Đề xuất khôi phục gói tín dụng 110 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Cho rằng mức lãi suất của gói 120.000 tỷ đồng vẫn cao hơn mức vay nhà ở xã hội trước đó, thời gian cho vay ngắn nên HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng khôi phục đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng.Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng lấy nguồn từ 4 ngân hàng thương mại, đang triển khai cho vay chủ đầu tư nhà ở xã hội và người dân. Gói này lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5-2% vay thương mại thông thường, tức khoảng 7,7% một năm (với người mua, thuê mua nhà) và 8,2% một năm với chủ đầu tư nhà ở xã hội.Tuy nhiên theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) thì mức lãi suất này "thực chất vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi" do vẫn cao hơn mức cho vay nhà ở xã hội trước đó. Thời hạn ưu đãi 5 năm vẫn ngắn và lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần, gây bất an cho người vay.Do đó, để đạt mục tiêu xây tối thiểu một triệu căn nhà xã hội trong giai đoạn 2021-2030, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng khôi phục đề xuất gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110 nghìn tỷ đồng.Gói 110 nghìn tỷ đồng do Bộ Xây dựng và nhóm chuyên gia đề xuất từ tháng 11/2022. Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, gói 110.000 tỷ đồng về bản chất giống như gói 30.000 tỷ đồng từng được triển khai trước đây nhưng khác ở chỗ phải có đề án đầy đủ, căn cơ, bài bản để phát triển nhà ở xã hội về lâu dài.Gói 110 nghìn tỷ đồng sẽ được xây dựng theo hướng rút kinh nghiệm 6 bất cập từ gói 30.000 tỷ đồng trước đây. Nếu áp dụng gói tín dụng này phải xin ý kiến các đại biểu Quốc hội vì liên quan đến vấn đề tái cấp vốn. Bởi vì, ý tưởng ban đầu của gói này sẽ lấy từ nguồn tái cấp vốn, cấp cho các ngân hàng thương mại cho vayLãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội của gói 110 nghìn tỷ đồng là 4,8-5% một năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm. Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; còn lại là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.Sau đó, Bộ Xây dựng cho biết thôi không đề xuất gói 110 nghìn tỷ đồng nên gói 120 nghìn tỷ đồng được đưa vào áp dụng. Tuy nhiên đến nay, tiến độ giải ngân của gói tín dụng này được các chuyên gia đánh giá khá chậm.Ngoài ra, HoREA cũng cho rằng chủ đầu tư, người mua, thuê mua nhà ở xã hội trong nhiều năm qua, chưa được hưởng các chính sách vay ưu đãi theo chủ trương phát triển nhà ở xã hội vốn áp dụng từ năm 2015.Cụ thể, khách hàng cá nhân, người mua, thuê mua nhà ở xã hội hầu hết phải vay thương mại với lãi suất khoảng 9-10% một năm.Còn các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa được vay ưu đãi tín dụng do Luật Nhà ở 2014 quy định, ngân hàng thương mại được cho vay ưu đãi với cá nhân, hộ gia đình xây, sửa nhà chứ không được phép cho chủ đầu tư vay.Ngân hàng chính sách xã hội cũng không được cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi, theo quy định của Nghị định 100 năm 2015.Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng dài hơi, chưa được ưu đãi thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi Luật Nhà ở 2014 cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê được giảm VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với trường hợp xây nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.Nghị định 100 năm 2015 cũng quy định đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được giảm 70% thuế suất VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi đầu tư tối thiểu 15 năm và tối đa không quá 20 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê chưa được hưởng các chính sách này.