VinFast giải bài toán kép về trạm sạc tại Việt Nam

Theo Theleader.vn

Thứ hai, 23/10/2023 - 8:39 (GMT+7)

Hệ thống trạm sạc của VinFast đã có mặt tại 80 trong tổng số 85 thành phố trên cả nước, với khoảng cách giữa 2 trạm sạc không quá 3,5km, được xem là lợi thế vô cùng lớn của hãng xe Việt trước các đối thủ.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt 1 triệu xe điện hóa vào năm 2028 và đến năm 2040 số lượng xe điện sẽ đạt 3,5 triệu chiếc.

Năm ngoái, thị trường xe hơi Việt Nam đạt kỷ lục doanh số sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, với hơn nửa triệu xe bán ra. Nhưng đến nay mới có gần 13.000 xe ô tô điện được lưu hành chủ yếu là thương hiệu VinFast.

Thế độc tôn của VinFast tại thị trường Việt Nam không chỉ thể hiện qua doanh số bán xe mà còn đến từ hạ tầng trạm sạc điện đang được phủ sóng tại nhiều tỉnh, thành phố lớn.

Một chuyên gia trong ngành vận tải cho rằng: "Cốt lõi của hệ sinh thái xe điện chính là giải pháp năng lượng, mà cụ thể ở đây là các trạm sạc. Với lợi thế lớn là Vingroup sở hữu các hạ tầng khu đô thị, chung cư, trung tâm thương mại có sẵn, VinFast tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian triển khai trạm sạc".

Thực tế, ngay từ khi công bố tập trung toàn bộ nguồn lực cho phát triển xe điện, VinFast đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới trạm sạc bằng cách mạnh tay đầu tư hàng trăm triệu USD để làm hạ tầng.

Chỉ một thời gian ngắn kể từ khi bàn giao mẫu xe thuần điện đầu tiên VF e34, hệ thống trạm sạc cho xe điện của VinFast đã phủ sóng khắp 63 tỉnh thành.

Kết quả này được kiểm chứng khi từ tháng 3/2022, hai chiếc xe VinFast VF e34 đã hoàn thành thành trình xuyên Việt. Khởi hành từ Hà Nội, lăn bánh trên 1.970km, trải qua 11 lần dừng để sạc pin và tranh thủ nghỉ ngơi, hai chiếc xe điện đã tới TP.HCM sau 48 giờ.

Có thể nói, VinFast đã thành công bước đầu trong việc "phủ rộng" trạm sạc cho xe điện. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2023, đã có 101 trạm sạc được lắp mới, dần tiến tới hoàn thiện quy hoạch 150.000 cổng sạc trên toàn quốc.

Tất nhiên, nhiều doanh nghiệp khác cũng ý thức được việc phủ rộng trạm sạc nếu muốn tiến vào thị trường xe điện. Công ty TNHH EVIDA có hơn 850 điểm sạc điện mang thương hiệu EBOOST, nhưng chủ yếu là điểm sạc cho xe máy điện.

Về phía các nhà sản xuất, một số thương hiệu như: Porsche, Audi hay Mercedes-Benz cũng thiết lập hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn hạn chế, hầu hết chỉ lắp đặt tại phòng trưng bày, hoặc nhà máy của hãng.

Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hệ thống trạm sạc cho xe điện cũng đã bày tỏ ý định mở rộng thị trường kinh doanh trạm sạc điện tại Việt Nam như Siemens, Charge+, ABB...

Nhưng bài toán không dừng lại tại đó, bởi nhu cầu sử dụng xe điện tại mỗi nơi là khác nhau. Cũng giống như hầu hết các dòng ô tô nói chung, thông thường, tỷ lệ sở hữu, sử dụng xe điện tại các thành phố lớn và những khu vực trung tâm sẽ cao hơn, đặt ra yêu cầu nhiều hơn về số lượng trạm sạc.

Đó là lý do tại sao sau khi "phủ rộng" mạng lưới trạm sạc khắp cả nước, VinFast đã hướng đến mục tiêu thứ 2 là "phủ dày".

Đến nay, hệ thống trạm sạc công cộng của hãng xe Việt đã có mặt tại 80 trong tổng số 85 thành phố trên cả nước. Khoảng cách giữa 2 trạm sạc tại khu vực thành phố không quá 3,5km, nhờ đó khách hàng chỉ mất vài phút di chuyển là đã có thể sạc được xe.

Hệ thống trạm sạc của VinFast hiện đã được triển khai trên 106 tuyến quốc lộ và cao tốc, với nhiều loại công suất, từ sạc thường đến sạc siêu nhanh, giúp cho việc di chuyển đường dài, liên tỉnh bằng xe điện trở nên rất đơn giản và thuận tiện.

Còn tại thành phố và khu vực trung tâm, khách hàng sẽ tìm được trạm sạc ở khắp nơi, từ các bãi đỗ xe công cộng, trung tâm thương mại cho đến chung cư, tòa văn phòng…

Kết hợp thêm với việc sử dụng bộ sạc tại nhà, chủ xe điện VinFast có thể yên tâm sử dụng xe trên mọi hành trình khắp mọi miền đất nước.

Đây là lợi thế vô cùng lớn của hãng xe Việt trước những đối thủ cũng đang rục rịch giới thiệu các dòng xe điện tại Việt Nam nhưng lại chưa thể giải "bài toán kép" về trạm sạc.

VinFast đang giải 'bài toán kép' về trạm sạc tại Việt Nam

Sự đầu tư của VinFast vào hệ thống trạm sạc cho thấy tầm nhìn chiến lược và lâu dài trong việc phát triển xe điện tại thị trường Việt Nam, qua đó đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu về hạ tầng xe điện.

Lấy ví dụ về thị trường xe điện tại Mỹ, được xem là quốc gia đi đầu trong việc phát triển xe điện và là nơi có hạ tầng tốt, nhưng Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xung quanh bài toán trạm sạc.

Một trong số đó là việc đáp ứng nhu cầu sạc xe điện tại các thành phố lớn, khu vực trung tâm hay đặc biệt là tại các căn hộ chung cư, tòa nhà cao tầng… bởi mật độ sử dụng xe điện ở đây rất cao.

Để thúc đẩy lắp đặt trạm sạc trong chung cư, đến nay đã có trên 10 tiểu bang ở Mỹ thông qua đạo luật về Quyền sạc điện (Right To Charge).

Luật quy định khác nhau tùy theo tiểu bang, nhưng tất cả đều cấm chủ sở hữu tòa nhà và Hiệp hội chủ sở hữu nhà (HOA) ngăn cản cư dân lắp đặt, sử dụng bộ sạc xe điện tại chung cư, đồng thời luật cũng nêu rõ các yêu cầu lắp đặt bộ sạc đúng tiêu chuẩn.

Trong khi đó, tại châu Âu - thị trường xe điện lớn thứ hai thế giới, Anh đã ban hành quy định xây dựng sửa đổi về việc lắp đặt các điểm sạc xe điện hoặc các tuyến cáp, có hiệu lực từ tháng 6/2022.

Trong đó có các yêu cầu mới như: mỗi khu nhà mới có bãi đậu xe đều phải có điểm sạc xe điện, các khu dân cư có trên 10 chỗ đậu xe phải có ít nhất một bộ sạc xe điện…

Tại Na Uy, nơi được ví như "thủ phủ" xe điện của châu Âu, từ 2016, Bộ Giao thông Vận tải nước này đã ra quy định yêu cầu phải phân bổ tối thiểu 6% khu vực sạc cho ô tô điện trong các tòa nhà và bãi đỗ xe mới.

Ở khu vực châu Á, Singapore là nước có nhiều điểm tương đồng với các thành phố lớn tại Việt Nam, khi phần lớn trong số 5,4 triệu dân sống trong các khu chung cư cao tầng.

Bởi vậy, việc sạc xe điện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào trạm sạc công cộng. Chính phủ Singapore đang phải hết sức nỗ lực để đạt được mục tiêu phủ 40.000 cổng sạc công cộng vào năm 2030.

Một trong những giải pháp được Chính phủ Singapore đưa ra là ban hành luật sạc xe điện, trong đó yêu cầu các tòa nhà mới xây dựng phải lắp đặt bộ sạc tại ít nhất 1% trong tổng số chỗ đỗ xe, cùng với đó là quy định về hạ tầng điện cũng cần đáp ứng đủ tải.

Có thể thấy, nhìn rộng ra bức tranh toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong nhóm nước dẫn đầu về hạ tầng trạm sạc cho xe điện. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới cũng đang có những bài học giá trị để tăng tốc phát triển trạm sạc.

Nếu có thể kết hợp tốt giữa ưu thế hiện tại và các bài học từ thế giới, Việt Nam sẽ có những bước phát triển về giao thông xanh với hạt nhân là xe điện trong thời gian tới.