Bất động sản TP.HCM: Dự án được tích cực gỡ vướng, thị trường ấm dần lên

Theo Dương Minh Anh

Thứ sáu, 20/12/2024 - 8:28 (GMT+7)

Bên cạnh những dự án mới, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ đón nhận thêm nhiều dự án đã hoàn thiện gỡ vướng pháp lý tái khởi động sau nhiều năm ngưng triển khai trong giai đoạn "về đích" năm 2024. Dự báo đến năm 2025, thị trường bất động sản sẽ ấm hơn và chuyển mình tích cực hơn.

Đã qua thời kỳ trầm lắng

Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2024 TP.HCM gửi Bộ Xây dựng cho thấy, hiện thành phố đã triển khai 31 dự án nhà ở thương mại với 31.167 căn hộ. Đồng thời, thành phố cũng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở thương mại hình thành trong tương lai đối với 4 dự án gồm 1.611 căn nhà; trong đó có 678 căn chung cư và 44 căn nhà thấp tầng với tổng diện tích sàn là 189.102m2 thuộc phân khúc cao cấp, tổng giá trị cần huy động là 9.118.893 tỷ đồng.

Cũng tại báo cáo, trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận 1.051 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đăng ký thành lập; toàn địa bàn thành phố có hơn 1.600 giao dịch nhà đất.

Thị trường bất động sản TP.HCM được kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong năm 2025. (Ảnh minh hoạ: 1.6 Media) Thị trường bất động sản TP.HCM được kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong năm 2025. (Ảnh minh hoạ: 1.6 Media)

Còn theo thông tin Batdongsan.com, thị trường bất động sản TP.HCM cho thấy sự khởi sắc khi đa số các chủ đầu tư có sẵn nguồn hàng đều sẵn sàng mở bán trong quý IV/2024 sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về pháp lý và nhu cầu tìm kiếm mua nhà của các nhà đầu tư bắt đầu được tăng vào dịp cuối năm.

Trong tháng 10/2024, lượt tìm kiếm nhà ở tại TP.HCM tăng 9% và lượng tin đăng bán nhà tăng 18% so với tháng 9/2024. Ước tính 10 tháng đầu năm, lượt tìm kiếm nhà đã tăng 22% và tin đăng bán nhà tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Về đất nền dự án và nhà riêng, đây là hai loại hình phục hồi mạnh nhất khi tăng lần lượt 14% và 11% so với tháng trước. Trong cả 10 tháng, đất nền cũng là loại hình có lượt tìm kiếm tăng mạnh nhất với 29%, nhà riêng xếp thứ hai với 25%.

Như vậy, ở những tháng cuối năm, thị trường bất động sản TP.HCM đã bước qua thời kỳ trầm lắng và đang có những bước chuyển mình tích cực.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, động lực phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa không ngừng gia tăng đang khiến TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Điều này kéo theo nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn.

"Nhu cầu gia tăng từ dân số, sự hồi phục của nền kinh tế cùng với sự cải thiện của hạ tầng giao thông sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư và người dân tìm kiếm nơi an cư lý tưởng. Trong bối cảnh này, việc nắm bắt xu hướng và xác định chiến lược đầu tư hợp lý sẽ là chìa khóa để đạt được thành công bền vững trong tương lai", TS. Nguyễn Văn Đính khẳng định.

TS. Nguyễn Văn Đính cũng thông tin thêm, trong quý cuối cùng của năm 2024, các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản sẽ ấn nút tăng tốc, khả năng cao sẽ đem đến nhiều kết quả ấn tượng hơn. Thị trường đã xuất hiện cả doanh nghiệp và nhóm nhà đầu tư đến từ Hà Nội quay lại trong bối cảnh giá bất động sản thủ đô tăng nóng trong năm vừa qua.

Về các phân khúc cụ thể, thị trường sẽ ghi nhận sự phục hồi trên diện rộng. Căn hộ chung cư, đặc biệt với phân khúc cao cấp và những dự án có thể bàn giao ngay tạo ra dòng tiền cho thuê vẫn là sản phẩm được các nhà đầu tư hướng đến, tiếp tục dẫn dắt thị trường. Nguồn cung căn hộ mới của thị trường sẽ có sự cải thiện. Về phân khúc đất nền tại phía Nam, đất nền pháp lý sạch tại các khu vực chưa bị đẩy giá tiếp tục được các nhà đầu tư "gom hàng".

Nhiều động lực gia tăng triển vọng khởi sắc

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ ra, trong 11 tháng đầu năm 2024, thành phố đã cấp phép cho 12 dự án nhà ở thương mại, khởi động lại một số dự án cũ.

"Thành phố cũng đang tập trung giải quyết 30/64 dự án bất động sản gặp vướng mắc. Trong đó, 8 dự án đã được tháo gỡ hoàn toàn, 22 dự án còn lại đang tiếp tục xử lý. Như vậy, tôi tin rằng thị trường bất động sản sẽ ấm hơn và tích cực hơn vào năm 2025", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.

Để giải quyết vấn đề liên quan đất đai cho phát triển bất động sản, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Sở Xây dựng cũng đã có nghiên cứu, đề xuất quy trình rút ngắn thời gian, giảm bớt thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Sở Xây dựng cùng các sở, ngành phối hợp để thủ tục dự án nhanh nhất có thể để các chủ đầu tư nhân dịp thị trường đã được phục hồi sẽ triển khai; hàng tuần xem xét và giải quyết các vướng mắc thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi thông tin thêm, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch rà soát và giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản công bao gồm các vụ việc, vụ án tồn đọng và các dự án dang dở. Với nhà đất đang bỏ trống, trên cơ sở phân loại, một số tài sản sẽ được bán đấu giá, một số khác có thể được cho thuê tạm thời trong thời gian chờ đầu tư mới. Trong đợt sắp xếp bộ máy sắp tới, TP.HCM sẽ tính toán lại trụ sở nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng, tạo thêm nguồn lực để phát triển.

Về đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao TP. Thủ Đức và huyện chuẩn bị các dự án. Theo Nghị quyết của HĐND thành phố, hiện 5 huyện có 86 dự án; đối với 16 quận có 73 dự án; 16 dự án của TP. Thủ Đức và huyện với tổng vốn khoảng 700 tỷ đồng.

Do đó, về cơ bản, vốn các dự án đã được triển khai, đang hoàn tất các khâu chuẩn bị và sẽ khởi công ngay và chậm nhất là trong dịp ngày 30/4/2025.

Ông Phạm Lâm, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DKRA Group nhận định, có 5 động lực quan trọng đang thúc đẩy thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Thứ nhất, về chính sách, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều quy định pháp luật một cách rõ ràng và minh bạch hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để những quy định này thực sự đi vào thực tiễn.

Thứ hai, về cơ sở hạ tầng, hiện Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc triển khai các dự án hạ tầng nhằm tạo động lực cho sự phát triển của cả nước nói chung hay ở khu vực phía Nam nói riêng.

Thứ ba, về nguồn vốn, thời gian gần đây, đã có nhiều "tay chơi mới" tham gia vào thị trường bất động sản. Trong giai đoạn năm 2023 - 2024, nguồn vốn mới đã đổ vào thị trường. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia đầu tư vào các dự án lớn tại TP.HCM thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Thứ tư, về tín dụng, Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy sự ổn định tín dụng và lãi suất cho người mua nhà. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã sẵn sàng cung cấp mức lãi suất cố định chỉ 5% trong 3 năm, tạo cơ hội cho người dân dễ tiếp cận đến thị trường nhà đất.

Thứ năm, về thanh khoản thị trường bất động sản, đây là yếu tố rất quan trọng góp phần kích thích hoạt động mua bán; đặc biệt là với bất động sản thứ cấp, tính thanh khoản của các sản phẩm tại phân khúc này đang rất tích cực./.

Theo Reatimes