bỏ ngay lập tức để làm trong sạch thị trường là việc nhân viên môi giới chia bớt phần trăm hoa hồng của mình cho khách hàng, hay còn gọi là “cắt máu”.Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đông Tây Land nhìn nhận, "cắt máu" là vấn đề không phổ biến trên diện rộng mà mang tính chất văn hoá doanh nghiệp.“Cắt máu” không tồn tại ở Đông Tây Land, theo ông Bình. Công ty tập trung đầu tư vào nhân viên để mang lại giá trị lâu dài cho khách hàng. Nhân viên muốn chăm sóc khách hàng đòi hỏi phải có cả quá trình nên cần có kinh phí để theo đuổi, nếu "cắt máu" sẽ không còn đủ chi phí để chăm sóc nữa.Khách hàng nào đề nghị “cắt máu” thì Đông Tây Land không bán hàng nữa. “Thay vì “cắt máu”, Đông Tây Land sẽ tri ân khách hàng bằng những phân quà có giá trị khác”, ông Bình nói.Đồng tình, bà Phạm Thị Nguyên Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ bất động sản Đất Xanh cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp không bật “đèn xanh” sẽ không dám "cắt máu". Nhân viên bị phát hiện có hành vi này sẽ bị đuổi vì không phù hợp với văn hoá của doanh nghiệp.Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EximRS khẳng định, EximRS nói không với “cắt máu”, bởi vì phí môi giới là "nhựa sống" của doanh nghiệp, nếu cắt thì không còn gì để sống.Bà Tú cho biết EximRS chuyên phân phối độc quyền, nếu sàn F1 nào bị phát hiện “cắt máu”, công ty sẽ cắt luôn quyền phân phối. Nhân viên bị phát hiện cũng sẽ bị cắt hợp đồng ngay lập tức.