Nhóm ngành nào bứt phá với làn sóng tăng vốn năm 2025?
Theo Diễm Ngọc
Thứ năm, 27/3/2025 - 8:48 (GMT+7)
Năm 2025, làn sóng tăng vốn của doanh nghiệp đang trở thành một xu thế nổi bật, đồng thời cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho nhà đầu tư.
Tăng vốn là hoạt động tài chính không còn xa lạ với nhà đầu tư trên thị trường tài chính, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường thuận lợi. Tuy nhiên trong quá khứ, không ít doanh nghiệp đã từng tăng vốn nhưng lại không đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã cam kết. Điều này làm dấy lên mối nghi ngại liệu đợt tăng vốn sắp tới của các doanh nghiệp có thực sự tạo ra giá trị?
Trong làn sóng tăng vốn, Vietcombank (VCB) được đánh giá là một ví dụ thành công tiêu biểu
Theo nhận định của các chuyên gia, bối cảnh năm 2025 - 2026 có thể tạo ra sự khác biệt. Sau giai đoạn thắt chặt thanh khoản, thị trường chứng khoán (TTCK) bước vào giai đoạn hồi phục nhờ ổn định vĩ mô, mặt bằng lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng tích cực và kỳ vọng dòng vốn đầu tư công lan tỏa. Những điều kiện này tạo nền tảng để các doanh nghiệp chủ động huy động vốn phục vụ các mục tiêu phát triển trung và dài hạn.Quan trọng hơn, thị trường đang trở nên phân hóa. Nhà đầu tư không còn chạy theo phong trào mà chú trọng đến bản chất các đợt tăng vốn nhằm mục tiêu gì, có khả thi không và ai là người tham gia vào kế hoạch đó.Hiện nay, nhóm ngân hàng được đánh giá là dẫn đầu xu hướng tăng vốn năm 2025. Để đáp ứng chuẩn Basel III và các yêu cầu an toàn vốn ngày càng khắt khe, hầu hết các ngân hàng đều lên kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu, chủ yếu thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược.Ông Phan Nguyễn Hữu Phương, CTCK DNSE đánh giá trong làn sóng này, Vietcombank (VCB) là một ví dụ tiêu biểu. Đợt phát hành thành công gần đây đã giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đồng thời tăng khả năng tài trợ cho các dự án hạ tầng trọng điểm. Trong bối cảnh đầu tư công đang được Chính phủ đẩy mạnh, những ngân hàng có tiềm lực vốn tốt sẽ giữ vai trò then chốt trong dòng chảy tín dụng của nền kinh tế. Giá cổ phiếu VCB cũng ghi nhận mức tăng tích cực sau phát hành, phản ánh niềm tin của thị trường.Ngoài ra, các ngân hàng khác như VIB, ACB, NCB,… cũng sắp trình kế hoạch tăng vốn, đi kèm chiến lược kinh doanh rõ ràng. Tuy giá cổ phiếu ngành ngân hàng hiện ở vùng cao hơn quá khứ, nhưng với triển vọng tín dụng ổn định và khả năng sinh lời duy trì tốt, đây vẫn là nhóm có khả năng dẫn dắt thị trường trong trung hạn.
Trong giai đoạn này, nhà đầu tư sẽ dễ dàng đón nhận việc tăng vốn của doanh nghiệp hơn là ở những thời điểm thị trường không thuận lợi
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, như trường hợp của Hòa Phát (HPG) cũng cho thấy một hình mẫu tăng vốn thành công. HPG huy động vốn để xây dựng nhà máy mới, đảm bảo tiến độ thi công, đưa vào hoạt động đúng kế hoạch, từ đó nâng cao công suất và kết quả kinh doanh.“Chúng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là kế hoạch tăng vốn phải đi kèm với một kế hoạch kinh doanh thực sự ấn tượng, thì doanh nghiệp mới thu hút được các nhà đầu tư. Vào thời điểm 2025-2026, khi thị trường ấm lên, là thời điểm tốt cho các doanh nghiệp thực hiện tăng vốn”, ông Phương nhấn mạnh.Riêng với lĩnh vực bất động sản, vị chuyên gia cho biết có nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu tăng vốn. Đại hội năm nay có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, vì họ rất "nhạy" trong bối cảnh thị trường ấm lên như hiện nay và năm sau.“Về kinh nghiệm, trong giai đoạn này, nhà đầu tư sẽ dễ dàng đón nhận việc tăng vốn của doanh nghiệp hơn là ở những thời điểm thị trường không thuận lợi như năm 2022 - 2023. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ ưu tiên cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu hơn là phát hành cho cổ đông hiện hữu. Cổ phiếu thưởng hoặc chia tách cổ phiếu là những cơ hội mà giá cổ phiếu sẽ tăng tốt hơn so với phát hành cho cổ đông hiện hữu, vì khi phát hành cho cổ đông hiện hữu, cổ phiếu sẽ phải chờ lâu hơn. Đây là tâm lý của nhà đầu tư”.Không nằm ngoài xu thế, nhóm công ty chứng khoán cũng đồng loạt công bố kế hoạch tăng vốn lớn. Một số doanh nghiệp nổi bật có thể kể đến như: CTCK Rồng Việt (VDS) dự kiến tăng vốn từ 2.400 tỷ đồng lên 3.200 tỷ đồng, hay CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS) dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 17.000 tỷ đồng.Động cơ chính của các đợt tăng vốn này là nhằm mở rộng dư nợ cho vay ký quỹ (margin), đầu tư vào công nghệ, mở rộng nghiệp vụ tự doanh hoặc môi giới. Dù vậy, bài toán đặt ra là làm sao duy trì ROE trong bối cảnh vốn chủ sở hữu tăng quá nhanh. Nếu hiệu quả sử dụng vốn không tương xứng, tỷ suất sinh lời suy giảm sẽ khiến cổ phiếu kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.Ông Nguyễn Thế Minh, CTCK Yuanta Việt Nam khuyến nghị, khi xem xét cổ phiếu chứng khoán, nhà đầu tư nên tập trung vào các công ty có chiến lược tăng vốn gắn liền với tăng trưởng thị phần, năng lực quản trị rủi ro tốt và đội ngũ phân tích, môi giới mạnh. Đây là những yếu tố then chốt để duy trì biên lợi nhuận cao trong một thị trường đang dần cạnh tranh gay gắt trở lại.Làn sóng tăng vốn năm 2025 là một dấu hiệu cho thấy niềm tin đã dần quay trở lại thị trường; Nhưng thị trường hiện nay không còn dễ dãi. Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đằng sau mỗi đợt tăng vốn, từ mục tiêu huy động, kế hoạch triển khai, đến khả năng thực thi của ban lãnh đạo.Nhìn chung, ngân hàng và sản xuất là hai nhóm ngành đang được đánh giá cao về khả năng chuyển hóa vốn thành kết quả kinh doanh cụ thể. Riêng ngành chứng khoán sôi động nhưng cần theo dõi sát khả năng giữ vững ROE; Trong khi ngành bất động sản có thể hồi phục, song cần thời gian để lấy lại niềm tin thông qua hành động thực tế.Đối với nhà đầu tư, năm 2025 không chỉ là thời điểm để tìm kiếm cổ phiếu “có kế hoạch tăng vốn”, mà là lúc để lựa chọn cổ phiếu có kế hoạch tăng vốn thực tế, khả thi và tạo ra giá trị. Chỉ khi đó, tăng vốn mới thực sự là cơ hội chứ không phải rủi ro tiềm ẩn.