HoREA: 4 góp ý hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai
Công tác đăng ký đất đai và công tác cập nhật biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất chiếm khối lượng công việc lớn nhất của các địa phương, đòi hỏi sự chính xác cao và quy trình chuẩn.Bộ Tài nguyên Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin về đất đai. HoREA nhận thấy, công tác đăng ký đất đai đòi hỏi sự chính xác cao và chiếm khối lượng công việc lớn nhất của các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ tài sản và làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định xã hội.Điển hình riêng TP.HCM có đến hơn 1,8 triệu thửa đất, chỉ tính riêng công tác đăng ký biến động nhà đất thì Sở Tài nguyên Môi trường và 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã giải quyết 320.729 hồ sơ cho tổ chức và cá nhân chỉ trong năm 2023.Bên cạnh đó, trong 2 năm 2022 - 2023, TP.HCM đã cấp Giấy phép xây dựng lần lượt là 30.265 và 21.700 Giấy phép xây dựng, mà hồ sơ cấp phép xây dựng đều phải có bản đồ hiện trạng sử dụng đất.Sau khi nghiên cứu, HoREA cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị định và đưa ra một số góp ý:Thứ nhất, đề nghị sửa đổi, bổ sung tiêu đề Điều 4 quy định hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất gồm: Đo đạc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất dưới hình thức bản vẽ vị trí đất, bản vẽ vị trí nhà, đất, bản vẽ vị trí đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất khi thực hiện tách thửa đất, hợp thửa đất thực hiện đối với thửa đất đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 220 của Luật Đất đai hoặc để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất hoặc để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc để bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất hoặc để cấp Giấy phép xây dựng hoặc để bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người sử dụng hoặc theo yêu cầu của tòa án hoặc trưng cầu giám định của cơ quan tư pháp, trọng tài kinh tế.Bởi lẽ, khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai 2024 mới chỉ quy định bản đồ hiện trạng sử dụng đất là bản đồ thể hiện sự phân bổ các loại đất tại một thời điểm xác định được lập theo đơn vị hành chính các cấp, theo từng vùng kinh tế - xã hội, nhưng chưa quy định bản đồ hiện trạng sử dụng đất còn nhằm để thực hiện các yêu cầu, nhu cầu đa dạng của người sử dụng đất và các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức dưới các hình thức bản vẽ.Một là, bản vẽ vị trí đất theo nhu cầu của người sử dụng đất thường sử dụng để xin tách thửa đất, hợp thửa đất như quy định tại điểm g khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị định hoặc để xin cấp Giấy phép xây dựng.Hai là, bản vẽ vị trí nhà, đất, bản vẽ vị trí đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu, nhu cầu của người sử dụng đất hoặc của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức thường sử dụng.Theo định hướng của Chính phủ thì các Nghị định sẽ quy định chi tiết để người dân, doanh nghiệp sẽ chỉ tuân thủ pháp luật căn cứ vào các quy định của Luật, Nghị định nên trong thời gian tới đây sẽ có trường hợp chỉ có Nghị định mà không có Thông tư. Trường hợp ban hành Thông tư thì Thông tư chủ yếu là hướng dẫn trình tự, thủ tục để cán bộ, công chức nhà nước thực thi pháp luật.Do vậy, rất cần thiết sửa đổi, bổ sung sửa đổi, bổ sung tiêu đề Điều 4 và sửa đổi, bổ sung phần mở đầu của khoản 2 và điểm g khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị địnhnhư đề xuất trên đây. Thứ hai, đề nghị bổ sung khoản 1 Điều 23 dự thảo Nghị định quy định trường hợp đăng ký cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo Điều 18 và Điều 19 của Nghị định này. Do bổ sung khoản 1 nên Hiệp hội đề nghị sửa đổi thứ tự các khoản của Điều 23 dự thảo Nghị định.Đề xuất như trên nhằm bảo đảm tính logic của dự thảo Nghị định, bởi lẽ trường hợp cấp Giấy chứng nhận lần đầu thì đương nhiên là phải cấp mới Giấy chứng nhận.Thứ ba, đề nghị cho phép trường hợp người sử dụng đất không làm đơn đăng ký thì cơ quan chuyên môn thực hiện việc tuyên truyền, vận động người sử dụng đất làm đơn đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.Trên thực tế có những thửa đất đã được người dân sử dụng từ rất lâu đời và người sử dụng đất không muốn hoặc không có nhu cầu chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng thửa đất đó, ví dụ như Làng cổ Đường Lâm có tuổi đời hơn 1.000 năm, ổn định nên có thể có một số trường hợp người sử dụng đất không có nhu cầu làm đơn đăng ký đất đai.Do vậy, đề xuất trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất và cũng là điều kiện để tạo vốn làm ăn, vừa giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai.Thứ tư, đề nghị xác định cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải được kết nối liên thông, tích hợp với cơ sở dữ liệu lớn quốc gia (Big data) và với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, mà trước hết là phải tích hợp với cơ sở dữ liệu về dân cư theo Đề án 06 và tích hợp dữ liệu điện tử VNeID.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
https://diendandoanhnghiep.vn/horea-4-gop-y-hoan-thien-he-thong-thong-tin-dat-dai-264712.html