Lãnh đạo Đất Xanh 'tham vọng' bán 9 triệu cổ phiếu ESOP giá 0 đồng
Năm 2021, Đất Xanh cũng lên kế hoạch phát hành 7 triệu cổ phiếu cho người lao động với cùng mức giá 0 đồng nhưng bị cổ đông phản ứng quyết liệt sau đó phải tăng giá bán lên 10.000 đồng/ cổ phiếu.Mới đây, HĐQT Tập đoàn Đất Xanh đã thông qua nghị quyết về việc phát hành 9 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá 0 đồng, tương ứng 1,48% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty.Động thái này giúp ban lãnh đạo Đất Xanh kỳ vọng sẽ giúp khuyến khích, động viên, tăng cường sự gắn bó giữa cán bộ nhân viên và công ty sau đợt khủng hoảng khiến công ty phải cắt giảm hơn 1.300 nhân sự trong thời gian qua.Theo kế hoạch, thời gian phát hành vào ngày 27/12 tới, nguồn vốn phát hành cổ phiếu được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm 2022.Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng từ 1 - 4 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, tiến độ giải tỏa là 25% mỗi năm.Liên quan đến phát hành cổ phiếu ESOP, hồi giữa năm 2021, Đất Xanh cũng lên kế hoạch phát hành 7 triệu cổ phiếu cho người lao động với cùng mức giá 0 đồng.Khi đó, Đất Xanh nhận sự phản ứng mạnh mẽ của các cổ đông bởi số lượng phát hành chiếm hơn 1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành nhưng không thu về đồng nào. Trong khi đó, giá trên sàn khoảng 29.000 đồng/cổ phiếu khi Đất Xanh công bố kế hoạch phát hành.Nhiều ý kiến cổ đông khi đó cho rằng ban lãnh đạo Đất Xanh đã không đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên bao gồm cổ đông hiện hữu, cán bộ công nhân viên và các nhà đầu tư khác.Cổ phiếu DXG khi đó đã chịu áp lực điều chỉnh trong nhiều tháng liền. Sau đó, ban lãnh đạo Đất Xanh đã phải điều chỉnh phương án phát hành ESOP từ 0 đồng lên 10.000 đồng/cổ phiếu để xoa dịu tình hình.Xét về bản chất, ESOP là một hình thức sử dụng nguồn lực của chính công ty để thưởng cho những nỗ lực cống hiến hiệu quả và tăng sự gắn kết của các cán bộ công nhân viên, ban lãnh đạo công ty, nhưng đồng thời cũng sẽ làm giảm lợi ích của cổ đông, gây áp lực pha loãng cổ phiếu lưu hành.Tuy nhiên, thông tin phát hành ESOP của Đất Xanh lại diễn ra sau khi công ty đón nhận kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm đáng kể trong năm 2023.Cụ thể, sau chín tháng đầu năm, Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.305 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Dù công ty đã đẩy mạnh cắt giảm nhân sự để giảm chi phí nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 84% còn 150 tỷ đồng.Lần này, Đất Xanh có thể gặp phải phản ứng tương tự của nhà đầu tư. Sau khi chịu áp lực lớn về sự sụt giảm của kết quả kinh doanh, nay lại chịu thêm áp lực “pha loãng” với hàng triệu cổ phiếu được phát hành mới.Cũng liên quan tới kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, Đất Xanh mới đây đã chốt quyền chào bán 101 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 6:1) với giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu.Dự kiến Đất Xanh có thể thu về số tiền hơn 1.220 tỷ đồng sử dụng để góp vốn vào Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An và thanh toán các chi phí của công ty.
Ở các thị trường tài chính phát triển, ESOP được coi là một khoản chi phí dùng để thưởng cho cán bộ công nhân viên đã nỗ lực cống hiến cho công ty, và sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.Ở Việt Nam, ESOP chưa được hạch toán như một khoản chi phí, theo đó không ảnh hưởng tới lợi nhuận, chỉ làm giảm EPS vì lượng cổ phiếu tăng lên. Nhưng về bản chất, ESOP là một hình thức lấy tiền của cổ đông chia lại cho cán bộ công nhân viên, nhiều trường hợp, cụ thể là chia cho các lãnh đạo, ban điều hành công ty.Chính vì vậy, nếu ESOP không được xây dựng thực sự hướng đến mục tiêu tạo động lực cho cán bộ công nhân viên, qua đó khuyến khích họ tiếp tục thúc đẩy, tạo động lực để họ tạo ra giá trị lớn hơn cho cổ đông, thì không đạt được mục tiêu của ESOP.Đây là lý do mà tại nhiều Đại hội đồng cổ đông trong quá khứ đã không thông qua tờ trình về ESOP nếu HĐQT không có thông tin minh bạch hơn về danh sách những cán bộ công nhân viên được nhận với mức giá và giới hạn chuyển nhượng hợp lý và kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận không đủ thuyết phục đưa ra tiêu chuẩn phát hành gói ESOP.