Đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế là các lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường và dòng vốn FDI toàn cầu khiêm tốn. "Cuộc chiến" thu hút vốn FDI ngày càng quyết liệt.Dòng vốn FDI sẽ tăng ‘khiêm tốn’ vào năm 2024Theo báo cáo Xu hướng đầu tư toàn cầu năm 2023 của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm vừa qua ước đạt 1,37 nghìn tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với năm 2022.
Sự gia tăng này phần lớn đến từ 2 ‘thiên đường thuế’ Luxembourg và Hà Lan. Nếu loại trừ hai quốc gia này, dòng vốn FDI toàn cầu thực tế đã giảm 18%.
UNCTAD cho rằng, bức tranh đầu tư FDI trên toàn cầu tiêu cực hơn nhiều so với con số trên trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu và lãi suất cao.
Cụ thể, tài trợ dự án quốc tế (đặc biệt ở lĩnh vực xanh, cơ sở hạ tầng) và M&A chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do chi phí tài chính cao hơn vào năm 2023, với số giao dịch ít hơn lần lượt 21% và 16%.
Trong đó, đầu tư mới đã giảm 6% về số lượng nhưng tăng 6% về giá trị, một phần được hỗ trợ bởi hoạt động sản xuất có dấu hiệu phục hồi.
Quốc gia nhận FDI lớn nhất - Mỹ ghi nhận dòng vốn FDI năm 2023 giảm 3%. Trung Quốc giảm 6%. Ấn Độ giảm 47%.
ASEAN, được xem là động lực tăng trưởng FDI, đã giảm mạnh 16% về giá trị. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của khu vực này đối với đầu tư sản xuất vẫn còn mạnh bởi số lượng dự án mới tăng 37%, đặc biệt ở Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Campuchia.
Về xu hướng theo ngành vào năm 2023, số dự án trong chuỗi giá trị toàn cầu tăng 16%, đặt biệt là ô tô, dệt may, máy móc và điện tử.
Số lượng dự án mới trong lĩnh vực bán dẫn đã giảm 10% và số vốn giảm 39% sau mức tăng trưởng mạnh vào năm 2022.
Tại các nước đang phát triển, số dự án đầu tư quốc tế trong lĩnh vực liên quan đến SDG (gồm cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, nước và vệ sinh, an ninh lương thực, y tế và giáo dục) vẫn không thay đổi. Số giao dịch tài trợ dự án quốc tế liên quan đến SDG đã giảm 27% và số vốn giảm 40%.
Trong khi đó, số dự án lĩnh vực xanh liên quan đến SDG trong khu vực này đã tăng 12% và số vốn tăng 6%. Vốn FDI đổ vào lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp cũng tăng nhẹ; hầu hết các lĩnh vực khác đều ghi nhận sự sụt giảm.
UNCTAD dự báo dòng vốn FDI sẽ tăng ‘khiêm tốn’ vào năm 2024 nhờ lạm phát và chi phí vay ở các thị trường lớn đã ổn định. Tuy nhiên, rủi ro vẫn tồn tại gồm rủi ro địa chính trị, mức nợ tích lũy ở nhiều quốc gia tăng cao và lo ngại về sự ‘rạn nứt’ rộng hơn của kinh tế toàn cầu.
Tạo sức hút và lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc giaTrong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, ‘cuộc chiến’ thu hút vốn FDI sẽ ngày càng quyết liệt, đặc biệt là trong xu hướng nhiều nền kinh tế tìm kiếm giải pháp giảm dần phụ thuộc vào Trung Quốc. Mỗi quốc gia sẽ cần có cách tiếp cận và định hình lợi thế khác nhau để thu hút dòng vốn FDI thời gian tới ở các lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm gồm đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế.
Trong báo cáo mới nhất, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho biết, chiến lược của Chính phủ nhằm thu hút thêm FDI vào Việt Nam nên khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN, đồng thời cũng nên đánh giá thêm các thị trường khác chẳng hạn như Ấn Độ hay Mexico.
Số dự án trong chuỗi giá trị toàn cầu tăng lên 16%, đặt biệt là ô tô, dệt may, máy móc và điện tử. Ảnh: Hoàng Anh
Singapore và Malaysia đang dẫn đầu hệ sinh thái chất bán dẫn, trong đó, Singapore là trung tâm về tấm bán dẫn và thiết bị chế tạo mạch, còn Malaysia là trung tâm đóng gói và kiểm thử.
Thái Lan đã trở thành một chuỗi cung ứng ô tô và nhà cung ứng cho xe điện có chỗ đứng nhất định. Cuối tháng 9/2023, Tân Thủ tướng Thái Lan cho biết sẽ theo đuổi nhiều hiệp định thương mại tựu do (FTA) và mở rộng sản xuất ngành ô tô nhằm đưa Thái Lan trở thành điểm đến đầu tư FDI lớn.
Đồng thời, ông sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng, và quản lý nước, nâng cấp sân bay để thúc đẩy du lịch, mở rộng các FTA để cạnh tranh với các nước láng giềng và giúp các công ty dễ dàng thuê thêm lao động nước ngoài ở Thái Lan.
Indonesia đang nhắm tới hệ sinh thái xe điện với nguồn niken dồi dào và thị trường ô tô trong nước rộng lớn.
Trong khi đó, Việt Nam giữ vững phong độ thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn nhờ giá cả cạnh tranh, sự hỗ trợ của chính phủ ổn định và xuyên suốt, nhiều FTA và thái độ làm việc của lao động. Nơi đây cũng đang dần dấn thân vào thị trường xe điện và bán dẫn.
Các giải pháp đột phá của Việt Nam trong thời gian tớiNăm 2023,
vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng hơn 32% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm.
Tại phiên họp báo Chính phủ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, có 3 nguyên nhân chính cho sự phục hồi này gồm sự ổn định chính trị, an ninh và kinh tế vĩ mô ở Việt Nam; kết quả các chuyến ngoại giao cấp cao của lãnh đạo nước ta và của các đoàn ngoại giao cấp cao của các nước tới Việt Nam, mang lại hiệu quả hết sức cụ thể trong thu hút vốn FDI.
Bên cạnh đó, các các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn thấy được các tiềm năng và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Họ cho rằng Việt Nam là điểm đến hết sức hấp dẫn.
Và hai tháng đầu năm nay là đà tiếp nối những gì đạt được trong năm 2023. Đây là một tín hiệu tốt. Ông Phương cho rằng, tỉ lệ về vốn mới và dự án mới rất cao được kỳ vọng sẽ tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025.
Để thu hút vốn FDI mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, có 3 giải pháp đột phá.
Đầu tiên là hạ tầng và đất đai. Các dự án lớn có nhu cầu rất lớn về đất đai và yêu cầu cao về hạ tầng.
Do đó, Chính phủ sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn như đã đặt ra trong triển khai xây dựng, đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn để thực hiện sớm trong những ngày đầu Luật Đất đai có hiệu lực. Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới, tháo gỡ cho việc thúc đẩy khu vực đầu tư và phát triển nâng cao kim ngạch.
Thứ hai là đột phá nguồn nhân lực. Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Bộ Giáo dục và đào tạo đang hoàn thiện đề án đào tạo khoảng 100.000 công nhân, người lao động cũng như kỹ sư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chíp bán dẫn, trong đó có 50.000 riêng cho lĩnh vực chíp bán dẫn.
Theo ông Phương, Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực hết sức dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng, nhưng cần tập trung nhiều hơn vào trình độ, kỹ năng của người lao động, từ đó tăng năng suất lao động.
Thứ ba là đột phá thể chế. Vừa qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới và có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật khác.
Bên cạnh đó là các quy định về xuất nhập cảnh hay các thủ tục, nội quy visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam. Không chỉ khách du lịch mà cả nhà đầu tư cũng rất hoan nghênh chính sách đổi mới như vậy.
“Thêm nữa, cần nghiên cứu tập trung sâu hơn những chính sách mang tính khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, đủ mức độ hấp dẫn và tối ưu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Phương nhận định.