Lãi suất tăng thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Việc ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại sẽ là chất xúc tác để doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cố định nhằm hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp hiện nay.Trong báo cáo triển vọng trái phiếu vừa công bố, FiinRatings ghi nhận, trong tháng 5 và tháng 6, lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các ngân hàng tư nhân đã tăng lần lượt 19 và 17 điểm phần trăm so với tháng liền trước.Với các ngân hàng quốc doanh, lãi suất vẫn đi ngang, tạm thời chưa ảnh hưởng đến chi phí lãi đối với các trái phiếu có lãi suất thả nổi neo theo mức tham chiếu là lãi suất tiết kiệm trung bình của nhóm 4 ngân hàng quốc doanh lớn (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank).Mặc dù vậy, việc thanh khoản bớt dư thừa trong hệ thống cũng sẽ dẫn tới việc các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất huy động trong thời gian tới, gây rủi ro đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi.Trái chủ của các trái phiếu này sẽ phải đối mặt với chi phí lãi cao hơn và cần cân đối dòng tiền để trả lãi."Xu hướng lãi suất đảo chiều cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kế hoạch huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp trong năm nay", FiinRatings dự báo.Nhóm phân tích đánh giá, lãi suất tăng sẽ là chất xúc tác để doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cố định nhằm hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp hiện nay. Trong đó, nhóm khả dĩ cao là trái phiếu được bảo lãnh bởi các tổ chức quốc tế uy tín hoặc trái phiếu của các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao.Thống kê về thị trường trái phiếu thứ cấp của FiinRatings cho thấy, trong tháng 5/2024, tổng giá trị giao dịch trái phiếu gồm cả trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ đạt hơn 106 nghìn tỷ đồng, tăng 43,7% so với tháng trước.Nhóm ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn khối lượng giao dịch của tháng, với tỉ trọng lần lượt đạt 51,3% và 23,4%.Trái phiếu bất động sản có khối lượng giao dịch tăng 18% trong bối cảnh thị trường bất động sản tỏ dấu hiệu hồi phục từ loạt dự án được khởi động ở khu vực phía Nam như TP. HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An và khu vực miền Bắc như tại các tỉnh quanh Hà Nội.Bất động sản có tín hiệu phục hồi cũng là tiền đề thúc đẩy các ngành liên quan như xây dựng và vật liệu, du lịch và giải trí...Đối với nhóm ngân hàng, lãi suất trái phiếu chủ yếu dao động trong khoảng 5-9% tùy theo kỳ hạn còn lại. Đối với nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng, lãi suất bình quân năm chủ yếu dao động từ 7-13%, phần lớn tập trung ở các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu và lịch sử hoạt động đã được chứng minh như Vinhomes, Nam Long, Khang Điền hay Becamex. Đây cũng là nhóm trái phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường.Cùng với sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024. Đây cũng là một động lực giúp tăng trưởng tín dụng hoàn thành mục tiêu 14-15% cả năm theo chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước.Các yếu tố khác bao gồm xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại nhờ kinh tế tại các thị trường chính phục hồi, dẫn tới tăng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu.Tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong đó bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bởi các ngân hàng thương mại, hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Ngoài ra, các bộ luật mới được thông qua được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.Cuối cùng, bản thân các ngân hàng cũng cần tăng vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng trong nửa cuối năm. Ngân hàng sẽ cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, FiinRatings cho rằng, hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng sẽ nhộn nhịp hơn trong thời gian tới.
Theo Tạp chí điện tử Nhà Quản trị
(https://theleader.vn/lai-suat-tang-thuc-day-doanh-nghiep-phat-hanh-trai-phieu-1719290220519.htm)