Chốt quy hoạch Hà Nội đến 2030

Theo Theleader.vn

Thứ ba, 2/4/2024 - 18:33 (GMT+7)

Quy hoạch xác định cấu trúc không gian phát triển của Hà Nội gồm năm không gian phát triển, năm hành lang và vành đai kinh tế, năm trục động lực, năm vùng kinh tế - xã hội, năm vùng đô thị.

Quy hoạch mới của Hà Nội mở hướng phát triển với 5 vùng kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch xác định, cùng với TP.HCM, Hà Nội giữ vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Bên cạnh bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm các sông Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét; quy hoạch nhấn mạnh mục tiêu cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.

Theo Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội, cần chú trọng quy hoạch giao thông vận tải để xứng đáng với quy mô thành phố 10 triệu dân, lấy sông Hồng làm trung tâm của quy hoạch, quy hoạch đường bộ theo hướng ô bàn cờ, xử lý tốt nước thải để làm sống lại các dòng sông.

Sau khi có Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố cần sớm có cơ chế đặc thù về vốn và huy động vốn để làm đường sắt đô thị.

Về không gian, Ban đô thị HĐND thành phố lưu ý làm rõ thêm phân bố trục không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Bên cạnh đó, cần làm rõ nét hơn phương án phát triển trục sông Hồng để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị: là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Đây được xác định chính là động lực phát triển Thủ đô giai đoạn tới.

Ban đô thị cũng nhấn mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị... đặc biệt có lộ trình, cơ chế đối với chuyển đổi giao thông xanh.

Ngoài ra, cần chú ý mục tiêu xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô. Vấn đề này đã được đề cập tại phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hồi tháng 2 vừa qua, với địa điểm hướng tới là khu vực huyện Phú Xuyên - Ứng Hòa.

Theo nghị quyết được thông qua, UBND TP. Hà Nội tiếp thu các ý kiến thẩm tra để hoàn thiện nội dung của quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024 và trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định.

5 hành lang và vành đai kinh tế gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối quốc tế với Vân Nam - Trung Quốc; Đông Bắc (Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), Bắc Nam theo trục hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - TP.HCM - Cà Mau), Tây - Bắc (kết nối các tỉnh Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội) và vành đai kinh tế vùng Thủ đô kết nối phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại và logistics của khu vực vùng Thủ đô dọc theo các tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 - vùng Thủ đô.

5 vùng kinh tế - xã hội gồm: trung tâm, phía Bắc sông Hồng, phía Nam Thủ đô, phía Tây Nam Thủ đô, phía Tây Bắc Thủ đô và 5 vùng đô thị: đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.

5 trục động lực gồm: trục sông Hồng, Hồ Tây – Cổ Loa, Nhật Tân – Nội Bài, Hồ Tây – Ba Vì và liên kết phía Nam. Trong đó, riêng trục liên kết phía Nam kết nối giữa đô thị trung tâm với khu vực phía Nam để thúc đẩy phát triển vùng huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Khi sân bay thứ 2 vùng Thủ đô được đầu tư phát triển, đây sẽ là trục kết nối đô thị trung tâm với sân bay quốc tế thứ hai và đô thị Phú Xuyên, Ứng Hòa.

5 vùng kinh tế - xã hội gồm: Trung tâm với tiểu vùng đô thị lõi - Trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, tập trung các cơ quan đầu não quốc gia và tiểu vùng đô thị mở rộng (Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì); Phía Bắc sông Hồng, Phía Nam Thủ đô, Tây Nam Thủ đô và phía Bắc Thủ đô.

Vùng phía Bắc Thủ đô gồm huyện Sóc Sơn, Mê Linh và 1 phần huyện Đông Anh được xác định là đô thị cửa ngõ phía Bắc, trung tâm sản xuất công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và triển khai phục vụ sản xuất linh kiện điện tử và công nghiệp ô tô, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.