Điều chỉnh bảng giá đất: Cần thiết nhưng tránh gây sốc

Theo An Chi

Thứ hai, 9/9/2024 - 14:41 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai là cần thiết, song cần có lộ trình, mức tăng phù hợp.

Giá đất trong bảng giá đất sau điều chỉnh ở nhiều địa phương tăng mạnh. Ảnh: Hoàng Anh. Giá đất trong bảng giá đất sau điều chỉnh ở nhiều địa phương tăng mạnh. Ảnh: Hoàng Anh.
Điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết

Việc điều chỉnh bảng giá đất đang trở thành vấn đề nóng khi nhiều địa phương đã thực hiện các thay đổi lớn về bảng giá đất, dẫn đến giá đất tăng cao đột biến, gây phản ứng trái chiều từ phía doanh nghiệp và người dân sử dụng đất.

Theo Luật Đất đai sửa đổi năm 2024, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 sẽ tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Tuy nhiên, UBND cấp tỉnh có quyền điều chỉnh bảng giá đất nếu cần thiết để phù hợp với thực tế giá đất tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Minh Ngân, cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa giá đất trong bảng và giá đất thực tế trên thị trường, tránh thất thu ngân sách nhà nước và đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh bảng giá đất với mức tăng mạnh, đã gây ra sự phản ứng từ phía các đối tượng chịu tác động, bao gồm cả doanh nghiệp và người dân. Nhiều người lo ngại số tiền phải trả cho các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, như thuế sử dụng đất và tiền thuê đất, sẽ tăng đột biến, tạo ra gánh nặng lớn hơn.

Trước đây, bảng giá đất được xây dựng theo Luật Đất đai 2013 và bị giới hạn bởi khung giá đất của Chính phủ, nhưng điều này đã bị loại bỏ trong Luật Đất đai 2024. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa điều chỉnh kịp thời bảng giá đất để phản ánh giá thị trường, dẫn đến tình trạng giá đất trong bảng giá thấp hơn nhiều so với giá thực tế.

Việc không điều chỉnh kịp thời bảng giá đất có thể dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất và giá thực tế, gây ra những bất ổn cho thị trường bất động sản.

Theo ông Ngân, nếu không có sự điều chỉnh hợp lý, bảng giá đất cũ có thể khiến Nhà nước thất thu một khoản lớn, trong khi các địa phương điều chỉnh quá nhanh lại gặp phải phản ứng từ người dân và doanh nghiệp.

Bảng giá đất quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024 được áp dụng để thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp như nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tính tiền thuê đất hằng năm…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Minh Ngân. Ảnh: VGP. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Minh Ngân. Ảnh: VGP.
Cần lộ trình phù hợp

Trước thực tế trên, ông Ngân cho rằng, việc tổ chức thực hiện, việc điều chỉnh bảng giá đất để phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương theo quy định mới tại Luật Đất đai sửa đổi là cần thiết. Song, quá trình thực hiện cần có sự tính toán kỹ lưỡng.

Các địa phương cần phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành, xem xét giá đất trong bảng giá đất so với mặt bằng giá đất tại địa phương; đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với đối tượng áp dụng để có lộ trình, mức tăng phù hợp với từng khu vực, vị trí, loại đất.

Khi điều chỉnh bảng giá đất, các địa phương cần tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan để tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, hạn chế việc chênh lệch quá lớn về nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện, đảm bảo sự đồng thuận, hạn chế phản ứng bất bình trong xã hội.

Ông Ngân thừa nhận, việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành với sự phân cấp mạnh mẽ, triệt để và nhiều điểm mới, nên thời gian đầu không tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc, lúng túng tại các địa phương.

Tuy nhiên, việc xây dựng các quy định về bảng giá đất mới đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, trên cơ sở đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Điều này giúp khắc phục được những tồn tại hạn chế trước đó và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp...

Do đó, các cơ quan liên quan cần tập trung vào khâu tổ chức thực hiện, kiên trì, nhất quán, thống nhất trong quan điểm chỉ đạo và thi hành.

Việc điều chỉnh, bổ sung ngay sau khi chính sách vừa được ban hành cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, tránh tác động không mong muốn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và dư luận, môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, các địa phương cần phải tập trung hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền, đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, ông Ngân nhấn mạnh.

Theo The Leader, 

https://theleader.vn/dieu-chinh-bang-gia-dat-can-thiet-nhung-tranh-gay-soc-d36936.html