Bộ lọc giúp tín dụng chảy trúng đích
Theo ông Nguyễn Quang Thuân CEO FiinRatings, cần xếp hạng tín nhiệm từng ngành, từng doanh nghiệp, từ đó đưa ra chính sách tăng trưởng tín dụng, cho vay phù hợp.Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 12 – 14% được đề ra. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã phát đi thông điệp tới ngành ngân hàng, tạo sức ép tới các ngân hàng thương mại để đẩy mạnh tín dụng trong giai đoạn tới.Chia sẻ tại Hội thảo "Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng dù chịu sức ép từ Chính phủ, bản thân các ngân hàng cũng khó cho vay.Mỗi ngân hàng đều có hệ thống quản trị rủi ro của riêng mình. Việc yêu cầu thúc đẩy tín dụng vào lĩnh vực mà ngân hàng không mong muốn là bất hợp lý, có thể làm tăng tình trạng nợ xấu, ông Thuân nói. Sau giai đoạn Covid-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có đơn hàng , không có dòng tiền. Những doanh nghiệp này nếu có cho vay cũng không biết dùng tiền làm gì, dòng tiền sẽ lại chảy vào các kênh đầu cơ, chứng khoán."Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi làm đánh giá độc lập, FiinRatings nhận thấy vẫn có nhiều doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nợ rất tốt, kể cả doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Nếu nguồn tín dụng chảy được vào những doanh nghiệp này rủi ro sẽ được giảm thiểu đáng kể", ông Thuân chia sẻ.Vấn đề ở đây, theo ông Thuân, đó là cần xếp hạng tín nhiệm được tín dụng từng ngành, từng doanh nghiệp, từ đó đưa ra chính sách tăng trưởng tín dụng, cho vay phù hợp.Chẳng hạn, lĩnh vực bất động sản, có thể bất động sản dân cư đang gặp khó khăn, nhưng bất động sản văn phòng vẫn đang phát triển ổn định, hoàn toàn có thể cho vay. Như vậy, nếu các lĩnh vực được xếp hạng chi tiết, tín dụng sẽ càng đến trúng đích.Đánh giá ưu điểm của việc xếp hạng tín nhiệm, TS. Nguyễn Quốc Hùng Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững hơn.Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc xếp hạng tín nhiệm còn hạn chế, chưa trở thành quy định bắt buộc như kiểm toán độc lập. Đến nay, mới có 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam là FiinRatings, VIS Rating và Saigon Ratings, với hoạt động của các công ty này còn tương đối hạn chế.“Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng xếp hạng tín nhiệm còn rất thấp cho thấy doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề này. Trong khi chưa có quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm nên các nhà đầu tư cũng không cho đó là điều quan trọng để ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mình”, ông Hùng cho biết.