Chứng khoán bùng nổ với kỳ vọng nâng hạng

Theo Dũng Phạm

Thứ sáu, 6/12/2024 - 8:54 (GMT+7)

Nhóm ngành tài chính với nhiều cổ phiếu chứng khoán đã dẫn dắt xu hướng tăng khi tăng kịch trần.

Thị trường chứng khoán ghi nhận phiên bùng nổ mạnh nhất sau ba tháng. Ảnh: FireAnt Thị trường chứng khoán ghi nhận phiên bùng nổ mạnh nhất sau ba tháng. Ảnh: FireAnt
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch ngày 5/12 với diễn biến bất ngờ, khi chỉ số và thanh khoản tăng mạnh và khối ngoại chuyển sang mua ròng.

Theo đó, chỉ số VNIndex kết phiên tăng 27,12 điểm, tương ứng 2,19% lên 1.267,53 điểm, là mức cao nhất trong vòng hơn một tháng trở lại đây và cũng là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số trong vòng hơn ba tháng vừa qua.

Sự bùng nổ của dòng tiền đổ vào thị trường diễn ra sau khoảng thời gian giao dịch khá ảm đạm trong phiên sáng, sau đó lan toả kéo hàng loạt các nhóm ngành từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản hay thép.

Đáng chú ý nhất, nhóm ngành tài chính với nhiều cổ phiếu chứng khoán đã dẫn dắt xu hướng khi tăng kịch trần với những đại diện đầu ngành tiêu biểu như cổ phiếu HCM, SSI, MBS.

Các nhóm khác như thép, thủy sản, tiêu dùng, bất động sản ghi nhận mức tăng tốt như HDG (tăng 5,55%), DXG (tăng 6,8%), VHM (tăng 3,2%), HPG (tăng 4,3%).

Bên cạnh đà tăng về điểm số, giao dịch bùng nổ trong phiên chiều đẩy thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE vượt mức 19.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 10 với trợ lực đáng kể của khối ngoại khi quay trở lại mua ròng 775 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Kỳ vọng sớm nâng hạng thị trường

Đà tăng bùng nổ cả về chất và lượng của thị trường diễn ra trong bối cảnh cơ hội nâng hạng đang ngày càng tới gần khi tổ chức xếp hạng FTSE Russell ghi nhận nỗ lực và quyết tâm lớn của cơ quan quản lý và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong diễn biến mới nhất trong kỳ đánh giá thường niên tháng 9/2024, FTSE Russell đã quyết định vẫn giữ lại Việt Nam trong danh sách theo dõi bởi các tiêu chí còn lại về chu kỳ thanh toán vẫn chưa được đáp ứng kể từ đợt đánh giá tháng 3/2024.

Tuy nhiên, tổ chức này đã ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính, cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với các cải cách thị trường, đặc biệt khi Thông tư số 68 vừa được ban hành và có hiệu lực.

Thông tư này đã bỏ yêu cầu phải có đủ tiền trước khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán của nhà đầu tư quốc tế, quy định nhiều nội dung mới về giao dịch chứng khoán, thanh toán, bù trừ chứng khoán, hoạt động của các công ty chứng khoán và việc công bố thông tin.

Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam, với các tiêu chí đều được đáp ứng, kỳ vọng sẽ được nâng hạng khi được FTSE Russell đánh giá lại trong kỳ đánh giá tháng 3/2025 tới đây.

Với kỳ vọng nâng hạng thành công, Morgan Stanley cho rằng trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam có thể giúp thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác.

Đồng thời, khi thị trường nâng hạng thì các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam.

Một nghiên cứu từ học viện CFA đã chỉ ra rằng, khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số chính sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực.

Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động. FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nếu được FTSE và MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới đến năm 2030.

Theo The Leader