Giá nhà đất 'cao bất thường' làm nóng nghị trường Quốc hội

Theo Phương Linh

Thứ ba, 29/10/2024 - 9:39 (GMT+7)

Một số đại biểu Quốc hội chỉ ra tình trạng đầu cơ thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người mua để trục lợi.

Giá nhà đất tăng bất thường

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 sáng 28/10, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã quan ngại về thực trạng giá nhà ở tăng cao một cách vô lý và bất thường.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn tỉnh Bắc Kạn, thị trường bất động sản vừa mới phục hồi, lại đang xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao trong thời gian qua, nhất là Hà Nội và TP. HCM.

Từ đầu năm đến nay, giá nhà đất liên tục leo thang ở tất cả các phân khúc, từ chung cư đến nhà liền kề, đến biệt thự. Đặc biệt là sự tăng giá đột biến ở các chung cư cả chung cư mới và cũ, mức giá đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước đây.

Không chỉ ở các khu vực trung tâm thành phố, sức nóng đang lan dần sang các thị trường quận, huyện vùng ven đô, đại biểu này nhận xét.

Bên cạnh đó, thị trường còn nóng lên câu chuyện đấu giá đất ở một số huyện vùng ven Hà Nội. Mức giá trúng lên tới hơn 100 triệu/m2, tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng và liên tục thiết lập mặt bằng mới, vượt xa thu nhập của đại bộ phận người dân.

"Giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua là vô lý và bất thường", bà Thuỷ lo lắng về hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cũng nhấn mạnh vấn đề nổi cộm của thị trường bất động sản hiện nay là giá nhà ở tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên, vượt quá mức thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu thực.

Chênh lệch giữa giá nhà ở và thu nhập của người dân còn quá lớn, giá nhà ở bình quân bằng 25 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực đô thị.

Ông Cường chỉ ra rằng, đây là vấn đề bất ổn, bởi thu nhập từ bất động sản thấp nhiều so với giá vốn đầu tư.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chỉ ra một vấn đề nghịch lý khác của thị trường nhìn từ cân đối cung cầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá bất động sản tăng cao do thiếu hụt nguồn cung, song Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Hiện, chúng ta không thiếu nhà ở, cung nhiều, nhu cầu cũng có, nhưng khả năng thanh toán của người mua nhà là khó”.

Nguồn cung bất động sản dồi dào, song cơ cấu sản phẩm bất động sản không hợp lý. Nói cách khác, thị trường bất động sản thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội có giá hợp lý chứ không thiếu nguồn cung chung của cả thị trường.

Minh chứng là từ thời điểm cuối năm 2023 đến nay, phân khúc căn hộ chung cư gần như không có dự án căn hộ bình dân giá dưới 25 triệu/m2. Giá chung cư mở bán mới tại Hà Nội ở mức gần 70 triệu đồng/m2.

Giá nhà đất tại Hà Nội tăng dựng đứng từ đầu năm đến nay. Ảnh: Hoàng Anh Giá nhà đất tại Hà Nội tăng dựng đứng từ đầu năm đến nay. Ảnh: Hoàng Anh
Đầu cơ thổi giá

Vậy nguyên nhân nào đã đẩy giá bất động sản, nếu không phải do thiếu hụt cung - cầu? Bên cạnh vướng mắc về thể chế, chính sách, định giá đất, đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn tỉnh Quảng Nam cho rằng, có dấu hiệu lũng đoạn, thổi giá bất động sản.

Ông Hạ nêu thực tế thị trường bất động sản có dấu hiệu bị thao túng, tạo ra bong bóng của một nhóm lợi ích. Thị trường bất động sản xuất hiện yếu tố bất thường, khi tăng giá đột ngột, gấp 2-3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân.

Đồng quan điểm, theo ông Cường, giá bất động sản cao bất thường do người mua bất động sản để tích lũy tăng cao khiến dòng tiền đẩy vào bất động sản cao, không chảy vào kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, các lực lượng trên thị trường như môi giới, nhà đầu tư cố tình đẩy giá lên cao để kiếm lợi nhuận.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, thị trường bất động sản ở thời điểm này đang "sốt giá", nhưng nhu cầu ở thực không nhiều.

Người dân không có nhu cầu cao với nhà ở cao cấp, trong khi đó nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp thì rất cần nhưng lại không xây dựng để bán.

Ông Hoà dẫn chứng, giai đoạn sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản giảm mạnh thanh khoản, nhiều doanh nghiệp ưu đãi, chiết khấu, hạ giá bán nhưng vẫn ít người mua thực.

Còn hiện nay, các khách hàng trên thị trường chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê, có người mới vừa mua thì đã sang tay chốt lời. "Thị trường bất động sản hư hư, thực thực, khó định giá", ông Hoà nhận định.

Cùng chung quan điểm cho rằng, tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua, theo bà Thuỷ, một số nhà đầu tư thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi.

Mặt khác, trong bối cảnh thị trường bất động sản thiếu các sản phẩm đầu tư, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đóng băng thanh khoản, một bộ phận người dân đã mua nhà đất để chờ tăng giá, để bán lại kiếm lời.

Cần 'bàn tay' giữ nhịp thị trường

Để kiểm soát giá bất động sản, ông Cường đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chính sách để quản lý minh bạch, hiệu quả hoạt động của thị trường.

Ông Cường đề nghị các cơ quan quản lý thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá bán lần đầu trên thị trường thứ cấp.

Các sàn giao dịch bất động sản tại một số thành phố lớn cần được xây dựng cơ chế quản lý chuyên nghiệp nhằm quản lý minh bạch hoạt động của thị trường.

Về phát triển nhà ở xã hội, ông Cường cho rằng, người có thu nhập thấp thường không đủ khả năng tích lũy để mua nhà, thậm chí không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng.

Do đó, Chính phủ cần tăng cung nhà ở xã hội để bán, thuê dành cho người thu nhập thấp, để họ có nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động.

Đồng thời, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay. Nếu những vướng mắc này thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì báo cáo cấp có thẩm quyền để sớm được tháo gỡ.

Cùng với đó, bà Thuỷ kiến nghị Chính phủ nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất như trong thời gian vừa qua.

Nhìn nhận từ góc độ thị trường, đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn tỉnh Đồng Nai cho rằng, giá bất động sản sẽ có chu kỳ lên xuống.

Nếu nhìn nhận giá đất theo biến động thị trường, không hẳn giá đất cao là không tốt, giá đất thấp là tốt, mà còn tùy vào mức độ cao thấp với từng phân khúc để phân tích, có phản ứng chính sách phù hợp giúp tăng thu ngân sách, đầu tư một cách tập trung và hợp lý.

Việc cần làm của Chính phủ là duy trì nhịp độ, giữ tính quy luật, hạn chế những tăng giảm đột ngột, bất thường. Trong đó, trách nhiệm của nhà nước là tạo ra sân chơi, môi trường bình đẳng cho thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Cùng với đó, hoạt động thị trường cần đảm bảo công khai, minh bạch bằng cách tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch bất động sản.

Về mặt thuế, Chính phủ đã đề xuất nhiều lần việc thiết lập thuế tài sản đối với các cá nhân sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản. Hiện nay là thời điểm chín muồi để áp dụng loại thuế này nhằm ổn định mức giá của thị trường, chống đầu cơ, ông An nhận định.

Theo The Leader