Đồng USD mạnh lên kích hoạt nỗi lo ổn định tài chính tại châu Á

Theo DIỄM NGỌC

Thứ bảy, 4/5/2024 - 8:53 (GMT+7)

Các quan chức tài chính Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tham vấn cùng nhau về thị trường ngoại hối, thừa nhận những lo ngại từ Tokyo và Seoul trước sự sụt giảm mạnh gần đây đối với các đồng tiền của họ.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn được cho là sẽ làm duy trì áp lực lên các đồng tiền ở châu Á. Các nhà phân tích kỳ vọng ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể sẽ để đồng Nhân dân tệ suy yếu, nhưng cũng lưu ý đến rủi ro dòng vốn chảy ra ngoài và xung đột thương mại trong khu vực.

Chỉ số đồng đô la Mỹ đã tăng giá mạnh hơn 4% kể từ đầu năm, trong bối cảnh hy vọng ngày càng giảm về việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất trong năm nay

Tại cuộc họp mới nhất ngày 2/5, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5%, trong đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định cần có thêm bằng chứng về việc hạ nhiệt lạm phát trước động thái chính sách tiếp theo.

Chỉ số đồng đô la Mỹ đã tăng giá mạnh hơn 4% kể từ đầu năm, trong bối cảnh hy vọng ngày càng giảm về việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các ngân hàng trung ương ở châu Á đang có thâm hụt thương mại đáng kể với Mỹ.

Theo SCMP đưa tin, vào giữa tháng 4 vừa qua, các quan chức tài chính Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng ý tham vấn cùng nhau về thị trường ngoại hối trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh, thừa nhận những lo ngại từ Tokyo và Seoul trước sự sụt giảm mạnh gần đây đối với các đồng tiền của họ.

Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết Tokyo sẽ không loại trừ các biện pháp nhằm đối phó với sự biến động quá mức trên thị trường ngoại hối, đồng thời nói thêm, điều quan trọng là tiền tệ phải di chuyển ổn định, phản ánh các nguyên tắc cơ bản.

Chuyên gia tại Bank of America bày tỏ nghi vấn rằng chính quyền Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối hai lần trong tuần này để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh và gây suy yếu kinh tế của đồng Yên, nhưng chưa có xác nhận chính thức nào về việc này đang diễn ra.

Ngược lại, trong vài tháng qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giữ tỷ giá cố định hàng ngày của đồng Nhân dân tệ trong nước ở mức cao, duy trì lãi suất cho vay chuẩn và cũng quản lý thanh khoản Nhân dân tệ ở nước ngoài. Tất cả đều cho thấy lập trường “phòng thủ” của nước này về tỷ giá.

Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Capital Economics bình luận: “Trung Quốc luôn ít cam kết về mặt ý thức trong việc có để tỷ giá thả nổi tự do hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự ổn định của tỷ giá là điều họ coi trọng vì lợi ích riêng của mình và đó là một phần nhiệm vụ của PBoC.”

Chính quyền Trung ương Trung Quốc vẫn giữ quan điểm rằng Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế bằng các chính sách tài chính chủ động và tiền tệ thận trọng, bao gồm cả lãi suất cũng như tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Thông điệp này ngầm khẳng định việc cắt giảm lãi suất chính sách chưa xảy ra, vì PBoC đang coi ổn định tiền tệ là ưu tiên hàng đầu.

Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn xuyên biên giới và cảnh giác với sự chênh lệch lãi suất lớn với Mỹ có thể thúc đẩy dòng vốn chảy ra nước ngoài, đồng thời phòng ngừa nhiều hơn trước sự mất giá thêm của đồng Nhân dân tệ.

Theo Bank of America, chiến lược phòng thủ như vậy cũng sẽ giữ lạm phát ở mức thấp, gây áp lực lên giá cả và làm trầm trọng thêm vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc. “Cuối cùng, chúng tôi tin rằng cần có một đồng Nhân dân tệ yếu hơn để phù hợp với sức mạnh của đồng đô la Mỹ và có khả năng bù đắp những áp lực giảm phát có thể xảy ra”.

Còn theo chuyên gia Evans-Pritchard, rất khó có khả năng PBoC sẽ phá giá đồng Nhân dân tệ một cách đột ngột, nhưng có thể cho phép đồng tiền này suy yếu dần dần trong những năm tới để giúp các ngành giải quyết vấn đề dư cung, hoặc bù đắp tác động của các biện pháp bảo hộ thương mại mới ở nước ngoài.

“Chúng tôi đã nhận thấy những lo ngại đáng kể của các chính phủ nước ngoài về dòng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào và sự sụt giá mạnh ở giai đoạn này sẽ làm tăng thêm những lo ngại đó, điều này có thể kích hoạt các biện pháp bảo hộ như thuế quan.

Như vậy, nó có thể phản tác dụng ở một mức độ nào đó. Bất kỳ lợi ích nào từ tỷ giá yếu hơn, thúc đẩy về mặt xuất khẩu nhưng có thể chịu các biện pháp bảo hộ lớn hơn ở nước ngoài”, ông nói.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

(https://diendandoanhnghiep.vn/dong-usd-manh-len-kich-hoat-noi-lo-on-dinh-tai-chinh-tai-chau-a-262806.html)