Ngân hàng Nhà nước bán thêm 10.000 tỷ đồng tín phiếu
Trong ba phiên giao dịch gần đây, NHNN đã hút về gần 30.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu.Trong ngày 25/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại tiếp tục hút thêm 10.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 0,49%/năm.Trước đó, trong hai phiên giao dịch cuối tuần trước, NHNN đã hút 19.995 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Cụ thể, ngày 21/9, NHNN đấu thầu được 9.995 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất 0,69%/năm, trong khi vào ngày 22/9, NHNN bán ra thêm 10.000 tỷ đồng tín phiếu nữa với lãi suất 0,5%/năm.Mức lãi suất trúng thầu tín phiếu của ngày 25/9 đang cao hơn lãi suất bình quân liên ngân hàng (đạt 0,17%/năm vào ngày 22/9).Như vậy, trong ba phiên giao dịch liên tiếp, NHNN đã hút gần 30.000 tỷ đồng ra khỏi thị trường. Theo các chuyên gia, động thái hút tiền của NHNN sẽ hỗ trợ lãi suất liên ngân hàng nhích lên, từ đó góp phần làm giảm áp lực tỷ giá.Sau khi NHNN đấu thầu tín phiếu đã ghi nhận lãi suất liên ngân hàng nhích nhẹ từ 0,14%/năm lên 0,17%/năm vào ngày 22/9.Việc NHNN hút tiền trở lại làm dấy lên sự lo ngại về khả năng thay đổi trong chính sách tiền tệ trong thời gian tới, khi áp lực tỷ giá có thể đẩy lãi suất tăng trở lại.Mặc dù vậy, theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu của FiinGroup, ở thời điểm hiện tại khi thanh khoản hệ thống đang dư thừa, động thái hút ròng của NHNN nên được xem xét trong mối tương quan với diễn biến về tỷ giá.Động thái này cho thấy NHNN sẵn sàng can thiệp để “hạ nhiệt” tỷ giá và theo đó, được kỳ vọng sẽ giữ chân dòng tiền ngoại đang cân nhắc rút ra hoặc tạo cú hích cho dòng tiền ngoại đang chờ đợi giải ngân.Động thái phát hành tín phiếu của NHNN nên được nhìn nhận với góc độ tích cực hơn là tiêu cực. Nếu so với giá trị hút ròng qua kênh tín phiếu thời điểm tháng 2, tháng 3 lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng thì gần 30.000 tỷ đồng chưa không phải là một con số quá lớn.Bên cạnh đó, việc có nhiều ngân hàng đấu thầu và trúng thầu cho thấy thanh khoản hiện tại rất dư thừa. Đây là điều hành hợp lý trong bối cảnh này, để tránh sự dư thừa, gây lạm phát trong nền kinh tế.Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá không phải vấn đề đáng ngại thời điểm hiện tại khi NHNN đang ở thế chủ động.Khác với thời điểm cuối năm ngoái, Fed tăng lãi suất dồn dập mà Việt Nam không tăng dẫn đến tỷ giá tăng mạnh còn năm nay, Fed đã ở cuối chu kỳ tăng lãi suất, NHNN cũng đã dự liệu và có những biện pháp phòng bị.Bên cạnh đó, bối cảnh năm nay đã khác, hệ thống ngân hàng ổn định, cán cân vãng lai thặng dư tốt, hiện Việt Nam đang xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, đầu tư FDI cũng có dấu hiệu rất tích cực trong hai tháng gần đây.