Đủ cơ sở để thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản từ ngày 1/8
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết các nghị định, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ được ban hành trong tháng 6/2024.
Đảm bảo tiến độ các Nghị định thi hànhThừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Đây là những luật dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét (có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1/8/2024, thay vì từ ngày 1/1/2025) thông qua tại đợt 2, Kỳ họp thứ 7 này theo trình tự, thủ tục rút gọn.Về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 3 luật trên, Luật Đất đai, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định các văn bản quy định chi tiết theo các văn bản này đã được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được ban hành trong tháng 6/2024 khi Quốc hội thông qua dự án luật này.Đối với các văn bản giao hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, các địa phương sẽ tập trung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để gửi các bộ xem xét, cho ý kiến để ban hành kịp thời, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.“Như vậy, có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024,” Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết.Báo cáo thẩm tra dự án luật ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết. Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này khi các luật có hiệu lực thi hành.Để bảo đảm các luật được thi hành hiệu quả trong trường hợp Quốc hội thông qua việc có hiệu lực sớm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và thực hiện đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3870/TB-TTKQH về việc: “Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật.”Đồng thời, Chính phủ cần bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển; không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực; chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản cần thiết để hướng dẫn, quy định chi tiết việc thi hành các luật bảo đảm không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa.Chờ cú hích lớnThực tế, sau hơn 1 thập kỷ thực thi, những chồng chéo, vướng mắc giữa 3 luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản được cho là nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở bị ách tắc, nhiều dự án chậm tiến độ vì không thể gỡ vướng về thủ tục. Do đó, việc 3 luật mới được thông qua và dự kiến có hiệu lực sớm sẽ tạo nên cú hích cho thị trường hướng đến phát triển minh bạch, bền vững hơn. TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, khi các luật có hiệu lực sẽ có vai trò tháo gỡ điểm nghẽn của thể chế, pháp luật trong việc xử lý thủ tục, hồ sơ; phê duyệt các dự án đầu tư mà giai đoạn trước đang gặp khó khăn. Từ đó, giúp cho thị trường trở nên thực chất hơn, chuyển động theo đúng với khuôn khổ của pháp luật.Ví dụ, với những dự án trước đây làm tốt, đúng quy trình sẽ được tháo gỡ, những dự án làm không đúng, còn nhiều vướng mắc thì những quy định mới này sẽ trở thành "barrier" cản trở, đưa dự án quay trở lại khâu xử lý cho đúng với quy định pháp luật và công bằng với mọi dự án khác. Thị trường sẽ nghiêm ngặt, kỷ luật, chặt chẽ và công bằng hơn.Bên cạnh đó, những quy định mới về giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai cũng góp phần loại bỏ tình trạng như mua bán lòng vòng, giới thiệu những dự án ma hay "phủi tay chạy làng", gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của các chủ đầu tư chân chính.Song, cũng theo TS. Nguyễn Văn Đính để cả ba luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, việc sớm ban hành các nghị định hướng dẫn là việc cấp bách hiện nay. Trong đó, các vấn đề trọng tâm cần sớm có nghị định hướng dẫn là giao đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất. Khi có nghị định hướng dẫn, nguồn lực đất đai sẽ được kích hoạt, các dự án đang vướng mắc sẽ nhanh chóng được tháo gỡ.