Bảng giá đất điều chỉnh không làm tăng giá nhà ở xã hội
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc tăng giá đất có thể đẩy giá nhà ở xã hội lên cao do chi phí đầu vào tăng, dẫn đến tình trạng khan hiếm hơn và khó thu hút đầu tư.
Bớt nỗi lo tăng giá nhà ở xã hội
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ không làm tăng giá nhà ở xã hội. Theo ông Khiết, trong các yếu tố cấu thành giá nhà, tiền sử dụng đất là một yếu tố quan trọng và chiếm tỷ trọng không nhỏ. Nhưng với nhà ở xã hội, đây lại không phải là thành phần do đó lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng không có cơ sở để cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ ảnh hưởng đến giá nhà ở xã hội.
Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang xây dựng dự thảo bảng giá đất mới nhằm phù hợp với Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8.
Theo dự thảo này, giá đất tại nhiều khu vực dự kiến tăng trung bình từ 5 - 10 lần, một số địa phương vùng ven có thể điều chỉnh tăng từ 15 - 50 lần so với hiện tại (chưa tính hệ số K, điều chỉnh giá đất gấp 3,5 lần). Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nếu tính cả hệ số K, giá đất chỉ tăng khoảng 2,5 lần so với Quyết định 02 và vẫn thấp hơn mặt bằng giá thị trường khoảng 30%.
Đối với quy định hiện hành, nhà ở xã hội được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, và các loại thuế, phí khác. Theo đó, giá nhà phân khúc này được tính trên tổng chi phí đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần diện tích nhà và lợi nhuận định mức của chủ đầu tư, tối đa không vượt quá 10% tổng chi phí xây dựng.
Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh đang được Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, trình Hội đồng thẩm định Bảng giá đất thành phố, sau đó UBND TP.HCM xem xét phê duyệt.
Dự kiến bảng giá đất mới của thành phố nếu được thông qua sẽ sử dụng đến 31/12/2025, tuy nhiên cuối năm nay thành phố sẽ đánh giá lại để đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế. Từ đầu năm 2026, TP.HCM sẽ áp dụng bảng giá đất mới hằng năm chung theo Luật Đất đai 2024.
Kỳ vọng tăng thêm nguồn cung nhờ Luật mới
Bên cạnh việc loại bỏ chi phí sử dụng đất, phân khúc nhà ở xã hội trên địa bàn còn được kỳ vọng sẽ gia tăng thêm nguồn cung nhờ tác động của các luật mới, góp phần giúp người dân dễ tiếp cận hơn với nhà ở giá rẻ.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, phân khúc nhà ở xã hội sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn với Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực từ 1/8 và bổ sung thêm những ưu đãi dành cho chủ đầu tư.
Trước đây, khi chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội và được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, họ không được phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để vay vốn thực hiện dự án. Song với quy định mới, điều này đã được tháo gỡ, cho phép chủ đầu tư có quyền và nghĩa vụ như trường hợp không được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất.
Dữ liệu của VARS cho thấy, trung bình mỗi năm Hà Nội và TP.HCM vẫn thiếu trên 50.000 đơn vị nhà ở cho dù kế hoạch phát triển nhà ở của 2 thành phố được thực thi tối đa.
Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở xã hội, VARS đề xuất tăng cường giám sát và đảm bảo thực hiện nghiêm túc gói tín dụng 140.000 tỷ đồng, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.
Cụ thể, việc ban hành đồng thời Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024/N-CP từ ngày 1/8 đã và đang tạo ra một khung pháp lý hoàn chỉnh. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các dự án nhà ở xã hội, nhất là ở các đô thị lớn, được triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của chính sách nhà ở xã hội, nhà nước cũng cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ, tăng cường cung cấp quỹ đất tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, việc khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá bình dân sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung và ổn định thị trường bất động sản.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp,
https://diendandoanhnghiep.vn/bang-gia-dat-dieu-chinh-khong-lam-tang-gia-nha-o-xa-hoi-10140832.html